Cuộc đua vắc-xin COVID-19: Đòi hỏi càng cao, càng dễ thất bại

30/12/2020 - 18:18

PNO - Các chuyên gia y tế lo lắng rằng, công chúng có thể thất vọng với những loại vắc-xin chỉ có hiệu quả vừa phải so với mức 95% mà sản phẩm của Pfizer và Moderna đạt được.

Kỳ vọng cao...

Hai loại vắc-xin COVID-19 đầu tiên được chấp nhận tại Mỹ đã vượt quá kỳ vọng của các nhà khoa học và quan chức y tế với hiệu quả gần 95% và không có mối lo ngại lớn về độ an toàn. Nhưng hiện không có đủ liều vắc-xin COVID-19 cho nhu cầu sử dụng, và nếu các loại vắc-xin tiếp theo chỉ đơn thuần là tốt thay vì rất tốt, chúng có thể là một món hàng khó bán cho công chúng.

Hai nhà sản xuất vắc-xin AstraZeneca và Johnson & Johnson (J&J) đã sẵn sàng công bố dữ liệu an toàn và hiệu quả từ các thử nghiệm giai đoạn cuối vào đầu năm 2021. Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu được công bố vào tháng 11/2020 cho thấy, vắc-xin AstraZeneca chỉ có hiệu quả 62% ở liều lượng dự định.

Các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng lo lắng rằng, nếu người tiêu dùng đứng trước sự lựa chọn, họ có thể từ chối loại vắc-xin kém hiệu quả hơn, ngay cả khi đó là loại duy nhất dành cho họ.

Hiện chưa có loại vắc-xin COVID-19 nào hoàn thành việc thử nghiệm  trên trẻ em và phụ nữ mang thai
Hiện chưa có loại vắc-xin COVID-19 nào hoàn thành việc thử nghiệm trên trẻ em và phụ nữ mang thai

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, gần 40% người trưởng thành ở Mỹ do dự trong việc sử dụng bất kỳ loại vắc-xin COVID-19 nào. Angela Rasmussen - nhà virus học tại Trung tâm Khoa học và An ninh y tế toàn cầu - cho biết: “Không ai muốn vắc-xin AstraZeneca nếu hiệu quả của nó vẫn ở mức 62% trong dữ liệu thử nghiệm cuối cùng”.

Nhưng các chuyên gia y tế khác nói rằng, làn sóng vắc-xin tiếp theo không nhất thiết phải phù hợp với mốc hiệu quả 95% của vắc-xin của Moderna và Pfizer. Họ cho rằng, các yếu tố trong thế giới thực như dễ vận chuyển, bảo quản hoặc sự hấp dẫn của loại tiêm một liều thay vì hai liều có thể làm cho loại vắc-xin hiệu quả vừa phải đáng được sử dụng.

Và các giả định trên toàn thế giới về việc tiêm chủng hàng loạt vào năm 2021 - bao gồm cả lời hứa của chính quyền Tổng thống Trump rằng mọi người Mỹ đều có thể tiêm vắc-xin vào mùa hè này - phụ thuộc rất nhiều vào làn sóng vắc-xin thứ hai và thậm chí thứ ba được tung ra thị trường toàn cầu.

… càng dễ thất bại

Là công ty đi đầu trong cuộc đua vắc-xin toàn cầu, AstraZeneca đã bán được nhiều liều vắc-xin trên toàn thế giới hơn bất kỳ nhà sản xuất nào khác. Ngoài các thỏa thuận với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới về phòng ngừa dịch bệnh và Serum Institute (một nhà sản xuất vắc-xin hàng loạt ở Ấn Độ), nhà sản xuất dược phẩm của Anh đã hứa hẹn gần 1 tỷ mũi tiêm cho các quốc gia khác, không bao gồm 300 triệu liều cam kết với Mỹ.

Vắc-xin của AstraZeneca rẻ hơn rất nhiều so với các loại khác, đồng thời cũng dễ vận chuyển và bảo quản hơn so với vắc-xin hiện tại của Pfizer - vốn yêu cầu tủ đông cực lạnh. Điều đó giúp nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các khu vực khó tiếp cận ở Mỹ cũng như các quốc gia có thu nhập thấp hơn, với cơ sở hạ tầng kém hơn. 

Trong khi đó, Pfizer và Moderna chỉ mới bắt đầu nghiên cứu vắc-xin cho trẻ từ 12 tuổi trở xuống và không có nhà sản xuất nào bắt đầu thử nghiệm ở nhóm trẻ nhỏ hơn. Các nhà quản lý cũng đã yêu cầu thêm dữ liệu ở phụ nữ mang thai và tương tác với các yếu tố nguy cơ nhất định như bệnh tim, tiểu đường và các bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.

Các chuyên gia y tế nói rằng, một loại vắc-xin chỉ có tác dụng vừa phải về tổng thể có thể tốt nhất cho các nhóm dân số chính. Ngoài ra, các ứng cử viên vắc-xin COVID-19 cũng đang đưa ra một tình huống khó khăn cho kế hoạch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử tại Mỹ và cả thế giới. Và dù các loại vắc-xin đã được cấp phép sử dụng hiện có hồ sơ hiệu quả và độ an toàn gần như giống nhau và sử dụng cùng một công nghệ nhưng việc có một danh sách vắc-xin đa dạng hơn sẽ khiến nhiệm vụ phân phối công bằng trở nên khó khăn hơn.

Philip Landrigan - Giám đốc Chương trình Y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Boston (Mỹ) - cho biết: “Nếu một loại vắc-xin hiệu quả hơn các vắc-xin khác thì vấn đề đạo đức đặt ra là, ai sẽ nhận được loại nào? Tính minh bạch còn có một lợi ích khác ngoài việc đảm bảo rằng hệ thống hoạt động tốt, nó có thể thuyết phục những người không muốn chủng ngừa cởi mở hơn với vắc-xin”. 

Tấn Vĩ (theo Politico)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI