Có nên chia giỗ, gộp giỗ, hạn chế giỗ?: "Đàn bà thì đừng bàn chuyện giỗ quẩy"

11/08/2022 - 11:56

PNO - Tôi không “bàn ra” chuyện giỗ quẩy, nhưng tôi nghĩ nên hạn chế giỗ, sẽ dư được “mớ” tiền để làm những việc hữu ích khác.

Đọc bài viết Họp gia đình chia giỗ, nước mắt tôi rơi lã chã vì xúc động với câu chuyện của người con dâu nay đã gần đất xa trời trong bài. Quanh việc giỗ quẩy, tôi nghĩ ai cũng có rất nhiều tâm sự.

Lần về quê mới đây, trong một bữa trà sáng với anh trai và vài người họ hàng lớn tuổi, khi bàn về chuyện giỗ quẩy, tôi đã nêu ý kiến riêng. Tôi không có ý định “bàn ra”, nhưng khi tôi góp ý để đám giỗ giản dị, đầm ấm hơn, các anh các chú xua tay rồi chốt: "Đàn bà con gái, đừng bàn chuyện giỗ quẩy!". 

Mọi người nói, xưa nay, con trai, cháu trai mới... vinh dự giỗ ông bà, cha mẹ. Đàn bà, con gái không được cái vinh dự ấy. Tôi nghe thì không vui, trong lòng tự hỏi, vậy rốt cục giỗ là gì? Có phải là để tưởng nhớ người đã khuất, hay chỉ là một bữa tiệc ăn nhậu? Và cũng xin hỏi thật, đàn ông hay đàn bà, ai mới là người làm nên bữa tiệc giỗ?

Đám giỗ là để tưởng nhớ người đã khuất, hay để ăn nhậu?
Đám giỗ là để tưởng nhớ người đã khuất, hay để ăn nhậu? (Ảnh minh họa)

Giỗ 1 mâm hay 30 mâm, đàn bà cũng “cân” hết mọi thứ, trừ việc cúng kiếng, dù đàn bà thừa khả năng cúng, nhưng chỉ vì... chưa tới lượt mà thôi. Vậy, nói đàn bà đừng bàn chuyện giỗ quẩy, có công bằng với đàn bà hay không?

Tôi cũng đặc biệt dị ứng với hai từ “ăn giỗ”, nghe nó thô lỗ làm sao, mà từ này, khá nhiều người dùng. Rồi có những nơi bày tiệc giỗ ngoài đường, hiên ngang chặn lối đi, còn ra vẻ lịch sự với thông báo: “Nhà có giỗ, xin đi lối khác!”.

Ở quê tôi, cách đây nhiều năm, có bác nọ là người “tiên phong” từ chối các đám giỗ. Ai mời bác cũng không đi, vì bác không có khả năng “trả nợ miệng”. Kinh tế eo hẹp, gia đình làm nông, vợ ốm yếu, năm nào nhà bác cũng gần cả chục cái giỗ. Không kham nổi, sau này bác "dồn giỗ" lại.

Chẳng hạn, ông bà cố gộp chung một cái, ông bà nội gộp chung một cái, anh/em ruột dồn một cái, ba mẹ mới mất thì bác chưa dồn. Giỗ ba mẹ, bác cũng làm đơn giản, chỉ mời người thân cận. Đàn ông, nhất là những ông mê nhậu nói bác tính toán, này nọ, nhưng đàn bà trong xóm thì rất hoan nghênh, vì họ mới là người... thấu hiểu.

Có người nói rằng, ngày giỗ mới thắt chặt quan hệ bà con họ hàng. Tôi thấy chưa hẳn. Thử hỏi, ngày giỗ có thật sự chỉ bà con họ hàng mới dự? Sự có mặt của bạn bè, đồng nghiệp có khi đông hơn. Đàn ông cặp nách thùng bia, phụ nữ thì thùng nước ngọt, hồn nhiên bước vào bàn ngồi.

Dự những đám giỗ, tôi thấy, thức ăn bày ra, nhiều người ăn vội rồi ra về, kiểu đi cho có mặt, cho khỏi bị trách móc. Có nơi bày ca hát inh ỏi, muốn nói chuyện với nhau cũng khó. Đám giỗ thời nay làm gì có không gian để mà chuyện trò.

Tôi không “bàn ra” chuyện giỗ quẩy, nhưng tôi nghĩ, nên hạn chế giỗ, sẽ dư được “mớ” tiền để làm những việc khác hữu ích. Hạn chế giỗ, người phụ nữ sẽ đỡ vất vả, bởi vì, ngay khi gia chủ có thợ nấu, họ cũng phải quét dọn, dư âm mùi bia rượu ám vài ba ngày, chưa kể còn làm phiền người “bị” mời. Sau giỗ, có khi vợ chồng cãi nhau chuyện thâm hụt tiền bạc...

Ngày giỗ, chị em tôi đặc biệt nấu vài món mà ba/mẹ tôi thường thích.
Ngày giỗ, chị em tôi đặc biệt nấu vài món mà ba/mẹ tôi ưa thích lúc còn sống (Ảnh minh họa)

Ở đám giỗ, chẳng mấy khi nghe nhắc về người đã khuất, thậm chí người đã khuất không còn hiện diện trong tâm thức người dự giỗ, hoặc người dự giỗ chẳng biết người đã khuất là ai. Chỉ thấy những cái ly cụng vào nhau côm cốp. Những gương mặt đỏ như gấc vì bia rượu, thậm chí cãi nhau. Đám giỗ thời nay đã bị biến tướng đi nhiều.

Thương nhất là những người ở xa, nghe nhà có giỗ cũng lật đật khăn gói, phải về quê dự giỗ mới được xem là con cháu có hiếu. Mà một lần về quê, đâu phải chuyện dễ như đi hóng gió. Tiền bạc ra vào, quà cáp, có khi phải vay tiền mà về...

Thời trước, gia đình tôi cũng nhiều đám giỗ. Anh em tôi sau này bàn lại, một năm chỉ chọn hoặc giỗ ba, hoặc giỗ mẹ mới mời bà con họ hàng, bởi vì, đám giỗ là phải nơi ấm áp, thân tình. Ngày giỗ, chị em tôi đặc biệt nấu vài món mà ba/mẹ tôi khi sống vẫn thích.

Tuy nhiên, có thể do điều kiện sống của tôi là ở thành phố, xa quê, nên mới "tính khôn" như vậy. Các anh các chú tôi quen "đất lề quê thói", sẽ có quan điểm khác. Mỗi gia đình, mỗi vùng miền lại có tập tục, hoàn cảnh, nếp nhà khác nhau. Nhân đây, cũng xin được nghe thêm ý kiến của mọi người về đám giỗ thời nay...

Phi Khanh (TPHCM)

                                                                                                                                                            

 

Đám giỗ thời nay khác xưa thế nào? Đám giỗ thành phố khác ở thôn quê thế nào? Giỗ chạp, cúng kiếng tưởng nhớ người đã khuất là phong tục thiêng liêng, cần phải gìn giữ nguyên vẹn hay "giản lược" cho phù hợp với điều kiện sống?

Mời bạn tham gia ý kiến và gửi về email của Báo Phụ Nữ Online: online@baophunu.org.vn

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Phuong 09-05-2023 11:57:34

    Đúng vậy,nghe hai chữ " đám giỗ"mà muốn kì thị luôn á.Vì cái ngày thay vì tưởng nhớ người đã khuất thì tốn tiền bạc triệu tổ chức cổ linh đình chỉ để thết đãi người dưng!tụ tập lại nhậu nhẹt đến say khướt rồi nói năng nhảm nhí,cảm thấy đám giỗ thật vô nghĩa.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI