Chồng là... chủ bãi đá

05/12/2017 - 16:00

PNO - Chúng ta vẫn thường nói mạng là ảo, nhưng sự thật thì Facebook hiện nay như là gương mặt thứ hai của mỗi người. Ta có nên biến nó thành đống rác của miệng đời cay nghiệt?

Khi chửi rủa, xúc phạm một ai đó là lúc chính ta định nghĩa, mô tả con người mình trước vạn người.

Bạn là chúa hà tiện - thường chỉ nhắn tin qua các ứng dụng miễn phí, không hiểu sao, sáng sớm lại gọi điện thoại cho tôi. Giọng bạn hớt ha hớt hải: “Lát lên Facebook của chồng bà coi liền đi nghen. “Động đất” luôn á”. 

Chong la... chu bai da
Ảnh: Internet

Tôi vừa đến chỗ làm, nối mạng thì hàng đống tin nhắn, bình luận như pháo liên thanh dội vào điện thoại: “Anh xã đưa “cái tớt” mới hấp dẫn vậy sao chưa thấy mày vô like?”, “Chồng em coi vậy mà cũng thích đùa quá hỉ?”, “Con ơi, cô thấy chồng con đưa lên vậy không ổn chút nào. Con xem lại nhé”…

Thì ra, sáng sớm ông xã quẫy sóng mạng bằng cách tung lên trang cá nhân những hình ảnh và câu nói công kích vị phó giáo sư với công trình nghiên cứu cải cách tiếng Việt. Nào là hình ghép ông phó giáo sư trong bộ soirée cô dâu, e ấp cầm hoa bên cạnh bà tiến sĩ đồng nghiệp trong bộ veston chú rể; nào là bảng cáo phó ông phó giáo sư với lý do từ giã cõi đời là ăn c… quá liều; và cả những bài thơ châm chích hợm hĩnh, những clip chôm được với câu từ kinh dị. Chồng tôi chính là người làm những việc đáng sợ vậy sao?

Như một chiến tích, anh xã vô cùng hả hê khi các phản hồi, bình luận của bạn bè và đồng nghiệp đa phần đều chói tai, thiếu văn hóa. Dường như quá tâm đắc với thú cợt nhả này, anh xã còn gắn thẻ cho hàng chục người khác, có cả tôi. Tôi sốc, rối trí, xót xa cho ông phó giáo sư nọ dù chuyện cải cách chữ viết ấy tôi chưa hẳn đã bỏ phiếu thuận. Tôi muốn ngăn cơn phấn khích của chồng, nhưng liệu nói lúc này có hiệu quả gì không, khi chồng đang được đám đông hăng máu tung hê. Một tiếng can ngăn lúc này biết đâu càng kích hoạt thêm sự hăng máu của đám đông ấy.

Chong la... chu bai da
Ảnh: Internet

Suy tới nghĩ lui, phản biện chồng thì bẽ mặt mà hùa theo chế nhạo ông phó giáo sư thì sẽ càng “giúp vốn” cho chồng, tôi bình luận một câu vô thưởng vô phạt: “Đề xuất cải tiến vậy được thì vui, không được thì thôi, coi như… tập thể dục. Làm gì “ném đá” bác dữ vậy hả mấy cháu?”.

Tôi hồi hộp chờ kết quả động tác rút củi đáy nồi của mình nhưng chẳng thấy tình hình được xoa dịu chút nào. Trái lại, những bình luận cứ tăng cả về số lượng lẫn độ “ác”. Chịu hết nổi, tôi gọi điện cho chồng, anh chào tôi với nụ cười không khép được miệng. Chưa đợi tôi nói, chồng thao thao kể về “trò vui” sáng nay của anh, về những bình luận nhói óc của chúng bạn và sự đáp trả đầy “bản lĩnh” của chồng với tư cách là “trưởng đám quần chúng”.

Tôi muốn quát thẳng rằng chồng phải xóa status, phải thôi ngay trò lố ác đức và rẻ tiền đó; rằng tôi thật thất vọng và nhục nhã khi chồng mình là “chủ bãi đá” chọi ném người già không thương tiếc như vậy; rằng biết bao người đang đánh giá tôi khi chồng tôi tự hạ phẩm chất bằng cách đó. Còn nữa, con cái chúng tôi, khi đi học về, sẽ mò lên Facebook. Sẽ nguy hại biết chừng nào nếu chúng đọc được những gì cha chúng viết cùng những bình luận kia? Chúng sẽ học được gì từ đó?

Rồi nghĩ lại, tôi cố dằn lòng: “Vậy hả anh? Em lu bu chưa coi hết. Em cũng mới còm vô đó. Có điều, em thấy giỡn nhiêu đó đủ rồi. Ông phó giáo sư ấy đâu có ân oán gì với mình mà hạ ổng. Anh viết vậy, lỡ con đọc được thì không hay. Mai mốt làm sao mình dạy con kính trọng người lớn. Anh coi lại hay xóa luôn cho lành. Ngoan, rồi chiều nay vợ nấu canh cua rau đay để chồng ăn cho mát hén”.

Không biết do thèm canh cua rau đay hay chồng dần ngấm lời khuyên của tôi mà sự việc đã có chút chuyển biến tích cực. Tất nhiên, “lao” đã lỡ phóng, khó có thể thu hồi ngay. Anh chưa xóa bài viết nhưng đã âm thầm xóa bớt những câu quá khó nghe. Anh cũng bắt đầu viết những câu thòng để mọi người ngầm hiểu cuối ngày diễn đàn sẽ “hạ cánh”. Nhân dịp này, tôi dự định sẽ bàn luận thêm với chồng, con về thái độ cần có trước cái mới, trước sự dị biệt; về sự hiểu thấu đáo, đa chiều trước khi nhận định, ủng hộ hay đả kích một vấn đề; về tính chủ động, kiểm soát trong bão mạng.

Màn “đùa vui” của chồng đã ném tôi vào muôn vàn cung bậc cảm xúc: thất vọng, sụp đổ, xót xa, giận, mừng, an tâm, tự tin, yêu thương… Không sao! Tôi sẽ không vì thế mà quy kết tầm văn hóa - nhân văn của chồng. Từng ngày, từng ngày, chồng tôi vẫn đang học làm người mà. 

Tô Diễm Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI