Chuyện tình đẹp ở một nhà hàng ra đời đúng lễ tình nhân

14/02/2025 - 06:17

PNO - Tình yêu - hôn nhân đa sắc tộc đã tô điểm cho bức tranh nợ duyên Sài Gòn thêm huyền ảo, lóng lánh... như trong bài viết này là mối duyên lành của đôi vợ chồng chủ nhà hàng Pháp.

Anh chị Thierry Mounon - Phạm Thùy Trang luôn đón chào quý khách với nụ cười ân cần, thân mật - Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh chị Thierry Mounon - Phạm Thùy Trang luôn đón chào quý khách với nụ cười ân cần, thân mật - Ảnh do nhân vật cung cấp

Sài Gòn - TPHCM với phong cảnh hiền hòa, hữu tình, nơi giao thoa nhiều nền văn hóa, phải chăng vì thế mà con người ở đây cũng hay cười, dễ dung nạp, mở lòng? Sài Gòn - TPHCM hữu ý hay vô tình chợt nắng chợt mưa để người ta bỗng thấy cần nhau hơn, thấy nhớ nhau hơn và rồi mỗi góc phố, bến sông bỗng chốc trở thành chốn hẹn hò, tình tự. Có cả những cuộc hò hẹn trăm năm mà nửa này nửa kia đến từ những châu lục xa xôi. Tình yêu - hôn nhân đa sắc tộc đã tô điểm cho bức tranh nợ duyên Sài Gòn thêm huyền ảo, lóng lánh... như trong bài viết này là mối duyên lành của đôi vợ chồng chủ nhà hàng Pháp.

Thay đổi để vừa khớp và đi đường dài với nhau

Hình ảnh một người đàn ông Pháp thành tâm khấn vái ở chùa vào đêm giao thừa khiến nhiều người du xuân thấy lạ, dừng lại nhìn anh và người phụ nữ bên cạnh, mỉm cười. Chị Phạm Thùy Trang không nhớ đã bao đêm giao thừa rồi, chị cùng ông xã Thierry Mounon đi viếng chùa, cầu chúc cho gia đạo bình an, công việc kinh doanh “thuận buồm xuôi gió”.

Tết đến, anh lại nhắc chị mua hoa mai, sắm mâm ngũ quả, trang hoàng mâm cúng rặt kiểu miền Tây. Anh thắp nhang ở nhà hàng La Villa French (14 Ngô Quang Huy) và La Fontaine French Bistrot (tầng 2, tòa nhà River Garden, 170 Nguyễn Văn Hưởng) cùng ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức. Chỉ có một điều đặc biệt là anh khấn nguyện bằng tiếng Pháp.

Tết đến, hiếm khi cả nhà đi du lịch vì anh chị mê cái tết ở Sài Gòn, mê không gian ấm cúng bên bữa cơm gia đình ngày xuân với thịt kho hột vịt, khổ qua dồn, bánh mứt, hạt dưa... Cũng có năm vợ chồng dắt 3 con về ăn tết ở nhà mẹ chị dưới Bến Tre.

Năm 2008, việc chỉ biết tiếng Pháp chứ chưa bao giờ đặt chân lên đất Pháp khiến chị Trang không khỏi ngần ngại khi đón nhận những tín hiệu đặc biệt từ anh chàng người Pháp là giám đốc ẩm thực trong cùng hệ thống khách sạn nơi chị Trang làm việc.

Vốn giỏi tiếng Pháp, chị Trang thường xuyên trao đổi công việc với anh Thierry Mounon, nên dù chị làm ở TPHCM, anh làm tận Phan Thiết, 2 người vẫn là một cặp đôi thân thiết.

Kết thúc hợp đồng lao động, chị Trang chuyển việc sang khách sạn khác chưa lâu thì bất ngờ nhận được lời rủ rê cùng mở nhà hàng tại TPHCM của anh. Sự cảm mến cô đồng nghiệp cũ cho anh bếp trưởng người Pháp thêm một lý do để trở lại Sài Gòn. Năm 2011, anh chị cùng chọn ngày lễ tình nhân 14/2 để khai trương nhà hàng cho dễ nhớ và lãng mạn như phong cách của nhà hàng.

Bên cạnh khác biệt văn hóa Á - Âu, cặp đôi này còn cách biệt nhau đến 10 tuổi nên buổi đầu chung sống không là mặt hồ yên ả. Đó có thể là việc kiểm soát, ghen tuông, lo âu, giận dỗi... mà phần lớn từ phía chị.

Trong không gian nhà hàng sang trọng, ấm áp, anh bếp trưởng tất bật hết chế biến món ăn rồi tươi cười hỏi han, tư vấn cho khách; còn chị Thùy Trang thì hồi tưởng lại đoạn đầu hôn nhân “lắt lẻo gập ghềnh khó đi”. Khi quen nhau, chị mới 21 tuổi; mở nhà hàng lúc mới 24 tuổi. Cái tôi và sự cố chấp, hiếu thắng lấn át tất cả. Sự lắng nghe thực sự chưa đủ để hiểu chứ không hẳn vì thiếu ngôn ngữ để diễn đạt. Đôi khi, cả hai ngồi bên nhau trước mâm thức ăn thật ngon mà nuốt không trôi.

“Một là sẽ phải đứt, hai là sẽ phải thay đổi”. Chị Trang đã suy nghĩ rất nhiều và dần chọn cách thay đổi để thích nghi. Chị không thích phải làm lại từ đầu với một người mới, bởi “biết người ấy có dễ thương không”. Chị muốn mình điều chỉnh để vừa khớp với anh và đi đường dài với nhau; để xây dựng một gia đình hoàn hảo, bù lại cho gia đình không được trọn vẹn mà tuổi thơ chị đã sống.

"Cảm ơn Việt Nam đã cho tôi hạnh phúc"

“Ông xã luôn kiên nhẫn nói cho tôi nghe, việc gì cũng bàn bạc, tham khảo ý kiến. Tôi dần hiểu rằng chênh lệch 10 tuổi đó cũng là 10 năm của hiểu biết, của kinh nghiệm sống, của va chạm xã hội mà chồng đã đi trước tôi. Tôi dần tìm được lối thoát khi tập lắng nghe, hiểu, nương và nhường nhau trong mọi vấn đề của cuộc sống chung. Giờ càng lớn tuổi thì vợ chồng tôi “chống chán” bằng những lời ngọt ngào, âu yếm nhiều hơn. Đó còn là những hoa, quà trong ngày đặc biệt, những chuyến “trốn con cái” để 2 đứa đi ăn uống riêng, đi du lịch cùng nhau” - chị Thùy Trang tâm sự.

May mắn là xung đột của anh chị chỉ trong mối quan hệ gia đình, còn đường hướng kinh doanh lại tương đồng một cách tự nhiên. Dù với anh hay với chị, doanh thu đều là việc quan trọng, nhưng không phải tất cả. Thấy anh luôn chọn nguyên liệu tốt cho thực khách, từ chối nguyên liệu không đạt chuẩn, chị Thùy Trang chấm anh xã bếp trưởng điểm 10 cho cái tâm.

Chọn khai trương nhà hàng đúng vào ngày lễ tình nhân, vợ chồng anh Thierry Mounon mong muốn mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho thực khách khi ghé đến đây.

Không giấu niềm hạnh phúc khi được phục vụ ẩm thực trên quê hương bà xã, anh Thierry Mounon chia sẻ: “Tôi thích nấu ăn và nhìn người ta ăn, cảm thấy rất hạnh phúc. Được nấu cho gia đình ăn thì hạnh phúc càng nhiều. Tôi cũng thích nhiều món ăn Việt Nam do vợ nấu: thịt heo kho tiêu, chả giò... Nhà hàng tôi đậm hương vị truyền thống Pháp nhưng cũng linh hoạt trong khẩu vị chế biến, bài trí để phù hợp với thực khách ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Sài Gòn vì đã cho tôi cơ hội thỏa đam mê kinh doanh ẩm thực và một mái ấm hạnh phúc”.

Anh chị Thierry Mounon - Phạm Thùy Trang và 3 “thiên thần nhí” - Ảnh do nhân vật cung cấp
Anh chị Thierry Mounon - Phạm Thùy Trang và 3 “thiên thần nhí” - Ảnh do nhân vật cung cấp

Ông xã phải trực tiếp đứng bếp và quản lý nhà hàng đã quá bận rộn nên chị Trang thủ vai chính trong việc chăm sóc con cái. Phương pháp giáo dục các con Marius Long (hiện 12 tuổi), Anna-Rose Linh (9 tuổi), Roxanne Linh (8 tuổi) của anh chị pha trộn ưu điểm Pháp - Việt. Các con được đăng ký theo học trường Pháp, nhưng đọc sách truyện tiếng Việt. Gia đình thống nhất: hễ có ba ở nhà thì sử dụng tiếng Pháp, nhưng nếu có mẹ và ông bà thì sử dụng tiếng Việt.

Các con của anh chị được ngủ riêng, tập sống tự lập theo phong cách Pháp, nhưng cũng có những đêm ngủ chung với ba mẹ để cả nhà đều vui, gần gũi, gắn kết.

Một ưu điểm của văn hóa Pháp mà anh chị luôn áp dụng và hướng các con đến là sự thẳng thắn, mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ, không ngại tranh luận, đồng thời tích cực thổ lộ tình yêu thương bằng lời nói, cử chỉ, hành động để người thân biết rằng “mình yêu thương nhau nhiều lắm”.

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI