Con trai giặt đồ cho vợ, mẹ xót!

29/04/2020 - 05:45

PNO - Mẹ chồng không thể nào hiểu nổi tại sao con dâu có thể cả tuần không giặt đồ. Và cái đứa bê sọt quần áo dơ bốc mùi ấy đi giặt lại là con trai bà.

Mẹ chồng

Bà ngồi im thật lâu nơi góc bàn ăn. Những cảm xúc không thể kiểm soát cứ chực trào. Sao bà lại có thể giận dỗi, rơi nước mắt nhanh như một đứa trẻ được nuông chiều vậy? Bà chẳng phải là một người mẹ chồng hiện đại đó sao? Bà đã chẳng từng nghĩ với con dâu và cuộc sống gia đình con, bà chỉ luôn sẵn sàng giúp đỡ chứ không phán xét. Kêu chúng về đây ở hai tháng nay, cũng là thành ý đó. Lẽ nào bà đã làm gì sai?

Bà biết. Biết từ hồi còn là con dâu người ta. Đó là khoảng cách thế hệ và khác biệt giữa các cá nhân là điều không tránh khỏi. Kể cả cùng một huyết thống. Vậy nên, yêu cầu một đứa con gái xa lạ có thể phù hợp mọi thứ trong gia đình là điều vô lý và quá sức với nó. Bà đã cố tránh những phiền muộn bằng việc cho các con ra ở riêng ngay tuần đầu sau đám cưới.

Hơn một năm qua, ông bà thấy hoàn toàn ổn, khi cuối tuần đứa con trai duy nhất và vợ nó về thăm mình. Hoặc nếu rảnh ông chở bà qua căn hộ của chúng. Phải chăng vài tiếng đồng hồ trong buổi ăn tối, với một tâm thế đón tiếp như khách mà mối quan hệ ấy đã được xem là tốt đẹp?

Thời buổi chuyển biến nhanh không kịp trở tay. Dịch bệnh tràn về như mây đen bất chợt phủ bầu trời. Cần tiết kiệm, cần ăn uống ở nhà, nhất là sự bất an khi những thông tin về cách ly, phong tỏa, sinh ly tử biệt… được ông cập nhật từng giờ và ngày càng nghiêm trọng. Khiến bà, một người mẹ, hoàn toàn không an tâm khi để đứa con trai duy nhất ngoài tầm mắt của mình. Các con về ở với bà, tụm về tổ khi ngoài kia là giông tố, có gì sai?

Tuần đầu rất vui. Cả nhà quây quần, sự trẻ trung của con dâu, con trai, sự ồn ào của chúng khiến cho những bữa ăn trở nên ngon hơn thì phải. Ông có người để bàn về chính trị, về những giải đấu thể thao đang tạm thời ngưng. Bà có người để nói về làng quê, về những món bánh hay ăn ngày nhỏ… Thế nhưng, tuần thứ hai, tuần thứ ba… Và bây giờ thì bà có cảm giác như ngôi nhà này không còn của bà. Chưa bao giờ bà thấy ngột ngạt như thế. 

Bà không thể nào hiểu nổi tại sao con dâu bà có thể cả một tuần không giặt đồ. Và cái đứa bê sọt quần áo dơ bốc mùi ấy đi giặt lại là con bà. Bà không thể hiểu nổi tại sao ngủ dậy người ta không bao giờ xếp mền gối ngay ngắn và thay drap ít nhất một tuần một lần? Bà không thể hiểu tại sao nó có thể mặc đồ ngủ không kín đáo ngay trước mặt ông bà? Bà lại càng không hiểu nổi nó có thể cãi nhau với chồng bằng âm lượng rất lớn, bất chấp ông bà chưa ngủ ở phòng kế bên chỉ vì chiếc áo trắng bị lem màu…

Ly cà phê sữa yêu thích đã tan hết đá tự lúc nào. Bà không có cảm giác muốn uống như mọi khi. Phải chăng bà vẫn chưa biết cách làm sao để thật sự vui vẻ, thanh thản? Phải chăng bà chưa từng hiểu và rộng lượng như mình nghĩ? Bà bắt đầu nghĩ về một đứa con gái. Ừ, nếu con dâu là con gái bà… Nếu nó là đứa con bà rứt ruột đẻ ra, chăm bẵm cho đến ngày về ở trong một căn nhà với những con người, nếp sống, nếp nghĩ xa lạ… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Con dâu

Cô đóng cửa xe taxi thật mạnh, đôi tay vẫn còn run. Rõ là mẹ chồng không thích cô. Tại sao mẹ có thể từ việc cô làm bể ly mà bảo cô là một kẻ hậu đậu? Tại sao thói quen nghe nhạc sáng sớm và tắm khuya của cô cũng phải thay đổi vì ảnh hưởng đến ông bà? Tại sao cô phải giặt đồ mỗi ngày và việc đó nhất định phải là cô làm? Tại sao cô không được hét to khi chiếc áo trắng của mình mới mặc một lần đã lem nhem vì chồng giặt chung với đồ màu?

Nước mắt chảy dài hai má cô. 

Thời nào rồi mà cô phải làm tất cả việc nhà, chu toàn giỏi giang như mẹ? Thời nào rồi mà chồng đúng sai cô không được quyền lớn tiếng? Thời nào rồi cô sống phải coi sắc mặt của từng người? Cô vẫn là con người, phải đi làm tám tiếng và nhất là cô chưa bao giờ thấy mình khéo léo. Cô không biết quản lý cảm xúc của mình, buồn là khóc ngay và vui là phải cười…

Cô cần thời gian. Sao mẹ không cho cô thời gian? Sao mẹ không nói với cô giọng điệu nhẹ nhàng hơn. Sao mẹ không thấy rằng cô cũng đã cố gắng nhẹ tay khi rửa chén. Cố gắng ít tắm khuya hơn. Bắt đầu xếp mền mùng chiếu gối khi thức dậy…

Và anh - chồng cô, anh biết rõ cô cả xấu lẫn tốt. Anh hứa sẽ ở cạnh cô, thế nhưng anh đã làm gì? Anh cho rằng cô quá đáng. Rằng mẹ chỉ muốn tốt cho cô. Rằng cô chỉ suy diễn cho sự việc trở trầm trọng… Rằng tại sao không muốn cuộc sống trở nên nhẹ nhàng mà cứ làm cho nặng nề? Cuộc sống ngoài kia không đủ mệt rồi sao?

“Khóc xong chưa? Lau nước mắt, đeo khẩu trang vào đi, tình hình đang căng thẳng! Nhiễm bệnh là cách ly không có gặp ai đâu đó…”, người tài xế lớn tuổi cất tiếng nói, giọng trầm ấm, nghe hệt như giọng ba mình. Tự nhiên một cảm giác ấm áp, an toàn kéo đến bao bọc lấy cô. Cô nhớ đến những nỗi lo lắng của mọi người hơn hai tháng qua, cô nhớ đến những mất mát, những cuộc ra đi không kịp chào nhau, mãi mãi không bao giờ về nhà cùng nhau nữa…

Cô nhớ đến bước chân mình cố tình giẫm thành tiếng thật kêu sáng nay trên bậc cầu thang. Cô nhớ câu nói thẳng với chồng: “Mẹ ghét em!”. Cô nhớ câu chào nặng chình chịch không nhìn mẹ lúc nãy: “Con đi làm!”.

Cô nghe bàn tay mình lại run rẩy. Cô nhớ đến mẹ thẫn thờ ngồi nơi góc bàn ăn, khuôn mặt như già đi hơn mười tuổi chỉ sau một giờ. Cô nghĩ đến mẹ mình…

Mắt cô nhòe đi. Những ngón tay bấm số điện thoại gọi cho mẹ chồng cứ trượt lên trượt xuống… 

Triệu Vẽ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Tuyết Đinh 29-04-2020 12:41:15

    Những con dâu này cũng sai ngủ xong không dọn dẹp để y chang hay giặt đồ cả 2 cùng làm phải vui không, ở nhà chồng mà chửi chồng như hát , ai ở cảnh đó không buồn. Biết nói người khác phải nhìn lại việc làm đúng hay sai đừng nghe 1 chiều

  • Thanh 29-04-2020 10:33:11

    Chuyện này ko có gì mới lạ. Thấy con rễ lo toan mọi việc trong nhà từ A tới Z thì nói con gái có phước , thằng rễ tốt người tốt nết. Ngược lại thấy con trai lo cho con dâu thì than thở thằng dại vợ, con dâu hư đày ải chồng.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI