Cứ tung tăng đã

17/05/2016 - 07:36

PNO - Nếu được lựa chọn, tôi vẫn thích cuộc sống đơn thân hơn là có chồng mà lệ thuộc đủ thứ.

Lâu ngày gặp lại bạn cũ, hỏi thăm một hồi mới biết cô đã ly hôn. Tôi tỏ vẻ ái ngại với cảnh đơn thân nuôi con của bạn, sợ cô chạnh lòng. Như hiểu được ý của tôi, cô cười: “Anh đừng tỏ ra thương cảm em như vậy. Em đang rất vui với cuộc sống của mình...”.

Tôi thấy nhiều người thường thông cảm, chia sẻ, tiếc, thậm chí là thương hại cho người phụ nữ “gãy gánh” (góa chồng hoặc phải ly hôn), bởi tâm lý chung vẫn cho rằng “bị chồng bỏ”, “ở giá” là thiệt thòi. Một số phụ nữ rơi vào hoàn cảnh đó cũng tự nhận về mình như thế.

Cu tung tang da
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Tôi nghĩ, phụ nữ “trục trặc” về chuyện gia đình và phải đơn thân nuôi con thực sự là thiệt thòi so với người có gia đình bình thường và cả so với “gà trống nuôi con”. Sự thiệt thòi đó có lẽ một phần do truyền thống lâu nay của xã hội ta là phụ nữ chưa hoàn toàn “bước ra” ngoài xã hội. Bản thân nhiều phụ nữ cũng ít chuẩn bị tâm lý và tư thế để sống một cuộc sống đơn thân, chẳng hạn họ thường ít kỹ năng làm những việc lâu nay được cho là của đàn ông, như mắc điện, sửa ống nước… hay lớn hơn là sửa nhà, mua xe.

Không ít phụ nữ có đi làm, nhưng kinh tế vẫn phụ thuộc vào chồng và khi sống đơn thân phải tự xoay xở với khó khăn tài chính. Một số người dễ rơi vào trạng thái trầm cảm do phải sống trong điều kiện quạnh quẽ, đơn chiếc, khi nhìn quanh bạn bè, xóm giềng sống có đôi có cặp hạnh phúc... Đó là những khó khăn có thể thấy trước mắt, rồi nhiều khó khăn tiềm ẩn bên trong, với mỗi người lại khác nhau.

Nhưng bây giờ, phần nhiều phụ nữ đã vượt qua được những khó khăn đó. Cô bạn tôi đôi lúc làm tôi phải thốt lên, “đúng là tự do muôn năm!”, bởi cô có nhiều thời gian và điều kiện để làm điều mình muốn mà trước đây không thể. Buổi tối, sau giờ làm việc, cô đi học ngoại ngữ. Cuối tuần, mẹ con dắt nhau đi dạo, liên tục đăng hình trên facebook trong tâm trạng vui vẻ, hứng khởi. Nghỉ hè, cô gửi con về nội ngoại, rồi tranh thủ nghỉ phép hoặc kết hợp đi công tác để đi du lịch với bạn bè, hết trong nước lại ngoài nước. Bạn bè hỏi sao không tìm mối nào đó để “làm tập hai”, cô cười bảo: “Cứ tung tăng cho thoải mái đã, chừng nào chán mới tính”.

Tôi thấy nhiều phụ nữ đang sống vui vẻ như thế, có một công việc ổn định đủ để sống, có một mái nhà nhỏ đầm ấm, có nhiều thời gian để làm được điều mình thích mà ít bị ràng buộc, có thể sống nhiều hơn với cha mẹ, bạn bè bởi không bị gò bó chuyện “chồng có cho phép không”…

Còn lời ong tiếng ve, đối với họ coi như là những nốt nhạc cho cuộc sống vui vẻ chứ không làm họ xao động. Cũng có người trở thành “kẻ thứ ba” nhưng phần nhiều những phụ nữ đơn thân mà tôi biết họ thận trọng với điều đó, bởi hơn ai hết, chính họ trải nghiệm sự đổ vỡ từ cái gọi là “người thứ ba” nên luôn biết cách tránh.

Có lần, một cô bạn chồng mất đã sáu năm vì bạo bệnh, đang nuôi con trai mười hai tuổi, chia sẻ: “Tôi cũng muốn có gia đình như các bạn chứ, nhưng vì điều kiện đặc biệt mà làm bà mẹ đơn thân, kể ra thì cũng thiệt thòi cho tôi và cho đứa nhỏ. Nhưng đừng vì vậy mà tội nghiệp tôi. Nếu được lựa chọn, tôi vẫn thích cuộc sống đơn thân hơn là có chồng mà lệ thuộc đủ thứ. Nếu bạn thương hại một phụ nữ đơn thân thì e rằng bạn đã lạc hậu rồi đó”.

Nguyễn Minh Hải

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI