Chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó lần thứ 24: Nhịp cầu vào đời

25/08/2014 - 11:38

PNO - PN - Sáng 24/8, thẩm phán Nguyễn Ngọc Thúy Ái (công tác tại TAND H.Củ Chi, TP.HCM) đứng trước các nữ sinh nghèo ở hội trường Hội LHPN TP.HCM nghẹn ngào khóc (ảnh). Nơi đây, 20 năm trước, cô thẩm phán này đã nhận những suất học bổng...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thúy Ái về dự lễ trao học bổng “Nữ sinh hiếu học, vượt khó” lần 24 (đợt ba, dành cho nữ sinh đến từ Q.1, 2, 3, 9, Thủ Đức, H.Nhà Bè, Cần Giờ và các mái ấm), cô đã kể lại cho 142 nữ sinh được nhận học bổng đợt này câu chuyện về niềm tin vào cuộc sống, tin vào bản thân để vượt khó, vươn lên…

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

Ảnh: Phùng Huy

Thêm vững bước

Câu chuyện của Thúy Ái cách đây 20 năm như còn nóng hổi. Cô nghẹn ngào: “Ba chở tôi đi lãnh học bổng, cũng là những ngày cận Tết Trung thu như bây giờ. Bước ra đường, tôi thấy đèn lồng treo đỏ rực, mạnh dạn xin “ba mua cho con một chiếc đèn lồng, loại có pin, phát ra nhạc”. Ba bần thần “thôi con ạ, mua cho con mà không mua cho em con cũng không được, với lại, đây là tiền học bổng, phải để dành mua sách giáo khoa”. Số tiền học bổng được gia đình chúng tôi cẩn thận chia ra từng khoản nhỏ để trang trải việc học hành cho mấy chị em. Mẹ dặn: “Con là chị, được mua sách giáo khoa từ tiền học bổng, con phải giữ cẩn thận để em con dùng tiếp”.

Sau 20 năm, vẫn còn đó những hoàn cảnh gia đình khó khăn đến mức, việc con cái tiếp tục đi học hay phải bỏ học ngang tùy thuộc vào việc gia đình có xoay xở được vài triệu đồng chi phí nhập học hay không. Nguyễn Phạm Mỹ Dung dắt em gái là Nguyễn Phạm Tường Vân (mái ấm Hướng Dương - Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM) đến nhận học bổng. Cô chị đã học lớp 12 nhưng nhỏ thó, vã mồ hôi khi phải quản cô em cứ chực nghịch phá. Cách đây bốn năm, Tường Vân được cha mẹ chở từ Q.6 về Long An dự đám giỗ, không may bị xe tải tông. Cha qua đời, mẹ tàn phế, riêng Vân bị chấn thương sọ não. Vân vẫn đang theo học lớp 5, nhưng di chứng chấn thương khiến cô bé có lúc có biểu hiện tăng động có lúc lại ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

Mái ấm Hướng Dương đã nuôi hai chị em Dung ăn học hơn ba năm nay. Nhưng Dung và Vân không yên tâm học hành, rảnh một chút là chạy về nhà đỡ đần mẹ. Mùa hè, Vân chăm chỉ đẩy xe lăn cho mẹ, hai mẹ con rong ruổi bán vé số, nhưng sức mẹ yếu, chỉ bán được buổi sáng là phải về nghỉ. Dung cũng dành trọn mùa hè và những lúc ngoài giờ học đi bán vé số phụ mẹ. Câu chuyện vật lộn với miếng cơm manh áo của gia đình Dung đã khiến cả hội trường nín lặng vì xúc động.

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

Cầm học bổng trên tay, Mỹ Dung khoe: “Em sẽ thi vào Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Nhưng để đậu được đại học, em phải có tiền đi học thêm. May quá, năm nay được lãnh học bổng của Báo Phụ Nữ”.

Dù cuộc sống khó khăn đến mấy, đa phần phụ huynh vẫn kiên trì cố gắng cho con đến trường khi thấy con chăm ngoan, học giỏi. Thế nhưng, có những trường hợp bí bức đến mức đôi khi người mẹ phải buông tay, như chuyện của chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Q.Thủ Đức). Chia tay chồng, một mình chị xoay như chong chóng với đủ thứ việc như chạy xe ôm, bán trái cây ở lề đường, bán hủ tíu gõ…, vẫn không tài nào lo đủ cho bốn con đi học. Khi người con đầu tốt nghiệp lớp 12, chị nghẹn ngào: “Thôi thì con chịu khó nghỉ học, đi làm phụ mẹ chứ mẹ chịu hết xiết rồi”. Người con năn nỉ: “Mẹ đã cố được bao nhiêu năm rồi, giờ cố thêm chút nữa, con phải đi học cho có cái nghề, sau này mới giúp mẹ được”. Bây giờ, hai con trai lớn của chị đang học trung cấp, con gái thứ Nguyễn Thị Thanh Huyền (lớp 12, Trường THPT Thủ Đức) năm nay được nhận học bổng. Chị Nguyệt thú thật, chị đã từng bị dao động trong việc có nên “chồng chất” thêm nợ nần để Huyền được tiếp tục đi học hay không, có lúc muốn buông xuôi, nhưng thấy con học hành chăm ngoan, lại thương, lại cố hơn nữa. Quẹt nước mắt, chị tếu táo: “Tui chạy xe ôm nhiều, nhưng thích nhất là được làm xe ôm chở con gái đi lãnh học bổng”.

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

Chung tay nối những nhịp cầu

Sau 24 năm được tổ chức liên tục, chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao hơn 5.300 suất với trị giá trên năm tỷ đồng. Năm nay, qua ba đợt trao, đã có 537 nữ sinh được nhận học bổng (trị giá từ 1,5 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/suất cùng quà và áo dài). Để tạo được quỹ học bổng quy mô và chất lượng như vậy là nhờ sự tin yêu và chung tay của những Mạnh Thường Quân.

Thướt tha áo dài đến dự buổi lễ, bà Phạm Thị Kiều Oanh (chủ nhà may Kiều Oanh, 258 A Pasteur, Q.3) chia sẻ: “Tôi thấu hiểu được cảm giác “đến năm học mới mà chưa có áo dài” của nữ sinh. Đầu năm học, gia đình nghèo phải ưu tiên lo đủ thứ khoản khác cho con, ít dám nghĩ đến bộ áo dài mới. Một nữ sinh có bộ áo dài trắng tinh để bước vào năm học sẽ tự tin, vui tươi hơn rất nhiều. Các em cũng ở độ tuổi bắt đầu biết làm điệu, làm duyên, nên bộ áo dài mới càng thêm ý nghĩa”. Nghĩ như vậy, nên hơn 5 năm qua, bà Kiều Oanh chọn cách tặng áo dài cho các nữ sinh nghèo. Những năm đầu, bà tự tay chọn vải và thức đêm để may những tấm áo mới. Gần đây, con số ủng hộ áo dài của bà cho mỗi kỳ trao học bổng lên đến 55 bộ. Đồng thời, bà còn vận động bạn mình là bà Lê Thị Thu Hồng ủng hộ thêm 55 bộ áo dài nữa. Bà Oanh quan niệm giản đơn mà đầy ý nghĩa: “Chăm lo cho nữ sinh nghèo không chỉ là bữa ăn, giấc ngủ, giờ học, chúng ta còn phải chăm lo cái đẹp cho các em”.

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

Sức bền cũng là yếu tố đáng ghi nhận của các nhà tài trợ. Đơn cử như Công ty thời trang và xe đạp Martin 107 đã đồng hành liên tục cùng chương trình học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó từ năm 1996 đến nay. Một đại diện của công ty bộc bạch: “Giúp nữ sinh nghèo được đến trường là trách nhiệm của chúng tôi. Dù công ty có khó khăn, nhưng chăm lo cho trẻ em nghèo vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu”.

Những nhà hảo tâm xác định việc giúp nữ sinh đến trường là nhiệm vụ quan trọng, nói như bác sĩ Đoàn Duy Dũng (Bệnh viện thẩm mỹ Emcas): “Đi dự lễ trao học bổng, được gặp những em học sinh vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo để vươn lên trong học tập, tôi càng thấm thía hơn ý nghĩa của những suất học bổng. Đời chưa biết ai giỏi hơn ai, nhưng tạm thời, chúng ta có thể đang may mắn hơn những em nữ sinh kia, biết mình may mắn để san sẻ một cách tích cực”.

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

Và, trong những nhịp cầu giúp nữ sinh nghèo vững bước đến trường đó, còn có sự chung tay của những người tuy chưa khá giả nhưng tấm lòng rộng mở. Như chuyện một giáo viên trẻ (xin giấu tên) ở Q.Gò Vấp từng nhận được học bổng của Báo Phụ Nữ TP, đã trân trọng chuyển những tháng lương đầu tiên vào quỹ học bổng với lời nhắn: “Người Sài Gòn thật rộng lượng, họ đã cưu mang tôi, tôi chưa có nhiều điều kiện kinh tế nhưng vẫn muốn trả ơn xã hội. Việc trao học bổng phải được tiếp nối liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác”.

Quỹ học bổng càng lớn mạnh, càng tạo ra nhiều cơ hội đến trường cho nữ sinh nghèo. Tại buổi lễ, bà Lê Huyền Ái Mỹ (Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP) phấn khởi cho biết: “Theo thống kê của chúng tôi, sau khi nhận học bổng, có đến 100% học sinh đạt học lực khá trở lên, có 90% học sinh đậu vào các trường cao đẳng, đại học. Đó là những trái ngọt hồi đáp cho những nỗ lực của người thực hiện chương trình và các nhà hảo tâm. Những suất học bổng như nhịp cầu nâng bước các em qua khó khăn để vào đời. Đồng thời, học bổng Nữ sinh hiếu học, vượt khó cũng đã gieo niềm tin cho các em học sinh rằng, chúng ta đang sống trong tình thương và vòng tay lớn của cả xã hội, hãy mạnh mẽ để bước tới”.

Chuong trinh hoc bong Nu sinh hieu hoc, vuot kho lan thu 24: Nhip cau vao doi

 Trần Triều

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI