Con bị bắt nạt, trêu chọc, cha mẹ cần làm gì?

06/05/2022 - 05:24

PNO - Những người lớn hay nghĩ “trẻ con nó nghịch ấy mà”, nhưng các trò đùa ác ý thường để di chứng nặng nề lên các em.

 
Có những đứa trẻ phải tự giải quyết hết những rắc rối, không dám chia sẻ cho cha mẹ, vì sợ cha mẹ khiến tình hình tệ thêm (Ảnh minh họa)
Có những đứa trẻ phải tự giải quyết hết những rắc rối, không dám chia sẻ cho cha mẹ, vì sợ cha mẹ khiến tình hình tệ thêm (Ảnh minh họa)

Chuyện đùa nghịch, chọc ghẹo tuổi học trò, tưởng chừng chỉ là trò vô tư, nhưng mối nguy hại thật khó lường khi chính những trò đùa nghịch ấy có ảnh hưởng sâu sắc lên đời sống tâm lý của cá nhân các em, những nạn nhân của trò đùa nghịch đó.

Bắt nạt và đùa nghịch có thể gây ra những hậu quả có hại và lâu dài cho con em. Bên cạnh những ảnh hưởng về thể chất, trẻ có thể gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cảm xúc, bao gồm trầm cảm và lo lắng, có thể dẫn đến lạm dụng chất kích thích và giảm hiệu suất ở trường.

Tùy từng trường hợp bị đùa nghịch thế nào mà ảnh hưởng tới đâu, cụ thể nếu các nạn nhân bị chọc ghẹo vì cơ thể mũm mĩm quá, nói ngọng líu, nói lắp, hoặc hiền quá, hay cao quá, lùn quá, học dốt quá, yêu sớm quá, viết thư tình trong lớp… đều “chung số phận” là các bạn sẽ la lên, sẽ hùa nhau chọc ghẹo, sẽ đọc thư tình cho cả lớp nghe, sẽ gọi các bạn bằng những nick name như Trâm Gấu, Sơn Voi, Thịnh Bò… 

Và chúng ta, những người lớn chớ nghĩ rằng “ôi dào, trẻ con nó nghịch”. Tất cả đều để lại di chứng sâu sắc đến quá trình hình thành phát triển nhân cách các em, nhẹ thì bị nhút nhát, mắc cỡ, thiếu tự tin, có em sẽ bị rối loạn nhân cách ám ảnh, rối loạn nhân cách né tránh, được đặc trưng bởi việc né tránh các tình huống xã hội hoặc tương tác có nguy cơ bị từ chối, phê bình, hoặc bị làm bẽ mặt.

Chứng ám ảnh sợ xã hội và rối loạn nhân cách né tránh sẽ tránh né sự tương tác xã hội, bao gồm cả ở nơi làm việc, học tập, bởi vì trẻ e ngại rằng mình sẽ bị chỉ trích, bị từ chối hoặc không được người ta chấp nhận. 

Hành vi bắt nạt được xác định thông qua ba đặc điểm: ý định, sự lặp lại và quyền lực. Kẻ bắt nạt có ý định gây đau đớn, thông qua tổn hại về thể chất hoặc lời nói, hành vi gây tổn thương, và làm như vậy nhiều lần.

Người lớn hãy quan sát và để ý kỹ trạng thái cảm xúc của trẻ. Các dấu hiệu con bị chọc ghẹo, bắt nạt:
- Dấu hiệu vết bầm tím không rõ nguyên nhân, vết trầy xước, gãy xương. 
- Sợ đi học hoặc tham gia các sự kiện của trường.
- Đang lo lắng, căng thẳng hoặc rất cảnh giác.
- Có ít bạn bè trong trường hoặc ngoài trường.
- Quần áo, đồ điện tử hoặc đồ dùng cá nhân khác bị mất hoặc bị phá hủy.
- Thường xin tiền.
- Học lực thấp.
- Nghỉ học hoặc gọi điện cho cha mẹ từ trường yêu cầu đón con về nhà.
- Cố gắng ở gần người lớn.
- Ngủ không ngon và có thể gặp ác mộng.

Nếu cha mẹ biết con mình đang bị bắt nạt, cha mẹ có thể thực hiện một số bước để giúp con:

Lắng nghe con một cách cởi mở và bình tĩnh. Tập trung vào việc khiến các con cảm thấy được lắng nghe và được hỗ trợ. 

Hãy nói với con rằng cha mẹ tin con, rằng bạn rất vui vì con đã nói với bạn, rằng đó không phải là lỗi của con, rằng bạn sẽ cố gắng hết sức để tìm kiếm sự trợ giúp.

Nói chuyện với giáo viên hoặc nhân viên, ban giám hiệu trường học. Phụ huynh và con không phải đối mặt với nạn bắt nạt một mình. Vào xem trường học của con có chính sách hoặc quy tắc đối phó với hành vi bắt nạt hay không. 

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM 
(Chuyên gia tư vấn và đào tạo Trung tâm Hồn Việt)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI