Cuộc chiến chống COVID-19 gặp khó do nỗi sợ đông máu

17/04/2021 - 05:29

PNO - Mỹ, Nam Phi và Liên minh châu Âu (EU) tạm thời ngừng triển khai tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson (J&J) sau báo cáo về hiện tượng đông máu hiếm gặp, tương tự như trường hợp của vắc-xin của liên danh Oxford-AstraZeneca.

Tạm ngừng tiêm vắc-xin

Đối với các quan chức y tế liên bang Mỹ, việc yêu cầu tạm ngừng sử dụng vắc-xin của J&J cho đến khi có kết luận điều tra về sáu trường hợp đông máu cực kỳ hiếm gặp là một động thái hiển nhiên. Dù vậy, họ cũng hiểu rằng, đó là một sự đánh đổi lớn vì cho đến nay, đông máu dường như chỉ ảnh hưởng đến 1/1.000.000 người được tiêm vắc-xin và vẫn chưa rõ liệu vắc-xin có phải là nguyên nhân trực tiếp hay không. Hành động quá cứng rắn trước nguy cơ đông máu sẽ làm tăng sự do dự của người tiêm vắc-xin và củng cố thuyết âm mưu chống lại tiêm chủng, chưa kể việc “tạm dừng” có thể khiến dịch bệnh tái bùng phát, giết chết nhiều người hơn.

Tuy tỷ lệ xuất hiện chứng máu đông ở những người tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson  chỉ khoảng 1/1.000.000, Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn tạm dừng sử dụng sản phẩm  để điều tra thêm - Ảnh: Reuters
Tuy tỷ lệ xuất hiện chứng máu đông ở những người tiêm vắc-xin của Johnson & Johnson chỉ khoảng 1/1.000.000, Mỹ và nhiều quốc gia khác vẫn tạm dừng sử dụng sản phẩm để điều tra thêm - Ảnh: Reuters

Giữa lúc các ca nhiễm tăng đột biến ở Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia… và các biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện nhiều hơn, các quan chức y tế biết rằng, họ đang trong cuộc chạy đua giữa virus và vắc-xin, mà bất kỳ trở ngại nào cũng có thể đánh đổi bằng sinh mạng.

Hãng J&J tạm dừng triển khai vắc-xin COVID-19 của mình tại EU, vốn dự tính bắt đầu từ tuần này. Trước đó, vắc-xin của hãng AstraZeneca cũng buộc phải hạn chế đối tượng sử dụng do xuất hiện tác dụng phụ gây đông máu tương tự. Một số quốc gia châu Âu từng tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca trong thời gian ngắn đã nối lại chương trình, nhưng đi kèm giới hạn về độ tuổi tiêm phòng. Riêng Đan Mạch ngừng hẳn việc tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi các nghiên cứu ở nước này chỉ ra tần suất xuất hiện chứng máu đông cao hơn dự kiến, ảnh hưởng đến khoảng 1/40.000 người. 

Các cơ quan quản lý hiện đang điều tra xem liệu phản ứng miễn dịch bất thường với vắc-xin có phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng đông máu hiếm gặp hay không. Trong vắc-xin của J&J và AstraZeneca, các nhà khoa học sử dụng phiên bản chỉnh sửa của một loại virus vô hại với người, nhằm đưa các chỉ dẫn quan trọng cho tế bào tái tạo protein gai bám của SARS-CoV-2. Từ đó, tế bào kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại loại protein lạ này và học cách bảo vệ cơ thể trước COVID-19.

Giải pháp phối trộn vắc-xin

Các quan chức nhấn mạnh rằng, tình trạng đông máu ở những người được tiêm vắc-xin AstraZeneca là cực kỳ hiếm. Tuy nhiên, theo một cuộc thăm dò của YouGov - công ty khảo sát và phân tích thị trường có trụ sở tại Anh - được công bố vào tháng Ba, có 61% người Pháp, 55% người Đức và 52% người Tây Ban Nha coi vắc-xin AstraZeneca là “không an toàn”. 

Tương tự, người đứng đầu bộ phận quản lý chăm sóc sức khỏe tại vùng Lombardy, Ý cho biết, người dân ngày càng có thái độ miễn cưỡng trước vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca vì lo ngại về tính an toàn. Các quan chức ở những nơi khác trên khắp nước Ý đã báo cáo vấn đề tương tự, khiến chính phủ phải đau đầu tìm cách tăng cường nỗ lực tiêm chủng. Giống như nhiều quốc gia châu Âu, Ý tạm dừng tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca vào tháng 3/2021, nhưng hiện đã tiếp tục triển khai vắc-xin cho những người từ 60 tuổi trở lên.

Tuần rồi, các quan chức y tế Pháp khuyến nghị, những người dưới 55 tuổi tiêm vắc-xin AstraZeneca liều đầu tiên nên tiêm mũi thứ hai bằng loại vắc-xin 
khác để tránh rối loạn đông máu. Đức dự kiến ​​sẽ đề xuất một chiến lược tương tự cho những người dưới 60 tuổi. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, còn quá sớm để biết liệu khuyến nghị pha trộn vắc-xin có hiệu quả hay không.

Một cuộc nghiên cứu lớn tại Anh đang xem xét liệu vắc-xin COVID-19 có thể phối trộn một cách an toàn giữa những mũi tiêm khác nhau cho liều đầu tiên và thứ hai hay không. Nghiên cứu Com-Cov, được khởi động vào tháng Hai, đang điều tra liều lượng xen kẽ của các loại vắc-xin Oxford/AstraZeneca, Pfizer, Moderna hoặc Novavax cho liều đầu tiên và liều thứ hai. Vấn đề cần quan tâm là liệu việc phối hợp vắc-xin có giúp tạo ra khả năng miễn dịch rộng hơn, lâu dài hơn chống lại virus và các biến thể mới, đồng thời cung cấp sự linh hoạt hơn trong việc sử dụng vắc-xin và giảm nguy cơ biến chứng hay không.

Hiện tại, có một điều chắc chắn rằng, giữa cơn bão tin tức và sự chú ý của các phương tiện truyền thông xã hội xung quanh việc “tạm dừng tiêm chủng”, những lợi ích thu được từ chiến dịch tiêm chủng ở nhiều quốc gia có thể mất đi, đặc biệt là trong trường hợp máu đông hiếm gặp trở thành công cụ cho những người theo thuyết âm mưu và phe phái chính trị. 

 Tấn Vĩ (theo AP, Reuters, NY Times, Guardian)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI