Cứ chuông là đợi gió

04/12/2017 - 16:07

PNO - Cuộc đời của ai là to lớn, ai nhỏ nhoi? Khát vọng yêu thương và được yêu thương của bất kỳ ai cũng đều đáng trọng, cũng như cái chuông, hễ treo lên là đợi gió...

Cu chuong la doi gio
 

1. Khi cô đưa dượng về nhà, ba tôi là người đầu tiên phản đối, rồi các cô các chú, mỗi người góp một câu. Cô ngồi chếch góc bàn, nhìn lên bàn thờ ông bà nội, mắt nhòe nhoẹt nước.

Ông bà nội tôi có bảy người con. Cô là con thứ tư. Cô không kết hôn, ở vậy chăm ông bà đến ngày cả hai khuất núi. Lúc ấy, cô đã ngoài 50 tuổi. Dường như cả gia đình đã quen với việc cô lúi húi sau bếp trong những ngày giỗ, tết; quen với bàn thờ luôn bóng loáng, ấm nồng nhang khói.

Không ai nghĩ rồi cô cũng cần một người bạn đời để cùng ngồi uống với nhau ly trà buổi sáng, nhắc nhở nhau mặc thêm áo khi ra ngoài ngày gió. “Em không có quyền có gia đình sao anh Hai?”. Cô nói nhẹ nhàng mà nghe như tiếng búa, gõ vào từng người. 

Sau này, mỗi lần gặp cô, không hiểu sao tôi cứ nghe văng vẳng câu nói sũng ướt, nao lòng đó. Đâu phải chỉ có những người trẻ, những người trời sinh thuận lợi mới có quyền mưu cầu hạnh phúc. Những người lỡ mất thanh xuân, gia cảnh khó khăn, hay trời sinh khiếm khuyết lẽ nào không có quyền?

2. Hơn 30 năm trước, bọn trẻ chúng tôi đến trường chỉ một buổi, còn một buổi tha hồ vui chơi: cất nhà chòi, tạt lon, nhảy dây, tắm sông... Giữa bầy trẻ con, luôn có những đứa, vì lý do nào đó, bị đám bạn bỏ rơi. Người không bao giờ được chúng tôi rủ chơi chung là cậu trai con của người đàn bà câm, nhà ở cuối xóm.

Cu chuong la doi gio
Ảnh minh họa

Hình ảnh người đàn bà nhỏ thó, có búi tóc xộc xệch sau ót, cầm cái bao đi nhặt phân bò, không nói được, chỉ “ơ a” khiến chúng tôi cảm thấy sợ. Thi thoảng nấu khoai, làm bánh hoặc nhà có giỗ, mẹ hay sai tôi mang một ít biếu bà ấy. Tôi miễn cưỡng đi mà lòng không thích chút nào.

Một chiều tan lớp, chúng tôi hớn hở ra về. Cậu con trai bà câm đi phía trước. Chợt, cậu bạn nghịch nhất bày ra một trò: cả đám nắm tay nhau vừa chạy vừa la, ép cậu bạn, cả người, cả tập vở rơi tõm xuống mương. Không ai nhớ là mình không biết bơi, cậu ấy cũng không biết bơi.

Chưa bao giờ tôi thấy vẻ mặt mẹ tôi như thế. Bà nhìn tôi thật lâu, rồi đột nhiên đưa tay quệt nước mắt: “Mẹ là con nhà nghèo. Hồi nhỏ người ta được đi học, mẹ phải đội rau đi bán, đi chăn bò. Ai cũng coi thường mẹ, không ai chơi với mẹ. Con có biết cảm giác đó như thế nào không? Ba mẹ vất vả nuôi con ăn trắng mặt trơn, cho con đến trường học cái hay cái tốt. Giờ cả đám tụi con ức hiếp một thằng bé.

Nếu như hôm nay nó chết đuối thì sao hả con? Mẹ có bốn chị em con, có ba con, còn ông bà nội ngoại... Còn cô câm sẽ sống ra sao khi mất đứa con duy nhất?”. Tôi khóc rất nhiều, không hẳn vì hiểu hết lời mẹ, mà vì tôi nhận ra mẹ đau khổ thế nào khi nói những lời ấy.

Hình ảnh người đàn bà câm nằm phục bên chân con trai, hết nắm chân lại bóp tay, rồi chắp tay lạy trời và cậu bạn nằm im sau khi nôn ra rất nhiều nước khiến trái tim trẻ con chúng tôi mơ hồ nhận ra rằng mình đã làm chuyện gì khủng khiếp lắm.

Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ lời mẹ nói trong buổi chiều đẫm nước mắt ấy: “Ai cũng có cảm xúc và phải luôn được tôn trọng. Họ cũng y như tụi con, yêu thương, hờn giận, mong muốn được như mọi người”.

3. Cháu gọi chồng tôi là cậu. Bẩm sinh cháu đã chậm phát triển trí tuệ. Mười năm ở trường chuyên biệt, cháu chỉ có thể đọc những chữ cái, các con số đến hàng chục và viết được tên mình, nói những câu chào hỏi đơn giản. Cháu rất ngoan, biết tự vệ sinh cá nhân, có thể dọn dẹp nhà cửa. Gần đây, mẹ cháu phát hiện cháu thích mặc đồ mới, thích ra ngoài. Cô âm thầm quan sát và ngỡ ngàng thấy cháu đứng bên cổng rào chờ hàng giờ, nhìn đăm đăm và nhoẻn miệng cười với cô bé hàng xóm.

Cu chuong la doi gio
 

Cháu đã ngoài 20 tuổi. Cả nhà bàn nhau sẽ canh chừng cháu, cho cháu đi học nghề, sẽ tham vấn bác sĩ chuyên khoa... Tôi biết cháu không thể có một gia đình bình thường như những thanh niên khác, nhưng từ câu nói của cô, đến giọt nước mắt, lời dặn dò của mẹ và giờ là ánh mắt lấp lánh sau nụ cười ngờ nghệch của cháu, tôi hiểu cảm xúc của ai cũng cần được trân trọng.

Tôi đã thấy bạn mình mừng rỡ khi phát hiện vạt thạch thảo trên triền đá, cắm cúi soi từng cánh lá của loài trinh nữ bên vệ đường. Tôi lại nhớ đến chồng. Có lần, anh loay hoay cả giờ để treo cái chuông gió trước cửa giúp vợ. Khuôn mặt anh giãn ra, thì thầm như nói với chính mình: “Cứ chuông là luôn đợi gió”. 

Phải chăng khi ai đó tự nguyện hy sinh, làm một việc gì lâu ngày dài tháng, chúng ta sẽ mặc nhiên thụ hưởng mà quên rằng người ta cũng có quyền được nghỉ ngơi, quyền sống cho bản thân mình? Khát khao hạnh phúc nào phải đặc quyền của riêng ai.

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI