Chuyện những cái chén vỡ

02/01/2021 - 15:30

PNO - Lúc nhỏ, có lẽ ai cũng từng vì đôi lần làm vỡ chén mà bị mắng cả nửa ngày, làm gì sai cũng bị lên án, hay chỉ một câu nói cũng bị sửa lưng…

Đêm, lấy quần áo vào thì thấy cái áo ngực đã gãy gọng, tôi hỏi: “Hôm qua ai giặt đồ vậy?”. Hai đứa nhỏ nhìn nhau. Mimi: “Dạ con!”. Tôi ừ một tiếng, rồi thôi. Lát sau tôi bảo: “Mimi mai giặt đồ giúp mẹ”. Mimi: “Dạ”. 

Hôm sau, trên dây phơi đồ, chiếc áo ngực đã được giặt tay cẩn thận.

Sở dĩ có một cuộc “đàm thoại” nhẹ nhàng như vậy trong gia đình, là do giữa tôi và các con không tồn tại văn hóa chỉ trích. Mimi im lặng, có nghĩa là nàng đã hiểu. Không cần nói thêm, không cần làm gì nữa. Chỉ cần sự im lặng đó. “Mai con giặt đồ giúp mẹ”, có nghĩa là mẹ vẫn tin con và cho con cơ hội để cải thiện. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sẽ có những lúc trong cuộc đời, bạn bị giày vò bởi sai lầm của chính mình, bạn hối hận, bạn đổ lỗi, bạn chì chiết, trách móc người khác… Nó xuất phát từ “những cái chén vỡ” trong tuổi thơ mình. Chắc ai cũng từng vì đôi lần làm vỡ chén mà bị mắng cả nửa ngày, làm gì sai cũng bị lên án, hay chỉ là một câu nói cũng bị sửa lưng…

Những thứ đó được nhân danh là “dạy”, là “nói cho nó hiểu”, nhưng thực tế là trút giận và thiếu khoan dung. Thực tế là ta dùng cơ hội đó để tỏ ra mình quan trọng, và làm mình bớt tiếc nuối thứ đã mất. Thế thì được gì? Cái ta mất lớn hơn nhiều. Bằng cách ứng xử như vậy, bố mẹ đã vô tình hình thành sự mặc cảm về bản thân, sự bất toàn trong con. Rồi đến một ngày, con sẽ không thể chấp nhận được chính mình nữa.

Đứa trẻ thay vì được nhắc nhở một cách khéo léo thì bị sỉ nhục và chì chiết. Từ đó, cái nhìn về bản thân không còn. Chỉ còn lại sự ức chế và tủi thân. Có những đứa trẻ kết luận rằng, nó còn không đáng quý bằng cái chén. 

Ta không mất cái chén hay một món đồ. Cái ta mất lớn hơn nhiều. Đó là sự kết nối với con mình. 

Nhớ có lần, ở Anh, tôi mua một bộ ấm chén đẹp vô cùng, bản thân tôi rất quý nó. Mina (em của Mimi) hỏi: “Nếu hôm nào con làm vỡ bộ ấm chén của mẹ thì sao?”. Tôi nói: “Thì thôi, con ạ”. 

“Sao vậy mẹ? Con thấy mẹ quý nó lắm mà” - con hỏi tiếp. Tôi nói luôn: “Vì mẹ biết con không cố ý. Và mẹ yêu con hơn”. 

Như vậy đó, thay vì chỉ trích, cha mẹ hãy cho con lớn lên trong vòng tay của tình yêu, sự bao dung. Ai trong đời cũng phạm sai lầm. Nếu cha mẹ cứ càm ràm vì con chưa tốt, thì con cũng nhận sai một cách hoan hỷ không hề có phản biện. Vì nhận sai một cách thoải mái đã trở thành tính cách của con rồi. 

Còn với cha mẹ, để làm được điều này, đó là cả một hành trình nỗ lực rất dài để cùng con xây dựng một thứ văn hóa mới: văn hóa biết cảm thông, bao dung và sẻ chia. Từ đó sẽ có những người khiêm nhu biết nhận lỗi nhẹ nhàng. 

Catherine Yến Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI