Chuẩn hoá thông tin liệu có dẹp được nạn sim rác, lừa đảo?

15/03/2023 - 15:03

PNO - Bất kỳ hành vi lừa đảo nào trong thời gian qua cũng gắn với sim rác, từ chiêu lừa "cấp cứu ở bệnh viện" đến "Cục cảnh sát hình sự đây"...

Có thể nói, nạn sim rác là khởi nguồn cho mọi phiền toái và hành vi vi phạm pháp luật thời gian qua. Từ việc bị quấy rầy chào mời mua đất nền, tài liệu chứng khoán, gói đầu tư... mỗi ngày hàng chục cuộc gọi, đến lừa đảo với cấp độ từ thấp đến cao.

Một tệp thẻ sim trên tay người bán tại một cửa hàng ở Hà Nội. Ảnh: Lưu Quý
Một tệp thẻ sim trên tay người bán tại một cửa hàng ở Hà Nội - Ảnh: Lưu Quý

Chưa bàn đến việc lừa chuyển tiền với những cuộc gọi đến từ "Cục Cảnh sát hình sự của Bộ Công an đây" với số tiền có khi cả tỉ đồng, những trò lừa vặt "nhận giao hàng" chỉ vài trăm ngàn, cũng không thể thiếu vai trò của sim rác. Gần đây thì thêm trò lừa các phụ huynh chuyển tiền để phẫu thuật cho con đang bị cấp cứu, những cuộc gọi hốt hoảng ấy cũng từ sim rác.

Nạn sim rác không mới, đã được lên tiếng cảnh báo và cơ quan quản lý đã nêu vấn đề từ gần chục năm trước, nhưng mỗi năm sim rác lại mỗi hoành hành theo cấp độ tăng mạnh. 

Theo quy định, khi mua sim điện thoại, người mua phải xuất trình căn cước công dân hoặc hộ chiếu. chụp ảnh để lưu hồ sơ, ký tên. Thế nhưng, trên thực tế vẫn có thể mua sim một cách dễ dàng mà không phải xuất trình giấy tờ. Và theo một nhà mạng, hiện có trường hợp 1 người đứng tên cả ngàn sim điện thoại. 

Trong một buổi họp, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phạm Đức Long từng nêu câu hỏi: "Khi đối tượng xấu sử dụng các sim này để đi lừa đảo, trách nhiệm nhà mạng ở đâu trong việc này?". Trong năm 2022, Bộ TT-TT đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao di động đối với 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động và xử phạt hành chính với tổng số tiền xử phạt 1,77 tỷ đồng.

Các nhà mạng dĩ nhiên không thể đứng ngoài cuộc, cũng thật khó tin rằng họ không có giải pháp, nhưng vì sao suốt chục năm qua nạn sim rác không bị ngăn chặn mà ngày càng trầm trọng hơn, là vấn đề rất cần được đặt ra.

Theo quy định mới nhất, thuê bao nào có thông tin không khớp với thông tin trong dữ liệu về dân cư quốc gia thì sẽ bị khoá. Đồng thời, số lượng sim cho mỗi cá nhân cũng sẽ bị giới hạn. Theo 3 nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel, hiện mỗi nhà mạng có từ 1,1 đến 1,4 triệu số điện thoại cần chuẩn hóa thông tin. Việc chuẩn hoá thông tin này đem lại hy vọng mạnh mẽ trong việc xử lý nạn sim rác, và là bước thật sự rất cần có.

Bích Ngọc 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI