Cửa hàng điện máy bày bán đồ thiết yếu vì sợ phải đóng cửa

27/03/2020 - 20:11

PNO - Đó là thông tin được đại diện Sở Công thương Hà Nội báo cáo trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội chiều nay.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội chiều 27/3, đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, từ ngày 25/3 đến nay, do chưa hiểu rõ chỉ đạo của lãnh đạo thành phố dẫn đến việc một số phường đã yêu cầu đóng cửa những đơn vị kinh doanh thương mại. Đồng thời, do chưa hiểu rõ thông tin nên sáng 27/3 nhiều người dân lo lắng đi siêu thị mua sắm đồ dùng thiết yếu để tích trữ. Lượng người dân đi mua sắm tăng từ 20-30%.

Để giải quyết vấn đề này, Sở Công thương đã thông tin và đề nghị các phường, doanh nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân không nên mua hàng tích trữ, bởi các hệ thống phân phối luôn mở cửa và đủ hàng hóa cho người dân.

Ngoài ra, đại diện Sở Công thương cho biết, có một số đơn vị điện máy vì sợ phải đóng cửa nên đưa thêm một số hàng hóa thiết yếu vào để bán chung với hàng điện máy. Hiện Sở Công thương đang phối hợp với các địa phương để xử lý tình hình này.

Toàn cảnh cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hà Nội.
Toàn cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP. Hà Nội

Hiện tại TP. Hà Nội có 26 trung tâm thương mại (trong đó có 25 trung tâm thương mại có siêu thị); 141 siêu thị (trong đó có 103 siêu thị tổng hợp); 455 chợ truyền thống; 495 cửa hàng xăng dầu; 674 cửa hàng gas. Đây là những nơi được xem xét để mở cửa bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân.

Đối với các trung tâm thương mại, chỉ cho phép mở cửa siêu thị tổng hợp, không mở cửa các dịch vụ vui chơi giải trí, dịch vụ cà phê hoặc làm đẹp. Trên các tuyến phố, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini, các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm, cửa hàng bán hoa quả; các cửa hàng thuốc sẽ mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân.

Tại cuộc họp, Công an TP. Hà Nội cho biết đã chỉ đạo Công an quận Cầu Giấy xử lý 1 quán bar ở phường Dịch Vọng do vẫn tiếp tục hoạt động. Hà Nội cũng đã xử lý 68 trường hợp đăng tin bài sai sự thật trên internet; 165 trường hợp đầu cơ, tăng giá, buôn lậu; hành vi vứt khẩu trang không đúng quy định.

Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa, tính đến 22 giờ ngày 26/3, trên địa bàn quận có 42 cơ sở dịch vụ karaoke, 64 cơ sở massage, 1 quán bar, 113 cửa hàng trò chơi điện tử, 3 rạp chiếu phim, 9 sân vận động, 27 phòng tập thể thao và 4.029 các cơ sở kinh doanh dịch vụ đã nghiêm túc tạm dừng đóng cửa. 57/57 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự cam kết không tổ chức các hoạt động có tập trung đông người.

Ngoài ra, theo báo cáo của lãnh đạo các quận, huyện khác, sau khi nhận chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, các quận huyện vào cuộc vận động đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu, tránh tụ tập đông người, hạn chế ra đường khi không có việc cần thiết. Đồng thời, các quận cũng làm việc với các doanh nghiệp, bảo đảm cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI