“Công dân Mỹ” không còn là mục tiêu hấp dẫn người nhập cư?

13/08/2020 - 17:00

PNO - Nghiên cứu công bố hôm 9/8 cho thấy một số lượng kỷ lục công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch, khi cho rằng vùng đất này không còn là nơi nuôi dưỡng và biến giấc mơ của họ thành hiện thực.

Số người bỏ quốc tịch cao kỷ lục

Bambridge Accountants - một công ty có trụ sở tại New York chuyên tư vấn thuế cho người nước ngoài ở Mỹ và Anh – báo cáo hơn 5.800 người Mỹ từ bỏ quốc tịch trong sáu tháng đầu năm 2020 so với 2.072 người Mỹ từ bỏ quốc tịch trong cả năm 2019.

Alistair Bambridge – người quản lý tại Bambridge Accountants, nói với CNN: "Con số bao gồm chủ yếu là những người không còn sống tại Mỹ và quyết định rằng họ đã chịu đựng đủ, từ quan điểm không chắc chắn của Tổng thống Donald Trump, cách quốc gia xử lý đại dịch và các chính sách chính trị ở Mỹ ngay lúc này ".

Theo Bambridge, trong khi nhiều người từ bỏ quốc tịch phàn nàn về việc không hài lòng với môi trường chính trị hiện tại ở Mỹ, thì một lý do khác dẫn đến quyết định của họ là thuế. Công dân Mỹ sống ở nước ngoài vẫn phải khai thuế hàng năm, khai báo tài khoản ngân hàng nước ngoài, các khoản đầu tư và lương hưu của họ. Người Mỹ muốn từ bỏ quốc tịch phải trả 2.350 USD và đích thân đến đại sứ quán Mỹ tại quốc gia của họ nếu họ không ở Mỹ.

Bất chấp những rủi ro đi kèm với việc từ bỏ quốc tịch Mỹ, Bambridge dự đoán rằng xu hướng này sẽ chỉ tiếp tục đi lên: "Rất nhiều người đang chờ đợi cuộc bầu cử tháng 11 để xem điều gì sẽ xảy ra. Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, chúng tôi tin rằng sẽ có một làn sóng mới quyết định từ bỏ quốc tịch của mình".

Hàng ngàn người Mỹ từ bỏ quốc tịch trong nửa đầu năm 2020, phần nào do tác động từ bất ổn chính sách và kinh tế bấp bênh trong đại dịch.
Hàng ngàn người Mỹ từ bỏ quốc tịch trong nửa đầu năm 2020, phần nào do tác động từ bất ổn chính sách và kinh tế bấp bênh trong đại dịch

Chi phí xin quốc tịch Mỹ ngày càng tăng

Với những lo ngại về kinh phí liên bang, Sở Nhập tịch và Nhập cư Mỹ đã điều chỉnh nâng các khoản phí để trang trải hoạt động của cơ quan, bắt đầu thực hiện vào tháng 10/2020. Những sự gia tăng đó đồng nghĩa với việc con đường trở thành công dân Mỹ đắt đỏ hơn, giữa lúc hàng chục triệu người tại Mỹ đang thất nghiệp.

Một trong những thay đổi lớn nhất là việc loại bỏ nhiều khoản giảm trừ cho trẻ em dưới 14 tuổi và những người có thu nhập thấp. 

Một thay đổi khác là việc tăng 81% lệ phí cho đơn xin nhập tịch. Hiện tại là 640 USD hoặc 320 USD cho trường hợp đặc biệt, con số dự kiến đổi thành 1.170 USD. Bên cạnh đó, phí xét thị thực L-1 đã tăng 75%. Đây là loại thị thực thường dành cho các công ty nước ngoài tìm cách mở văn phòng mới ở Mỹ, tạo ra việc làm cho công dân và cư dân tại Mỹ. Do đó, khi người sử dụng lao động nhận thấy rõ những thay đổi về lệ phí cùng rất nhiều trở ngại liên quan đến di trú, họ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn việc có nên thuê lao động nước ngoài hay không.

Chậm trễ và mơ hồ

Sara Ramirez - chuyên gia công nghệ 27 tuổi - gọi hành trình trở thành công dân Mỹ của mình là “giấc mơ”, trong đó bao gồm viễn cảnh bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào tháng 11/2020. Nhưng đại dịch COVID-19 và những hạn chế về nhập cư hợp pháp đang đẩy giấc mơ của cô ấy ra xa hơn.

Ramirez đã chờ đợi được gần 10 tháng. Quy định mới về yêu cầu thể chất gây ra một sự chậm trễ khi Sara phải nộp thêm các tài liệu y tế cho Sở Di trú và Nhập tịch Mỹ (USCIS). Sara từng chuẩn bị sẵn các tài liệu ở cuộc phỏng vấn đầu tiên, nhưng lúc ấy cô được thông báo rằng không cần báo cáo y tế. Có nhiều người giống với Sara cũng đang phải chờ đợi, đối mặt sự chậm trễ trong nhiệm vụ cuối cùng trước khi chính thức nắm giữ quyền công dân thông qua lời thề trung thành với nước Mỹ.

Sara Ramirez – cô gái sinh ra tại Mexico – đang nuôi hy vọng được trở thành công dân Mỹ trước kỳ bầu cử tháng 11/2020. (Ảnh: The Dallas Morning News)
Sara Ramirez – cô gái sinh ra tại Mexico – đang nuôi hy vọng được trở thành công dân Mỹ trước kỳ bầu cử tháng 11/2020 - Ảnh: The Dallas Morning News

Vào tháng 3, các buổi lễ nhập tịch trên toàn quốc đều bị hủy bỏ vì dịch COVID-19. Hiện hoạt động này đã được nối lại, nhưng với số lượng nhỏ hơn nhiều. Dù vậy, bên cạnh sự chậm trễ khách quan do dịch bệnh, các chính sách chống nhập cư của Tổng thống Donald Trump góp phần dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn đối với những người đang trải qua quá trình nhập quốc tịch. Theo trang web của USCIS, quá trình xử lý đơn nhập tịch hiện đang mất từ ​​1-3 năm ở các thành phố lớn như Dallas, Houston, Los Angeles, San Francisco, New York và Miami. Ở Chicago, thời gian chờ đợi là từ 13 tháng đến 4 năm.

Con số đáng khích lệ nhất cho những người muốn có quốc tịch Mỹ hiện tại là tỷ lệ chấp thuận xấp xỉ 90%. Randy Capps - Giám đốc nghiên cứu các chương trình của Mỹ tại Viện Chính sách Di cư – cho biết, “trong những năm gần đây, khoảng 9/10 người nộp đơn đã được cấp quốc tịch. Trong quý gần đây nhất mà số liệu thống kê có sẵn, tỷ lệ chấp thuận giảm xuống còn 86%, nhưng đây không phải là thay đổi lớn”.

Tấn Vĩ (theo CNN, Spectrum News, Dallas News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI