Con trẻ nhìn vào chúng ta

08/04/2019 - 10:30

PNO - Trong đời dạy học của mình, tôi chứng kiến không ít trường hợp học trò đánh nhau, trai và cả gái. Nhưng không hiểu sao, khi các em gái đánh bạn, luôn khiến tôi buồn lâu đến như vậy.

Những ngày cuối năm học lại có quá nhiều chuyện không vui trong nhà trường. Tôi nhớ cảm giác như có ai túm lồng ngực của mình bóp chặt lúc xem clip các em gái lớp Bảy lớp Tám cùng nhau đánh bạn gái, bắt quỳ gối lột áo cởi quần man rợ như thời trung cổ. 

Có một người bạn cũng là mẹ của hai đứa con gái cùng tuổi ấy, hỏi tôi trong thảng thốt: “Sao bọn trẻ ác vậy cậu?”. Tôi hoang mang. Không biết trả lời bạn ra sao. Nhưng vẫn nói với bạn bằng trái tim của một nhà giáo, có hơn hai mươi năm dạy trẻ: “Chưa bao giờ tớ nghĩ trẻ ác cậu à”.

Trong đời dạy học của mình, tôi chứng kiến không ít trường hợp học trò đánh nhau, trai và cả gái. Nhưng không hiểu sao, khi các em gái đánh bạn, luôn khiến tôi buồn lâu đến như vậy.

Con tre nhin vao chung ta
 

Tôi bị ám ảnh cực độ khi trong đầu mường tượng lại cảnh ấy. Biết bao bài học yêu thương, vị tha mình cố gắng gợi lên và vun đắp mỗi ngày đã trở thành vô nghĩa. Mình đứng trên bục giảng mỗi ngày như một trò đùa vậy sao?

Đã 8 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cha của em gái bị thương, đôi tay tài xế chai sần cứ buông ra nắm vào run lẩy bẩy: “Tội con bé quá cô à!”. Rồi anh hướng mắt nhìn các em ấy: “Sao tụi con lại cạn nghĩ vậy”. Tất cả òa khóc, cả nạn nhân lẫn thủ phạm. Chúng khóc vì thấy mình sai quá, hối hận quá, thấy có lỗi quá. Mãi sau này khi các em bế con cái về thăm tôi đã nhắc lại rằng: “Cô không biết là ánh mắt cô và bác ấy đau khổ tuyệt vọng thế nào đâu! Tụi em cám ơn cô và bác ấy”.

Con tre nhin vao chung ta
 

Hôm qua, tôi có hỏi các học sinh mình: “Nếu là em, em có đánh bạn như vậy không?”. Hơn 10 em học sinh nữ đều trả lời: “Em không làm vậy. Nếu giận quá em sẽ gặp bạn, nói chuyện, thậm chí sẽ mắng bạn hoặc quá em sẽ tát bạn một cái thôi. Làm sao có thể đánh như vậy, lột quần áo như vậy? Sợ cha mẹ buồn và xấu hổ, sợ sẽ không được đi học nữa cô à”. “Các em có nghĩ các bạn ấy ác không?”. “Không đâu cô, các bạn ấy nhất thời hồ đồ, hồi năm lớp Chín lớp cũ em cũng có một nhóm bạn gái đánh bạn gái trong lớp, giờ này bạn ấy không như hồi ấy nữa đâu cô. Tuổi lớp 8-9 bồng bột cạn nghĩ lắm cô. Với lại đó không phải là số đông, các bạn ấy đa số là cha mẹ đi làm ăn xa hoặc ở với dì, với cô, với ông bà, không có người uốn nắn kịp thời nên vậy đó cô!”. 

Suy cho cùng, con người mình sống là hành trình tự hoàn thiện. Hành trình dài và liên tục. Bất luận là ai sống ngày hôm nay cố gắng không sai lầm điều gì là đã thở phào nhẹ nhõm. Ngày mai lại sẽ là một cuộc chiến mới. Hơn ai hết, những trẻ 12-13 tuổi càng phải nhận được sự quan tâm, yêu thương, tha thứ, cũng như hình phạt phải nhằm mục đích giáo dục, chứ không phải thù hằn ghét bỏ, hay ghê tởm. Tôi không tin trên cõi đời này có người thích mình thành kẻ ác bị xa lánh. Tôi cũng không tin rằng những người cha người mẹ có con hành động chưa đúng lại không đau lòng.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi có những người lớn hôm qua còn đăng đàn đòi “giết chết bất kỳ ai xúc phạm vợ con” mình, đòi ăn thua đủ với những ai vu khống mình, nay quay qua gọi các đứa trẻ ấy là “những con quỷ”. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi mỗi ngày trên mạng xã hội, tràn ngập những vụ đánh ghen hay xử lý mâu thuẫn một cách tàn khốc của người lớn, mà không hề thấy ai phấp phỏng lo sợ: liệu chúng ta đã dạy gì cho con trẻ!

Con tre nhin vao chung ta

Bao nhiêu năm dạy trẻ là từng ấy thời gian tôi đau đáu một nỗi lo: Bàn tay thầy cô liệu có đủ chở che cho trẻ khi có quá nhiều thứ lệch lạc, tàn bạo ngoài kia? Phải chăng đã đến lúc bất kỳ chúng ta là ai, ở đâu cũng phải lẩm bẩm như niệm thần chú: con trẻ nhìn vào chúng ta!

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI