Cuộc chiến “hỏa táng - mai táng” nạn nhân COVID-19 chia rẽ đất nước Sri Lanka

10/01/2021 - 06:00

PNO - Chính phủ Sri Lanka hôm 8/1 tái khẳng định chủ trương hỏa táng tất cả các nạn nhân COVID-19, bất chấp ý kiến quốc tế và khuyến nghị của các chuyên gia trong nước cho phép người Hồi giáo chôn cất người chết theo phong tục đạo Hồi.

Sri Lanka hỏa táng người tất cả những người chết vì COVID-19, bất chấp sự phản đối của người Hồi giáo. Dòng chữ trên khẩu trang của những người biểu tình: “Hãy chấm dứt việc cưỡng bức hỏa táng” - Ảnh: AFP
Sri Lanka hỏa táng tất cả những người chết vì COVID-19, bất chấp sự phản đối của người Hồi giáo. Dòng chữ trên khẩu trang của những người biểu tình: “Hãy chấm dứt việc cưỡng bức hỏa táng” - Ảnh: AFP

Chính phủ Sri Lanka bắt đầu cấm chôn cất người chết hồi tháng 4, khi xuất hiện những cảnh báo đáng lo ngại từ các tu sĩ Phật giáo tên tuổi. Họ nói rằng việc chôn xác người có thể làm ô nhiễm nước ngầm và lây lan virus. Mối lo này đã bị các chuyên gia y tế bác bỏ là “vô căn cứ”.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khẳng định không hề có nguy cơ như vậy, và khuyến cáo có thể mai táng cũng như hỏa táng các nạn nhân COVID-19. Nhưng chính phủ Sri Lanka đã từ chối chấp nhận ý kiến có uy tín chuyên môn cao của WHO. Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Pavithra Wanniarachchi tuyên bố: “Quyết định của chính phủ (về việc hỏa táng) không được thay đổi vì các lý do xã hội, tôn giáo, chính trị hoặc bất kỳ lý do cá nhân nào khác".

Tuyên bố được đưa ra bất chấp việc một ủy ban chuyên gia do chính phủ chỉ định trong tuần lưu ý rằng mặc dù họ cảm thấy hỏa táng là an toàn nhất, nhưng cũng có thể cho phép mai táng trong những điều kiện nghiêm ngặt.

Theo truyền thống, người Hồi giáo chôn người chết quay đầu về phía thánh địa Mecca. Trong khi đa số Phật tử ở Sri Lanka, lực lượng hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính phủ hiện tại, thường được hỏa táng, giống như những người theo Ấn Độ giáo.

Tháng trước, nhà chức trách đã ra lệnh hỏa táng bắt buộc ít nhất 19 người Hồi giáo chết vì đại dịch, trong đó có một đứa trẻ, sau khi gia đình họ từ chối nhận thi thể của người thân từ nhà xác bệnh viện. Sự việc đã khiến cộng đồng Hồi giáo ở Sri Lanka bất bình và nổi giận, trong khi những người Hồi giáo ôn hòa và kiều dân Hồi giáo thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) - gồm 57 cộng đồng Hồi giáo - nhiều lần bày tỏ mối quan ngại.

Hội đồng Hồi giáo Sri Lanka (SLMC) cáo buộc chính phủ đang cố gắng kích động giới trẻ Hồi giáo "hành động hấp tấp" với quyết định hỏa táng, Bộ trưởng Tư pháp Ali Sabry, một người theo đạo Hồi, cho biết.

Đã có những căng thẳng diễn ra giữa người Hồi giáo thiểu số và người Sinhalese đa số - những người bản địa của đảo Sri Lanka, chủ yếu theo đạo Phật - kể từ sau vụ đánh bom đẫm máu vào lễ Phục sinh năm 2019 do các chiến binh thánh chiến địa phương thực hiện.

SLMC cho biết hơn một nửa trong số 222 nạn nhân COVID-19 của Sri Lanka là người Hồi giáo, những người chỉ chiếm 10% trong 21 triệu dân ở đất nước Nam Á này. Phát ngôn viên Hilmy Ahamed của Hội đồng Hồi giáo SLMC nói với AFP: “Chúng tôi có số người tử vong cao như vậy là vì người Hồi giáo không tìm cách điều trị, họ sợ rằng sẽ bị hỏa táng nếu họ được chẩn đoán nhiễm virus sau khi đến bệnh viện”.

Maldives, nước láng giềng Hồi giáo của Sri Lanka, tháng trước thông báo rằng Sri Lanka đã xin phép gửi thi thể những người Hồi giáo đến đó để chôn cất. Tuy nhiên, phát ngôn này đã bị chính phủ Sri Lanka bác bỏ. Ông Mohamed Nasheed, một phát ngôn viên của Maldives, tiếp tục gợi ý rằng họ có thể cho phép chôn cất những người Hồi giáo Sri Lanka tại một nghĩa trang dành cho người Maldives ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, nhưng chính phủ Sri Lanka cũng phớt lờ đề xuất đó.

Sri Lanka đã trải qua một đợt gia tăng ca nhiễm COVID-19, khi số trường hợp nhiễm virus tăng vọt từ 3.300 ca vào tháng 10/2020 lên gần 46.800 ca, số người tử vong tăng từ 13 lên 222 người.

Hòa Ninh (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI