Cô giáo Hải Phòng đánh học sinh lớp 1 tím tay: Đánh mắng được gì?

06/01/2022 - 18:20

PNO - Những ngày qua, thông tin về một cô giáo Hải Phòng đánh học sinh tím tay trong giờ học vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Trước sự việc học sinh không tập trung trong giờ học mà cô giáo dùng bạo lực, chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho rằng trước khi nghĩ đến việc dạy dỗ trẻ bằng những hình thức kỷ luật, giáo viên hãy bắt đầu giáo dục trẻ bằng tình thương và những lời khuyên.

“Thay vì dùng bạo lực khi học sinh thiếu tập trung, giáo viên hãy dùng tình thương và lời khuyên với các con. Tôi chắc chắn, các con sẽ tiến bộ. Giáo dục bằng bạo lực, bằng đòn roi là cách giáo dục cổ xưa, vi phạm đạo đức nhà giáo và cần được loại bỏ.

Hơn ai hết, giáo viên bằng những kỹ năng sư phạm, hãy dành nhiều thời gian tâm sự, chia sẻ, bao dung với các con. Giáo dục trẻ đừng bắt đầu từ thứ gì đó quá xa vời, mà hãy khởi nguồn từ chính tình thương yêu.

Hãy dùng tình thương, trách nhiệm để cảm hóa và hướng trẻ đến những hành vi đúng đắn, thúc đẩy sự tự giác, tự lập”, chuyên gia Hà Thái Hương cho hay.

Theo chuyên gia này, dạy học bằng cách áp đặt hoặc có những hành động gây tổn thương sợ hãi như bạo lực là phương pháp giáo dục không bền vững. Cách dạy này không chỉ ảnh hưởng đến thể chất, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ. Thay vì đánh mắng, giáo viên nên sử dụng những phương pháp tạo động lực cho trẻ như nếu trẻ tập trung, hoàn thành được một bài tập khó hơn thì được tặng điểm thưởng...

Một thực tế hiện nay không thể phủ nhận là giáo viên cũng phải đối mặt với không ít áp lực từ thành tích đến những kỳ vọng của phụ huynh, nhưng không phải vì đó mà giáo viên cho mình quyền được nổi giận, được dùng bạo lực để giáo dục học sinh.

“Đã chọn nghề giáo thì mỗi người khi đứng trên bục giảng buộc phải rèn luyện nhân cách vì giáo viên là người dạy cho học trò bằng nhân cách của mình, làm gương về hành vi ứng xử cho đứa trẻ. Do đó, để giúp học sinh phát triển tốt nhất và trở thành học sinh hạnh phúc khi ở trường thì việc chăm lo cho sức khỏe thể chất và tinh thần của giáo viên cũng là việc cần phải thực hiện. 

Ngoài ra, trong quá trình đào tạo, giáo viên cũng cần được cung cấp  phương tiện, kỹ năng sư phạm cần thiết để phục vụ việc dạy học. Và chương trình tâm lý học phải liên tục được cập nhật, phải mang tính thực tiễn chứ không dừng lại ở lý thuyết như hiện nay, học xong là sinh viên sư phạm quên luôn. Có như thế mới phát huy được hiệu quả và hạn chế tối đa được việc giáo viên dùng đòn roi với học sinh”, chuyên gia Hà Thái Hương cho hay.

Vụ việc cô giáo Hải Phòng đánh học sinh bị lan truyền trên mạng xã hội
Vụ việc cô giáo Hải Phòng đánh học sinh bị lan truyền trên mạng xã hội

Trước đó, chiều 6/1, UBND huyện An Dương (Hải Phòng) cho biết đã yêu cầu Ban Giám hiệu trường Tiểu học Đồng Thái tổ chức làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm với vi phạm của cô giáo chủ nhiệm lớp 1A2. Cô này có hành vi đánh tím tay học sinh.

Cũng theo báo cáo của UBND huyện An Dương thì khoảng 19g50 ngày 2/1, tài khoản N.B đăng thông tin trên Facebook với nội dung: “Cháu em học trường Tiểu học Đồng Thái (huyện An Dương), lớp 1A2. Cô Nguyễn Thị Yến giáo viên chủ nhiệm lớp đánh cháu em tím hết cánh tay, mông như thế này, còn bảo đánh nhẹ, mùa đông rét cháu bị thế em sang nói chuyện tử tế nhưng còn thách thức người nhà em kiện, mọi người thử xem cô này có xứng đáng làm giáo viên không...”.

Nhận được thông tin phản ánh, lãnh đạo UBND huyện An Dương chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND xã Đồng Thái kiểm tra và báo cáo sự việc tại trường Tiểu học Đồng Thái, tổng hợp kết quả xác minh theo phản ánh về cô Nguyễn Thị Yến là giáo viên chủ nhiệm lớp 1A2.

Kết quả xác minh, chiều 30/12, trong tiết Tiếng Việt, cô Nguyễn Thị Yến hướng dẫn các em học sinh luyện viết chữ cỡ nhỏ vào vở thì thấy em N.M.T không tập trung viết bài, nói chuyện và làm việc riêng. Dù được cô giáo nhắc nhở nhiều lần nhưng em vẫn không tập trung.

Trong lúc nóng giận thiếu kiềm chế, cô Nguyễn Thị Yến dùng thước kẻ đánh vào phần mềm bắp tay của em T. nhưng em không biểu hiện đau nên cả lớp tiếp tục tiết học. Cuối buổi học, cô Yến chủ động gặp phụ huynh em T., trao đổi về tình hình học tập và việc đánh em để nhắc nhở em tập trung học tập, đồng thời nhận lỗi và mong phụ huynh chia sẻ, thông cảm cho việc thiếu bình tĩnh của mình.

Phụ huynh em T. cũng thiện ý thông cảm và chia sẻ với cô giáo. Cô Yến nghĩ sự việc nhỏ và bình thường nên không báo cáo với Ban Giám hiệu nhà trường.

Chiều 1/1/2022, gia đình em N.M.T gồm bà nội và mẹ đưa em đến gặp cô giáo chủ nhiệm và phản ánh. Trong khi nói chuyện, mẹ cô giáo Yến và bà nội em N.M.T không hiểu ý nhau nên nói qua lại dẫn đến hiểu lầm. Lúc 19g15 ngày 2/1, cô ruột của em T. đăng tải thông tin sự việc cháu bị cô giáo đánh lên mạng xã hội Facebook. Ban giám hiệu nhà trường tổ chức làm việc với cô Yến.

Bên cạnh đó, đại diện nhà trường và cô Yến cũng đến gia đình thăm sức khỏe và gửi lời xin lỗi gia đình em T. Cô ruột em T. đã gỡ bài đăng liên quan sự việc trên trang Facebook.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI