Chỉ đường cho hươu...: Thầy giáo bị bạo hành

19/04/2023 - 07:18

PNO - Phụ huynh vẫn sôi sục xúi gia đình con kiện thầy ra tòa về tội bạo hành. Con cảm thấy hối hận vì câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa. Con phải làm sao?

Trong giờ thực hành, lớp con di chuyển từ phòng học sang phòng thí nghiệm nên hơi ồn ào. Thầy Hóa (cũng là thầy chủ nhiệm) sắp về hưu, đang viêm amidan vẫn cố hướng dẫn chúng con. Tranh thủ lúc các bạn xúm xít làm thí nghiệm, con lén xem truyện tranh 18+. Thầy phát hiện và cảnh cáo; con ương bướng bật lại. Vậy là thầy giật sách, xé nát, vứt vào thùng rác rồi tát con 1 cái. 

Chiều đó, anh con đến cổng nhà thầy la lối: “Làm thầy mà phá hoại tài sản của học sinh”, ép thầy phải móc ví trả 500.000 đồng cho yên chuyện (cuốn truyện chỉ 30.000 đồng). Chuyện chưa dừng lại ở đó, cha mẹ con tố “thầy đánh trò” trong nhóm Zalo của phụ huynh.

Hội phụ huynh học sinh kéo đến trường làm cho ra lẽ, thầy bị trường kiểm điểm, giáng cấp để xoa dịu tình hình. Tuy nhiên, vài phụ huynh vẫn sôi sục xúi gia đình con kiện thầy ra tòa về tội bạo hành. Con cảm thấy hối hận vì câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa. Con phải làm sao?

Một nam sinh lớp Mười một (Vũng Tàu)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Một cỗ máy vận hành nhiều ngày trong điều kiện không được châm dầu và sửa chữa những chỗ bị trục trặc vẫn phải chạy tiếp, đến một lúc nào đó sẽ bị quá tải dẫn đến sự cố chập điện gây cháy, nổ… Những thầy cô được đào tạo qua trường lớp và có bằng cấp sư phạm, lúc mệt mỏi căng thẳng cũng khó vượt qua vài tình huống nghề nghiệp đặc biệt. Các thầy thuốc giỏi, yêu nghề, nhã nhặn, tận tình với công việc mà bị áp lực nghề nghiệp suốt từ sáng đến tối, cả giờ ngủ nghỉ, lâu ngày cũng dẫn đến stress, gắt gỏng với bệnh nhân. 

Trước kia, các cụ đồ nho vẫn cho trò “ăn roi” vì quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nhưng là dùng biện pháp cứng rắn để đưa trẻ vào khuôn phép nên hành động đó ít bị lên án. Ngày nay, quyền hạn của người thầy bị thu hẹp, những cư xử “bình đẳng” đến độ thiếu tôn trọng, vô lễ ở học trò ngỗ nghịch đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tôn nghiêm của người thầy. 

Được sự dung túng của gia đình, nhiều trò lớn tiếng/tỏ thái độ/hành vi thách thức, trêu ngươi, tìm cách gây hấn với thầy cô, biến thầy cô thành nạn nhân của bạo lực học đường. Tuy nhiên, có 1 quy định mà giáo viên phải theo: không được xâm phạm thân thể và xúc phạm học sinh.

Chính phụ huynh cũng thổ lộ: “Dạy con không dễ, đến mình làm cha làm mẹ mà nhiều khi còn đánh con vì không kiềm chế được, huống chi “người ta” dạy đứa trẻ không phải con họ và cũng không phải chỉ dạy 1 đứa”. Tuy vậy, nhiều bậc cha mẹ vẫn bênh con thái quá, bất chấp đúng sai. 

Thầy cô buồn lòng, thất vọng, đành buông tay trước những học trò sai phạm và phụ huynh nuông chiều con quá mức. Khi đó, người thiệt thòi nặng nề nhất sẽ là ai?

Cháu cần giải quyết mớ bòng bong do mình tạo nên bằng cách:

- Thú thật với cha mẹ về lỗi đọc truyện tranh 18+ trong giờ thực hành, cãi thầy và có thái độ khiêu khích; kể cả việc anh trai đứng ở cổng nhà thầy có lời hỗn hào với thầy và việc anh đã nâng khống giá tiền cuốn truyện lên gấp chục lần để ép thầy.

- Đề nghị cha mẹ khép lại chuyện này trong nhóm Zalo và hội phụ huynh.

- Xin lỗi thầy công khai trước lớp.

- Nhờ cha mẹ đưa đến gặp ban giám hiệu nhà trường để đính chính về sự việc.

Điều này có thể khiến cháu trở thành người hùng trong mắt mọi người nhưng cũng có thể sẽ bị “ném đá” dữ dội. Dù thế nào, cháu cũng phải chuẩn bị tinh thần đón nhận mọi hậu quả. Bác sĩ Hoa Tiêu cảm thấy mừng vì thầy đã ngăn cháu đi quá trớn thay vì chỉ cười nhạt và cuối năm hạ bút phê cháu “hạnh kiểm kém”.

Cháu nên làm ngay, đừng lần lữa kẻo như câu của Benjamin Franklin: “Ngày mai, mọi lỗi lầm đều được sửa chữa, nhưng cái ngày mai đó không bao giờ đến”. 


Bác sĩ Hoa Tiêu

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI