Cú sốc của những bà mẹ “vượt cạn” mùa COVID-19?

07/08/2021 - 06:05

PNO - Trong gần 2 năm qua, nhiều em bé đã cất tiếng khóc chào đời trong hoàn cảnh đặc biệt gây ra bởi đại dịch COVID-19. Và các bà mẹ cũng là những người phải chịu đựng không ít vấn đề cả về thể chất lẫn tinh thần trong thời gian "vượt cạn" của mình.

Cô Corie Hess sinh hạ em bé thứ 2 của mình vào đúng thời gian cả nước Mỹ đang căng mình chịu đựng "làn sóng" COVID-19 tấn công.

Như nhiều phụ nữ làm mẹ trong thời điểm khó khăn này, cô Hess cũng có những trải nghiệm không mấy dễ chịu khi phải đối mặt với tình trạng giãn cách xã hội cùng những hoang mang lo lắng vì dịch bệnh.

Cô Corrie Hess cùng chồng và 2 con trai của mình. Bé Evan 10 tháng tuổi (bên phải) là trẻ sinh non - Ảnh: Fifth and Morton/Washington Post
Cô Corrie Hess cùng chồng và 2 con trai của mình. Bé Evan 10 tháng tuổi (bên phải) là trẻ sinh non trước 6 tuần - Ảnh: Fifth and Morton/Washington Post

“Con tôi sinh non trước 6 tuần. Bé đã phải thở máy và nằm trong khu chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh suốt 2 tuần để được bác sĩ theo dõi”, người phụ nữ 37 tuổi ở tiểu bang Indiana (Mỹ) kể lại những khoảnh khắc khó quên của mình trong bệnh viện phụ sản. “Hoảng sợ và trầm cảm là những gì mà tôi đã phải trải qua trong thời gian đó”.

Thế nhưng, Hess không phải là trường hợp cá biệt.

Sinh con mùa dịch và những vấn đề về sức khỏe tinh thần

Trong một nghiên cứu mới đây, Phó giáo sư Sharon Dekel công tác tại khoa Tâm lý thuộc Đại học Harvard cùng nhóm nghiên cứu của mình đã nhận thấy có tình trạng “rối loạn tâm thần sau sinh” (birth trauma) xảy ra một cách phổ biến ở các sản phụ sinh con mùa dịch.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã so sánh 1.161 ca sinh nở trong thời gian đang xảy ra dịch COVID-19 với 640 ca sinh con trước khi có dịch bệnh. Họ phát hiện nhóm sản phụ sinh con trong giai đoạn dịch bệnh thường gặp vấn đề liên quan đến stress ở mức cao gây ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa mẹ và bé cũng như tình trạng mất sữa sau sinh.

Nhiều sản phụ đã gặp phải những vấn đề về tâm lý khi sinh con trong mùa dịch - Ảnh: Vadym Petrochenko/Getty Images
Nhiều sản phụ đã gặp phải những vấn đề về tâm lý khi sinh con trong mùa dịch - Ảnh: Vadym Petrochenko/Getty Images

Một nghiên cứu khác do các nhà khoa học Italia thực hiện và đăng tải trên tạp chí chuyên ngành BMC tháng 11/2020 cũng cho ra kết quả tương tự với 71% sản phụ sinh con từ tháng 3 và tháng 4/2020 - là khoảng thời gian dịch bắt đầu khởi phát - có triệu chứng khủng hoảng tâm lý sau sinh.

Điều chỉnh để thích nghi

Với trường hợp của Hess thì cô đã phải có một số điều chỉnh để đối phó với tình trạng sang chấn tâm lý của mình.

“Trước đó tôi đã gần xong chương trình tiến sĩ của mình rồi. Nhưng sau khi sinh em bé thứ 2, tôi đã quyết định tạm dừng con đường khoa bảng để tập trung cho gia đình của mình”, Hess nói.

Cô cũng tìm cách thoát ra khỏi “vỏ ốc” mà mình tạo ra trước đó bằng cách mở lòng chia sẻ với những bà mẹ khác về hành trình "vượt cạn", những khó khăn thách thức mà cô gặp phải và kinh nghiệm của mình khi chăm sóc em bé sinh non thứ 2.

Cô Tessa Joos, một phụ nữ  36 tuổi sống ở tiểu bang Colorado (Mỹ), cũng có những trải nghiệm tương tự khi sinh non đứa con gái thứ 3 của mình trong những ngày căng thẳng vì dịch COVID-19 vừa qua.

“2 ngày trước khi con gái tôi có thể rời phòng đặc biệt dành để chăm sóc trẻ sơ sinh thì đột nhiên bé rơi vào tình trạng bất tỉnh”, Joos kể lại. “Lúc ấy tôi như tuyệt vọng khi nhìn các bác sĩ chiến đấu giành lại sự sống cho con bé. Đó là những khoảnh khắc in sâu trong tâm trí tôi”.

Nhiều em bé sinh ra trong mùa dịch phải cần được chăm sóc trong những khu chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh như thế này - Ảnh: Akron Children's Hospital
Nhiều em bé sinh ra trong mùa dịch phải cần được chăm sóc trong những khu chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh như thế này - Ảnh: Akron Children's Hospital

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, những bà mẹ bị trầm cảm sau sinh hoặc gặp những vấn đề tâm lý khác cần được quan tâm chăm sóc và hỗ trợ kịp thời.

“Cởi lòng chia sẻ với những người thân của mình, tham gia các câu lạc bộ hoặc tìm cho mình một nhà trị liệu tâm lý là những điều cần thiết để các bà mẹ không cảm thấy đơn độc, và những cú sốc tâm lý không phải là không thể hóa giải được”, Kasey Balin, chuyên gia tâm lý ở San Francisco đưa lời khuyên.

Nguyễn Thuận (theo Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI