Tập tục an táng ở Indonesia gây nguy hiểm cho việc phòng dịch COVID-19

09/07/2020 - 15:54

PNO - Đám đông hơn 150 người đã dùng áp lực đưa thi thể Muhammad Yunus ra khỏi một bệnh viện ở miền đông Indonesia, họ không tin nhà thuyết giáo đạo Hồi 49 tuổi có thể chết vì COVID-19. Người dân địa phương cho biết, ông luôn rửa tay, đeo khẩu trang và tuân theo các thủ tục y tế do chính phủ ban hành.

Vì vậy, khi ông qua đời, một ngày sau khi nhập viện trên đảo Sulawesi vì tức ngực và khó thở, các tín đồ của ông quyết tâm lấy lại thi thể của nhà thuyết giáo để thực hiện nghi lễ an táng Hồi giáo thích hợp. Đám đông đã đột nhập vào bệnh viện, đe dọa các y tá và mang xác Yunus đi sau khi ông qua đời chưa đầy 30 phút.

Những ngôi mộ tại một nghĩa trang đặc biệt dành cho những người được cho là chết vì COVID-19 tại một nghĩa trang lớn ở Jakarta, Indonesia - Ảnh: AP
Những ngôi mộ tại một nghĩa trang đặc biệt dành cho những người được cho là chết vì COVID-19 tại Jakarta, Indonesia - Ảnh: AP

Theo AP, khi số người chết vì bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) ngày càng tăng ở Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới này bộc lộ “mối bất hòa” với các nghi thức xử lý thi thể các nạn nhân của chính phủ. Điều này dẫn đến sự gia tăng các vụ việc tìm cách đưa thi thể người chết ra khỏi bệnh viện, từ chối các quy định y tế và an toàn phòng dịch trong bối cảnh thiếu thông tin từ chính phủ.

Với hơn 87% cư dân là người Hồi giáo, các nghi lễ đạo Hồi được coi là phổ biến ở Indonesia khi có người qua đời. Theo nghi thức Hồi giáo, người chết thường được chôn cất trong vòng 24 giờ, thi thể được an táng không có quan tài để người chết có thể nằm nghiêng sang bên phải và quay mặt về hướng thánh địa Mecca.

Trước khi chôn cất, thi thể được gia đình rửa sạch bằng xà phòng và nước thơm, sau đó liệm trong một tấm vải liền buộc lại ở đầu và chân. Hỏa táng và ướp xác đều bị cấm. Không có nghi lễ thức canh người chết qua đêm vì những lời cầu nguyện được đọc ở mộ phần.

Nhưng với những nạn nhân chết vì COVID-19, các nghi thức xử lý thi thể của chính phủ - vốn thường do gia đình thực hiện – được chuyển sang tay những người làm dịch vụ an táng của chính quyền.

Nhân viên xử lý thi thể Sahrul Ridha cho biết công việc của anh đã thay đổi kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Thời gian kéo dài hơn, cần nhiều người thay ca để xử lý các thi thể, và anh bắt đầu thực hiện các thủ tục tôn giáo cho người chết vì gia đình họ không được phép làm. “Mặc dù là tình huống khẩn cấp, chúng ta vẫn cần lau rửa thi thể, thực hiện rửa tội và khâm liệm thi thể truyền nhiễm theo đúng cách” - Ridha nói.

Indonesia đến nay đã xác nhận hơn 68.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 3.350 người tử vong. Số ca nhiễm và tử vong ở Indonesia cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Tại một nghĩa địa ở thủ đô Jakarta, những người đào mộ như Imang Maulana làm việc từ sáng sớm đến tận đêm khi xe cứu thương nối đuôi nhau chở đến những người tử vong do COVID-19. Trong khi đó, gia đình người chết không được đến gần các ngôi mộ đã được đào sẵn để thực hiện các nghi lễ chôn cất.

Maulana nói rằng nếu các gia đình yêu cầu, anh sẽ thực hiện những lời cầu nguyện cuối cùng “với sự đồng cảm đối với gia đình người chết”, miễn là anh có thời gian vệ sinh thân thể và chuẩn bị cho việc chôn cất tiếp theo.

Tại thành phố Makassar trên đảo Sulawesi, 5 trong số 13 người bị buộc tội đánh cắp xác chết của người nhiễm COVID-19 đã được đưa đến một cơ sở cách ly sau khi họ xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh.

Thi thể các nạn nhân COVID-19 cũng đã bị đánh cắp ở những nơi khác trên đất nước Indonesia. Mới đây, các quan chức chính quyền tỉnh Đông Java báo cáo về một vụ trộm thi thể bệnh nhân.

Trước tình hình này, ông Doni Monardo - người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Indonesia - tuyên bố, sự chung tay của cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo sẽ là chỗ dựa cho các nghi thức y tế quốc gia được sử dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Cẩm Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI