Chỉ đường cho hươu...: Da trắng, môi hồng là… cái tội?

17/05/2023 - 11:32

PNO - Con rất thích đi học nhưng sợ đến trường, sợ nhìn thấy các bạn tụ tập cười đùa, sợ ai đó nhìn con. Mỗi lần nhìn vào vết sẹo trên tay, con lại ước gì bị mất trí nhớ.

Dáng người con thanh mảnh, da trắng, môi hồng; chữ viết lại đẹp nên nhiều người nói con có vẻ yếu đuối, ẻo lả. Con trai trong lớp cho rằng con làm xấu hình ảnh nam nhi. Điển hình gần đây, bạn thủ lĩnh hô hào đám bạn “thể hiện bản thân” bằng cách đi dép lê, dùng keo vuốt tóc, trốn học “ngồi đồng” ở tiệm net…

Nhiều bạn hùa theo, riêng con vẫn làm đúng nội quy của trường, lớp. Vậy là con bị các bạn cô lập; gọi là “pê đê”, “bóng”, “lại cái”… Vài lần các bạn xúm lại lột quần áo của con ra, khám người. Có bạn quá khích còn đấm đá khiến con chảy máu. Con nghiến răng chịu đòn thì bị chửi “đồ lì lợm”, đau quá chảy nước mắt thì bị nói là “đồ đàn bà”.

Thỉnh thoảng, con còn bị “xin đểu” tiền. Con báo thầy chủ nhiệm thì thầy nói: “Nếu một vài bạn trong lớp ghét mình thì mình phải tìm tận nơi để hỏi cho ra lẽ nhưng nếu cả lớp quay lưng với mình thì phải tự kiểm điểm xem bản thân thế nào mà mọi người không thích. Đừng lúc nào cũng cho mình là nạn nhân rồi đổ lỗi hoàn cảnh, trách móc người khác”.

Con rất thích đi học nhưng sợ đến trường, sợ nhìn thấy các bạn tụ tập cười đùa, sợ ai đó nhìn con. Mỗi lần nhìn vào vết sẹo trên tay, con lại ước gì bị mất trí nhớ.

Một nam sinh lớp Tám (Nha Trang)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Khi Viện Nghiên cứu y - xã hội học phối hợp với Tổ chức Plan thực hiện khảo sát 3.000 học sinh tại Hà Nội, kết quả cho thấy có tới hơn 2.000 em cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: chửi mắng, đe dọa, đặt điều nói xấu, sỉ nhục bằng lời nói hoặc dùng mạng xã hội; bằng hành vi (bắt quỳ, uống nước bẩn, liếm ghế, nhéo tai, tát, đấm, đá…); bằng dụng cụ (gậy gộc, dao kéo, gạch đá…).

Theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% học sinh “mách” cha mẹ/người thân về những rắc rối mình gặp ở trường. Chính vì không hé răng nói ra những khó khăn của bản thân, các em rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, sợ đến trường.

Cấp II là tuổi đang thích thể hiện bản thân, nổi loạn, phá rào, không muốn bị tẩy chay khỏi đám bạn. Bất cứ chuyện gì, từ ốm quá, mập quá đến cao quá, lùn quá, tóc ngắn quá, ít nói, ít cười… đều có thể là lý do khiến một học sinh bị bắt nạt ở trường. Kẻ bắt nạt về mặt nào đó cũng yếu thế (học dở, gia đình bất hòa, bị xếp vào loại học sinh cá biệt, nhiễm thói hư tật xấu ngoài xã hội…) nhưng thích “ra vẻ ta đây” nên đã lựa người yếu thế hơn để thể hiện. Một số học sinh biết ức hiếp bạn là xấu nhưng vì sợ bị tẩy chay nên cũng làm ngơ. Người hiền lành không dám bênh vực vì sợ nạn nhân kế tiếp sẽ là mình. 

Cháu cần thay đổi từ tâm lý của bản thân trước tiên. Đừng sợ ai ghét, đánh giá xấu mình; cứ làm những gì mình cho là tốt nhất:

Khép kín, thiếu hòa đồng, tự ti, ít bạn là lý do bị nhắm vào để quấy rối. Cháu có thể kết bạn với các bạn nữ. Phải có đồng minh, cá tính càng tốt. Hội “chị em bạn dì” lúc này chưa nhuốm màu yêu đương, tính cách vẫn còn nửa trẻ con nửa người lớn. Họ biết lắng nghe, quan tâm, tha thứ, cảm thông, yêu thương. Ở lứa tuổi này, thể lực con trai con gái chưa có sự chênh lệch, mấy bạn gái mạnh mẽ có khi còn đánh thắng các bạn trai.

- Phát huy năng khiếu viết chữ đẹp của cháu. Thỉnh thoảng có bạn đến nhờ viết giùm trên thiệp cũng hay. Nếu có khả năng diễn xuất, cháu hãy mạnh dạn tham gia và tỏa sáng. Đây là cơ hội khẳng định vị thế của mình và có thêm bạn ở các lớp khác, khối khác.

- Phấn đấu học giỏi để có tầm ảnh hưởng trong lớp. Đừng để mình rơi vào cảm giác đơn độc khiến “sức đề kháng” của cháu với môi trường xung quanh thấp, không đủ nội lực, dễ khiếp sợ.

- Nên đi học theo nhóm, đừng đi lẻ để có sự bảo vệ lẫn nhau.

- Lễ phép, cởi mở với tất cả thầy cô và chủ động chào hỏi/giúp đỡ các nhân viên trong trường (chú bảo vệ, cô tạp vụ…) là cách gia tăng năng lực bản thân và khi “đụng chuyện” sẽ có người lớn “để mắt” đến cháu, ngăn chặn kịp thời.

Ai rồi cũng sẽ trưởng thành, nạn bắt nạt học đường sẽ trở thành một phần thời cắp sách đến trường của cháu. Cần mạnh mẽ chống lại mọi kiểu bắt nạt ở hiện tại để những kỷ niệm tuổi học trò không chỉ toàn những ký ức buồn.

Bác sĩ Hoa Tiêu

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI