Phòng chống “vi-rút” bạo lực học đường

21/11/2020 - 05:25

PNO - Vấn nạn bạo lực học đường là câu chuyện đã quá cũ, nhưng luôn là bài toán mới cần lời giải đáp, và chúng ta không thể im lặng.

Giới phụ huynh mới đây lại bàng hoàng về một vụ bạo lực học đường diễn ra tại trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TP.Thanh Hóa), với những hình ảnh nhói lòng về nhóm học sinh xúm lại đánh dã man một nữ sinh lớp Tám, trong lúc bạn bè đứng xung quanh cổ vũ.

Vấn nạn bạo lực học đường là câu chuyện đã quá cũ, nhưng luôn là bài toán mới cần lời giải đáp, và chúng ta không thể im lặng. 

Có nhiều ý kiến cho rằng nhà trường nên dùng bạo lực để triệt tiêu bạo lực học đường. Dưới góc nhìn của một người làm giáo dục, tôi hoàn toàn phản đối, bởi giải pháp bạo lực phản ánh tính thiếu mô phạm, hình thức kỷ luật mạnh tay chỉ mang tính răn đe học sinh ở thời điểm đó. Mục đích cốt lõi của giáo dục là giúp trẻ nhận ra những thiếu sót, uốn nắn cũng như tạo cơ hội cho các em khắc phục để giúp chúng dần hoàn thiện về nhân cách. Việc giáo dục học sinh bằng bạo hành là hoàn toàn sai phạm, cần tránh. 

Chúng ta chỉ thật sự giải quyết tốt vấn đề bạo lực học đường khi chúng ta biết nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tồn tại này là gì? 

Bé gái (áo hoa) bị bạn xúm lại đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip
Bé gái (áo hoa) bị bạn xúm lại đánh hội đồng. Ảnh cắt từ clip

Thứ nhất, dựa trên đặc điểm tâm lý lứa tuổi, học sinh lớp Tám đang trong giai đoạn có sự biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Tâm lý chung của tuổi vị thành niên thường thích sự chú ý, nhìn sự việc mang tính chủ quan, phiến diện, chưa nhận thức đầy đủ hậu quả hành vi bạo lực của mình. Chưa kể đa số bạn trẻ chưa có nhiều trải nghiệm, góc nhìn còn hạn hẹp, rất dễ bị dẫn dắt bởi tâm lý đám đông.

Thế nên, trước những khiêu khích, cổ xúy từ bạn bè xung quanh, đã có một nữ sinh khác túm lấy tóc và đánh nạn nhân không thương tiếc. Đáng buồn hơn là có rất đông học sinh quanh đó tỏ ra vui vẻ, hào hứng trước cảnh bạn mình bị hành hạ, thậm chí còn chủ động quay lại hình ảnh đó. Theo clip ghi nhận, rõ ràng nạn nhân vẫn chưa có kỹ năng xử lý trước tình huống bạo lực. Thiết nghĩ nhà trường cần quan tâm hơn nữa đến việc trang bị kỹ năng nhận diện bạo lực, xử lý tình huống, văn hóa ứng xử trong nhà trường. 

Thứ hai, mặt trái của cơ chế thị trường kéo theo các vấn đề xảy ra ở trường học ngày càng nhiều. Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập như sự năng động, tích cực, hiểu biết rộng, quan hệ giao tiếp đa dạng, thì trong cuộc sống cũng không ít những ảnh hưởng tiêu cực đang xâm nhập vào tư tưởng đạo đức, lối sống của một bộ phận học sinh như hành vi bạo lực, tính ích kỷ, thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác.

Rõ ràng nhiều giá trị của các nguồn văn minh thế giới ồ ạt du nhập vào chưa được gạn lọc, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của nhiều lứa tuổi. Thực tế cho thấy, các vấn đề xảy ra ở môi trường học đường xuất hiện ngày càng nhiều và biểu hiện khá đa dạng. 

Thứ ba, hằng ngày các bạn nhỏ tiếp xúc những hình ảnh bạo hành, cách ứng xử thiếu lành mạnh từ trong gia đình, bên ngoài cuộc sống và trên mạng xã hội nên ít nhiều bị tiêm nhiễm, “thấm” vào tâm trí các em, và chúng sẽ có nguy cơ bộc phát, biến thành hành động.

Lâu dần, những hình tượng ấy hình thành “lối mòn”, gặp trường hợp tương tự, nó sẽ bộc phát ra ngoài như một thói quen bạo lực. Nhìn rộng ra còn phản ánh một lối sống vị kỷ, thực dụng. 

Đã gọi là bạo lực học đường thì dù bằng hình thức nào cũng gây cho nạn nhân những ảnh hưởng nặng nề về sức khỏe lẫn tinh thần. Đặc biệt là các bạn đang trong giai đoạn có nhiều biến động về tâm sinh lý. Những hậu quả từ bạo lực học đường khiến các em gánh chịu trước mắt là về thể xác: nhẹ thì xuất hiện các chấn thương ngoài da như bầm dập, trầy xước… nặng hơn có thể để lại các chấn thương vĩnh viễn trên cơ thể, thậm chí tử vong.

Điều đáng lo ngại nhất là những thương tổn về mặt tinh thần, sợ hãi, ám ảnh trước những lời hăm dọa hay hành động mang tính vũ lực từ người khác. Điều này có thể đeo đẳng, khiến các bạn luôn sống trong sợ hãi, thiếu tự tin, học hành sa sút.

Về lâu dần có thể dẫn đến sự thu mình vào trong, luôn giữ khoảng cách với mọi người để tự vệ. Một số không thoát ra được, có thể lâm vào trầm cảm và tự sát.

Gia đình là cái nôi của nhân cách, rất cần những dạy dỗ mỗi ngày từ các bậc phụ huynh, từ điều nhỏ nhất trong ứng xử, nhất là ứng xử học đường như: không nói xấu bạn, phải quan tâm, nâng đỡ bạn bè… và cả những hành xử khi gặp mâu thuẫn với bạn học.

Nhóm nữ sinh lớp 9 ở Bình Dương đánh hội đồng bạn cùng lớp
Nhóm nữ sinh lớp 9 ở Bình Dương đánh hội đồng bạn cùng trường vì người bạn này dám chê màu sắc một đôi giày - Ảnh cắt từ clip

Thầy cô có thể trò chuyện với học sinh về tình yêu thương, sự nâng đỡ trong môi trường học đường; tránh những nhận xét hay hành xử tạo khoảng cách giữa trò giỏi và trò ít giỏi, giữa trò ngoan và trò chưa ngoan. Các thầy cô vốn rất dễ biết được đâu là nhóm học sinh “có máu mặt” trong trường, lớp. Kiểm soát bạo lực học đường có thể bắt đầu từ những nhóm học sinh này, cần trò chuyện với các em để ngăn chặn những “cao trào cảm xúc” dẫn đến bạo lực.

Trước thực trạng có không ít học sinh là nạn nhân của bạo lực học đường, tôi có một số lời khuyên dành cho các bạn: khi cảm nhận có điều không hay sắp xảy ra, các bạn nên tránh xa những yếu tố gây bất lợi cho mình. Khi mâu thuẫn diễn ra, các bạn nên hạn chế chống trả bằng lời nói hay hành động. Bởi những phản hồi lúc người khác đang tức giận đôi khi “lợi bất cập hại”.

Tùy vào từng hoàn cảnh và mức độ bạo lực, các bạn có thể nhờ sự trợ giúp từ thầy cô, và các cơ quan chức năng để tránh hậu quả đáng tiếc. Tuyệt đối không được âm thầm chịu đựng, bởi có những hành vi bạo hành các bạn không thể tải nổi, và cũng không đủ sức vượt qua. 

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI