Chỉ đường cho hươu...: Trở thành người khác trong “thế giới riêng”

28/04/2023 - 11:12

PNO - Khi chúng con “học nhóm” với nhau, chủ đề thường xoay quanh các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể; dùng lời lẽ thô tục, mời gọi, chửi thề...

Con năm nay 13 tuổi. Tuần nào mẹ cũng đọc sách cùng con, hướng dẫn điều đúng và sai, dạy con chọn bạn mà chơi… Trước mặt mọi người, con vẫn thể hiện là một học sinh ngoan, tự tin, tự giác nhưng trong tin nhắn với bạn bè hoặc hoạt động trong nhóm kín, con là người hoàn toàn khác. Khi chúng con “học nhóm” với nhau, chủ đề thường xoay quanh các cơ quan nhạy cảm trên cơ thể; dùng lời lẽ thô tục, mời gọi, chửi thề rất ghê. Nếu biết, chắc giáo viên, phụ huynh sẽ sốc, không tin nổi. 

Thực sự con không muốn làm mẹ buồn nhưng rời khỏi nhóm thì con sợ bị các bạn tẩy chay, phần cũng tò mò muốn biết những câu chuyện các bạn tán gẫu ngoài sách vở.

Một nữ sinh xin giấu tên 
(TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

 

Khi được hòa vào một nhóm đồng đẳng trên mạng xã hội để tán gẫu/tranh luận, các bạn trẻ thường có tâm trạng hào hứng, đồng cảm; thấy mình là một phần của tập thể; những ấm ức, bốc đồng được xả ra… Các bạn có thể phơi bày một con người khác hẳn hình mẫu “con ngoan trò giỏi” ngoài đời thật.

Vào nhóm kín, các bạn được sống thật với bản chất của mình mà ngày thường phải ẩn dưới lớp vỏ “mẫu mực, khiêm nhường” cho phù hợp kỳ vọng của gia đình, trường lớp. Đó là thế giới riêng mà người lớn không thể len vào để kiểm soát, đánh giá hay phê bình. 

Một giáo viên chủ nhiệm đã tâm sự: trong group Zalo của các học trò cấp II, cô đã choáng váng khi thấy lớp trưởng, vài bạn học sinh giỏi, mẫu mực trong lớp đã có những lời lẽ hỗn xược với chính cha mẹ mình và các giáo viên khác. Kinh khủng hơn, các bạn bàn về tình dục với ngôn từ thác loạn. Ấy vậy mà các bạn vẫn học tốt, sau đó còn vào được trường chuyên khi lên cấp III.

Vài năm sau, cô gặp lại các học trò cũ. Các bạn ấy thổ lộ rằng hồi đó thích tỏ ra "anh chị" như vậy để "khè" bạn bè, để tỏ ra "ngầu"… Về sau, mọi sự cũng qua và cả nhóm chỉ coi đó là giai đoạn “trẻ trâu”, nhắc lại chỉ để cười.

Tuy nhiên, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nếu không được chỉ dạy đến nơi đến chốn, các bạn dễ sinh ra thói kiêu căng tự mãn, chẳng coi ai ra gì: giận thầy cô, cãi lại cha mẹ cũng lên mạng xã hội kể (bật lại người lớn được coi là “thể hiện bản thân”, “cá tính”); bóc phốt bạn bè cũng lên mạng kể; khích bác, châm chọc người trong và ngoài nhóm cũng lên mạng kể… Các bạn như những lò xo bị nén chặt, khi có môi trường thoát khỏi “vùng kiểm soát” là trút xả láng, chẳng hề cân nhắc nghĩ ngợi.

Với điện thoại thông minh, các tin nhắn cho nhau bị ghi nhận, những bình luận không hay sẽ trở thành bằng chứng, thậm chí bị chụp lại dù sau đó người viết đã nghĩ lại và nhanh tay xóa đi. Nhiều hiềm khích trong các nhóm kín đã dẫn đến sự việc giải quyết mâu thuẫn, lấy lại công bằng, “thay trời hành đạo” ngay trong sân trường vào giờ ra chơi hoặc chặn đánh ngoài cổng trường.

Nguy hiểm nhất là khi các bạn “chơi lén”, không được người lớn chỉ dạy, dẫn đến thiếu các kỹ năng, kiến thức bảo vệ mình ở thế giới ảo, không may rơi vào cạm bẫy dụ dỗ, lừa đảo.

Cháu nên chừng mực khi tham gia nhóm với các bạn, đừng hùa theo những câu chuyện tục tĩu hoặc dùng những từ thô thiển để tỏ ra “hòa đồng”. Nên nhớ: người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (theo điểm a khoản 1 điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội). Đừng để lún sâu vào thói quen này, đến khi hối hận thì đã muộn, cháu nhé! 

Bác sĩ HOA TIÊU

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI