“Của chồng công vợ” bắt đầu từ đâu?

21/12/2020 - 05:48

PNO - Có hàng vạn điều nhỏ nhặt ẩn chứa trong từng ngóc ngách mái ấm, để hai người thấy bóng dáng nhau, mà hễ người này vắng là người kia thấy lạnh...

Thuở nhỏ, tôi thường xuyên ở nhà với má. Đó là những ngày đầy hoa mộng với một đứa con gái nhỏ ưa mơ màng, bởi muốn làm gì thì làm, muốn nói gì cũng được, muốn nhõng nhẽo ra sao cũng không bị rầy la.

Vậy mà mỗi thứ gần như quay ngoắt một trăm tám mươi độ mỗi khi có ba ghé về. Ba tôi làm cán bộ ở tỉnh. Những cuối tuần rỗi rãi, ông tranh thủ về nhà, rồi lại đi. Có tháng thì hai, ba lần hoặc có khi hai, ba tháng về một lần.

Mỗi lần ông khách mang chức danh ba đó ghé nhà là gây ra những xáo trộn lớn. Đó là những xáo trộn thuộc quy luật gia đình, mà hễ ta dám bước qua khỏi “vòng kim cô”, thể nào cũng bị roi đét đít. Lúc có ba, sẽ phải đi đứng ăn nói nhẹ nhàng, tóc tai phải buộc gọn, quần không được xắn cao quá gối, thức ngủ đúng giờ, mấy tuổi cũng phải cư xử như người lớn. 

Những luật bất thành văn đó khiến tôi nhiều phen ấm ức. Nói gì nói, căn nhà cũng thuộc một phần riêng tư của má và của chúng tôi. Không khí gia đình lúc không có ba vui nhộn bao nhiêu thì lúc có ba lại lặng lẽ, nặng nề bấy nhiêu. Tôi ấm ách lây sang cả má. Lúc ba về, má như giao hết “quyền hành”, để ba tự nhiên trở thành “vua” và cả vợ con đều là thần dân, mọi cử động nói năng, đi đứng đều bị “phong tỏa” trong cái nhìn chưa bao giờ là thông cảm.

Má hẳn biết sự ấm ức này, nên những câu chuyện về ba mà má kể cho chúng tôi nghe ít khi nào là chuyện xấu. Đã vậy, để nhấn mạnh thêm sự “tỏa bóng” của ba trong nhà, má luôn phán gọn: “Của chồng công vợ hết đó nghen! Phải có ba mới có tụi con, phải có ba mới có cái nhà này”.

Những thứ tài sản nhỏ xíu như cây kim sợi chỉ, má cũng liệt vô “của chồng công vợ” và đem điều đó ra nói với dòng họ, bà con như cách để tự giúp mình giữ bền phận của một người vợ, cả đời thì đã chờ chồng đâu hết nửa, nửa còn lại là quần quật gầy dựng cho con.

Hồi nhỏ, thấy “bất công” là tôi cãi. Như khi má nói đến chuyện “của chồng công vợ”, tôi nói đại suy nghĩ của mình, rằng tôi đâu có thấy công hay “của cải” của ba gì đâu: vườn ruộng một tay má làm, túng thiếu một mình má biết. Mỗi lần ba ghé ngang qua, má còn luôn rút những khoản tiền tiết kiệm nhỏ nhoi đưa ba, bởi lo rằng ba ở tỉnh thiếu thốn thì đâu có ai để vay mượn. 

Tất nhiên là má rầy tôi dữ lắm bởi suy nghĩ này. Má nói, ấy là tôi chưa đủ lớn để hiểu câu “của chồng công vợ”. Nó không chỉ là thứ tài sản như căn nhà, cái bàn, cái ghế hay sợi chỉ, cây kim mà nó còn là thứ tài sản tinh thần, là bóng dáng, hơi thở, phong cách của người kia hằn lên trong đó. 
Điều má giải thích tôi cũng chỉ tạm bằng lòng, bởi vẫn thấy không đúng cho lắm. Không đúng ở chỗ ba luôn áp đặt “tầm quan trọng” của mình lên gia đình, với những chủ kiến gây ra nhiều bất đồng trong quan hệ cha con, chồng vợ.

Má tôi, tất nhiên chẳng phải học hành gì nhiều để đủ sức đưa những vấn đề gia đình trở thành một chuẩn mực, một triết lý sống để dạy bầy con. Cách của má là cách của sự hy sinh và luôn nhận thua thiệt về mình, để đảm bảo mái nhà của mình không thiếu hụt hình ảnh một người cha dành cho các con. Vẫn có cái gì đó thiếu công bằng cho má, khi má vẫn muốn phủ cái bóng của ba lên toàn bộ căn nhà, chỉ cần ông ở lại, chớ không cần ông phải tốn nhiều sức lực để gầy dựng.

Thuở nhỏ, tôi thấy bất công vẫn là bất công, dù má có ra rả điều này điều nọ để cố gắng gắn kết và lấp đầy khoảng trống thiếu thốn tình cảm của ba. Nhưng có lẽ nhờ sự kiên gan của má, tôi không sinh lòng ghét giận ba. Tôi vẫn quý những phút giây ông bước qua ngạch cửa, quần áo chỉn chu, giắt cái nón lên vách nhà. Thỉnh thoảng khi vui, ông gọi bầy con tới, phát cho cái cặp, cuốn vở, đôi dép… dù những thứ ông mua luôn… trật lất.

Ông thưa vắng tình cảm nhưng vẫn hiện diện đâu đó trong từng khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời đủ để tôi hiểu rằng khi mình có đủ ba má đã là một phước phần. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Để thành vợ thành chồng với nhau là duyên nghiệp từ vô lượng kiếp nên cái sự “của chồng công vợ” cũng từ vô lượng kiếp của những thứ để cho hai người sống dưới mái nhà cùng học hỏi và hiểu chữ “thấu hiểu”, “nương tựa” và “chia sẻ”.

Ở đó, không hẳn là những thứ “tài sản chung” mà còn là một “không gian chung” cùng hàng ngàn điều không gọi thành tên được. Nhưng, mái ấm nào cũng không phải chỉ có một người “tỏa bóng”. Dù còn nhiều thứ chệch choạc nhưng không hẳn vì người này thấy mình quan trọng hơn người kia mà lập tức tỏ ra coi thường. 

Thời của má tôi ắt là khác thời người ta được trao nhiều quyền chủ động như bây giờ: chủ động tìm hiểu, yêu thương, đi đến gắn kết và cả những quyết định rời xa nhau. Thế nhưng thời nào cũng cần rất nhiều nỗ lực. Mỗi căn nhà không chỉ lúc nào cũng có tiếng cười. Nơi đó cũng ẩn chứa những thở than, cả bất đồng hay những phiền muộn và khó khăn. Hàng vạn điều nhỏ nhặt ẩn chứa trong từng ngóc ngách mái ấm, đều đáng để hai người thấy bóng dáng nhau, mà hễ người này vắng là người kia thấy lạnh.

“Của chồng công vợ” bắt đầu từ những hạt rất nhỏ của bụi vàng. 

Minh Phúc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI