Chỉ có con gái thì đã sao?

31/03/2015 - 19:44

PNO - PN - Câu chuyện của họ

edf40wrjww2tblPage:Content

1. Lấy chồng hơn 20 năm, tôi sinh được hai đứa con gái. Bị bệnh tim, lại sinh mổ, nên dù chồng tôi và gia đình anh ấy cắn đắng hoài việc phải có con trai, tôi chẳng thể làm được gì. Rồi chuyện tồi tệ cũng đến - chồng tôi đi hoang mong kiếm một đứa con nối dõi. Vợ chồng chia tay, hai con gái ở với tôi. Anh ấy cưới vợ khác và sinh được một cháu trai.

Hai con gái tôi giờ đã trưởng thành, rất thương kính mẹ - tôi thấy mình là người may mắn. Còn chồng cũ? Đứa con nối dõi được cưng chiều quá mức nên đua đòi theo bạn xấu. Mới đây, cháu tụ tập đua xe trái phép, bị tai nạn giao thông gây chấn thương sọ não. Hiện cháu vẫn hôn mê trong bệnh viện. Chồng cũ của tôi sống dở, chết dở… (Chị Lâm Mỹ Nga, kế toán công ty TNHH DVTM Thông Trang, Hóc Môn)

2. Dòng họ nhà tôi vốn độc đinh từ thời cụ nội, nên đến đời mình có được hai đứa con trai thì khỏi nói là tôi mừng vui, hãnh diện đến mức nào. Vợ chồng tôi làm việc vất vả để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con. Chúng học giỏi, thông minh và đẹp trai, lại chăm ngoan. Vợ chồng tôi hay nói với nhau: quả là mình có phước! Rồi chúng trưởng thành, có việc làm và thăng tiến nhanh.

Chúng lấy vợ là những cô gái hiện đại và cho chúng tôi những đứa cháu trai, gái đẹp như thiên thần. Nhưng gần hai năm nay, chúng tôi rất hiếm khi được gặp con, cháu... (Ông Trần Quang Minh, hưu trí, Q.Bình Thạnh)

3. Tôi đẹp, trẻ, thông minh, giỏi giao tiếp. Tôi kiêu sa như bà hoàng vì được nâng niu, cung phụng và đổi người tình như đàn bà điệu đàng đổi mốt thời trang. Tôi ngụp lặn trong tiền bạc, tình dục và mọi thú vui nó đem lại, cho đến khi tôi… yêu. Anh là người đã có gia đình và dù yêu tôi với tất cả sự dịu dàng mà bao người đàn ông đã qua trong đời tôi cộng lại cũng không thể dịu dàng hơn, anh vẫn không thể cho tôi một danh phận vì tôi không thể sinh cho anh một đứa con trai.

Yêu điên cuồng, đau đớn tê dại cả tâm hồn lẫn thể xác khi nhiều lần phải bỏ con - kết quả của mối tình muộn màng nhưng chỉ là con gái, tôi như hóa đá trước kết luận của bác sĩ sau một lần nạo thai: cô không còn khả năng sinh con… (Lê Kiều Ngọc T., Q.2)

Chi co con gai thi da sao?

Họ nghĩ gì?

Chị Lâm Mỹ Nga: “Chỉ có con gái, thì đã sao?”: Nếu chồng tôi hiểu rằng, nuôi dạy và kỳ vọng vào con cái là việc chúng sẽ trở thành người như thế nào, sống có ích cho gia đình, xã hội hay không; chứ không phải chúng là trai hay gái, thì hẳn anh đã không rước hậu họa, hẳn đứa trẻ kia không sa chân vào tệ nạn. Chỉ có con gái, thì đã sao? Tôi là bà mẹ hạnh phúc vì các con gái tôi hiếu đễ, thương quý mẹ hết lòng. Chúng là những phụ nữ tuyệt vời khi biết rõ mình muốn gì, phải làm gì để đạt được ước mơ, để mình hạnh phúc và những người quanh mình cũng hạnh phúc.

Ông Trần Quang Minh: “Tôi tự hào có con trai để rồi chúng quay lưng với cha mẹ”: Hai con trai tôi đều là những người chồng “tuyệt vời” của vợ chúng. Chê vợ chồng tôi chỉ là những công nhân ít học, nghèo nàn, hai con dâu - một xuất thân từ gia đình trí thức, một là con gái cưng của đại gia ngành gỗ, không muốn chồng chúng, con chúng quay lại “cái ổ hôi hám” đã từng là “cái ổ hạnh phúc” của các con trai tôi. Ngày tết, ngày giỗ, gần như chỉ hai vợ chồng tôi lủi thủi với nhau. Nhiều khi nghe vợ cố nén tiếng thở dài, con trai cũng chẳng làm chi nếu chúng chẳng nên người...

Lê Kiều Ngọc T.: “Tôi chỉ cần có một đứa con”: Nghe tôi nức nở: “Em bị vô sinh rồi”, anh ấy ôm tôi thật chặt, dịu dàng hôn tôi và thì thào “không sao, không sao em ạ”. Quả là anh “không sao” vì chỉ hai tuần sau, tôi không thể liên lạc được với anh. Hóa ra, anh chỉ cần tôi như một cái máy đẻ với hy vọng tôi sẽ sinh cho anh một cậu quý tử. Con trai ư? Tôi chỉ cần có một đứa con do chính mình sinh ra. Tôi có thể tìm ở đâu sau lối sống trụy lạc, mù quáng của mình?

 VIỆT HOÀNG

(thực hiện)

NAM THỪA NỮ THIẾU - HỆ LỤY NHÂN ĐÔI

Tỷ số giới tính khi sinh bình thường là từ 103-107 trẻ nam / 100 trẻ nữ. Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam bắt đầu xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh với tỷ số 113,8/100 (năm 2013), 112,2/100 (năm 2014).

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh gây nên hiện tượng “nam thừa, nữ thiếu” khi trưởng thành - 20 năm sau đó. Nam sẽ “hụt hơi” trong cuộc cạnh tranh vào trường học, ngành nghề, có nguy cơ “nhập khẩu” cô dâu như Trung Quốc, Hàn Quốc hiện nay; có thể dẫn đến tan vỡ cấu trúc gia đình, những thay đổi trong hệ thống hôn nhân, gia đình và những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, thậm chí cả an ninh chính trị.

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà còn làm gia tăng bất bình đẳng giới. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính ở Việt Nam. Và vì sinh ít con nên càng bị sức ép có con trai bằng mọi giá, kể cả lạm dụng những tiến bộ khoa học để thực hiện lựa chọn giới tính.

Hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bị phạt tiền từ 3 triệu - 15 triệu đồng và các hình thức xử phạt bổ sung (theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) nhưng trên thực tế vẫn có người “xé rào” vì sức ép mãnh liệt phải có con trai.

TP.HCM có xu hướng duy trì tỷ số giới tính khi sinh ở mức hợp lý từ năm 2011 đến nay, tỷ số năm 2014 là 105,6/100. Tuy nhiên, nếu chủ quan, lơ là công tác truyền thông giáo dục thì con số đẹp này sẽ chỉ thuộc về quá khứ và tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” sẽ gia tăng cùng với những bất ổn, xáo động trong xã hội, trong mỗi gia đình.

Bác sĩ ĐẶNG PHI YẾN
(Trưởng phòng Truyền thông - giáo dục Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI