Chính sách từ dân

23/07/2021 - 06:48

PNO - Sự cầu thị, lắng nghe, hoặc phát huy những phương cách cấp bách, để các quyết sách đi vào đời sống, là bài học kinh nghiệm quý báu cho cách quản lý đất nước “hậu COVID-19”...

Phản ứng dư luận quanh câu chuyện “bánh mì không phải lương thực” đã kịp thời được xoa dịu từ chính quyền. Trong “Thư của Chủ tịch UBND thành phố Nha Trang” ngày 20/7, ông Nguyễn Sỹ Khánh đã gửi lời xin lỗi người dân về thái độ ứng xử thiếu chuẩn mực khi thi hành công vụ của cấp dưới. Ông Nguyễn Sỹ Khánh nhận khuyết điểm trong công tác quán triệt, lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn, để xảy ra vụ việc gây bức xúc dư luận. Ông cho biết đã chỉ đạo phường trao trả xe máy, không xử phạt hành chính anh Trần Văn Em. Đồng thời, tạm điều chuyển công tác, kiểm điểm và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với ông Trần Lê Hữu Thọ - Phó chủ tịch UBND phường.

Thư của Chủ tịch UBND TP Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh
Thư của Chủ tịch UBND TP Nha Trang Nguyễn Sỹ Khánh

Tối 19/7, xuất hiện trong bản tin thời sự của Đài Truyền hình thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã kêu gọi toàn thể đồng bào, các vị nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo cùng cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân thực hiện “chống dịch như chống giặc”.

Ông cũng đồng thời thừa nhận những thiếu sót, bất cập trong công tác phòng, chống dịch; vẫn còn có nơi chủ quan, vi phạm các quy định giãn cách xã hội; một số khu vực chưa cung ứng kịp thời lương thực, thực phẩm, gây thiếu hàng hóa cục bộ, hàng hóa tăng giá…

Theo ông Nguyễn Thành Phong, thành phố đang trong giai đoạn rất khó khăn khi đối mặt với đại dịch, và sẽ cùng các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả quy định giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021, để sớm phục hồi và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Việc xuất hiện gần tám phút trên sóng truyền hình của người đứng đầu chính quyền thành phố, mang đến cảm thức hoàn toàn khác một công văn chỉ đạo theo lẽ thường của thói quen hành chính lâu nay. Toàn bộ thông điệp của ông Nguyễn Thành Phong, cùng tám giải pháp khắc phục các hạn chế trong phòng, chống COVID-19, lẽ ra đã có thể được ban hành bằng một văn bản đánh số, đề ngày và đóng con dấu khô cứng.

Thế nhưng, tương tự “thư xin lỗi” của lãnh đạo thành phố biển Nha Trang, thì cử chỉ nói lời kêu gọi toàn thể nhân dân “tiếp tục ủng hộ, tin tưởng, cảm thông, chia sẻ, quyết tâm thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội” của người đứng đầu chính quyền TPHCM cho thấy một phản ứng tích cực, xuất phát từ thái độ lắng nghe, cầu thị. Có lẽ hơn lúc nào hết, lãnh đạo địa phương đang muốn các chỉ đạo hành chính được tiếp cận và hiện thực hóa trong đời sống một cách nhanh chóng nhất.

Bên cạnh đó, thay cho các quyết định, chỉ thị… người đứng đầu các “phòng tuyến” COVID-19 địa phương đang chọn cách “lãnh đạo” mang tính tương tác cao nhất với công luận. Mọi vấn đề được - mất, thành - bại, khó khăn - thuận lợi… trong công cuộc chống dịch cần được tương tác ngay, theo cách gần gũi nhất với nhân dân. 

Có một thực tế, trong các phương thức đối thoại với chính quyền, người dân vẫn luôn đau đáu câu hỏi: “Làm thế nào chúng tôi bảo đảm rằng mình đang được lắng nghe?”. Đặc biệt, trong đại dịch, sự tham gia của cộng đồng ngày càng ý nghĩa, khi tiếng nói của dân chúng chứng minh có chính sách đúng, có chính sách chưa đúng cần xem lại. Sự “hợp tác” này mang đến cho các chính quyền cơ hội khai thác sự phong phú về kiến ​​thức, kinh nghiệm… trong cộng đồng. Qua đó, nâng cao chất lượng cho các quyết sách, khi đảm bảo nó được đưa ra dựa trên thực tế. Điều này đáp ứng mong muốn của cả người dân và Chính phủ trong xu hướng phát triển chính sách “từ dưới lên”, thay vì “từ trên xuống”, nhằm tránh những “tác dụng ngược”.

Sự cầu thị, lắng nghe, hoặc phát huy những phương cách cấp bách, để các quyết sách đi vào đời sống, là bài học kinh nghiệm quý báu cho cách quản lý đất nước “hậu COVID-19”. Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ nhất với khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu cao tinh thần trọng dân, gần dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân, bám sát thực tiễn, đem “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường… cũng không ngoài hiệu quả mà các bài học trong chống dịch đạt được. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI