Chấp nhận sự khác biệt

09/04/2018 - 12:44

PNO - Hành trình hôn nhân, dù bất cứ lý do gì, khi gãy đổ, đều tạo ra những vết thương khủng khiếp. Nếu bảo rằng họ “ổn”, hãy tin rằng, họ nói thế để an ủi bản thân, để tỏ ra mạnh mẽ, để làm yên lòng người khác.

Anh lột mắt kính, đưa tay dụi đôi mắt nặng trĩu. Mái tóc nhiều sợi bạc rủ xuống trán lòa xòa. Tiếng anh như cái thở hắt: “Có lẽ do anh không biết làm cha”. Tôi chưa từng nghĩ có một ngày nào đó, như hôm nay, phải nghe những lời như thế này, từ anh.

Chap nhan su khac biet
 

Vợ anh bỏ đi khi con trai lớn mới vào lớp Hai, con trai nhỏ lên ba tuổi. Chị không chịu nổi cuộc sống làm dâu, thất vọng khi anh không đủ kinh tế theo mong ước của chị. Chị theo chồng mới, định cư bên Úc, cũng đã hơn 10 năm. Ngần ấy thời gian, mỗi đêm, anh chưa bao giờ ngủ được quá năm tiếng. Đi làm về, anh lo cho hai con - từ giặt quần áo đến tắm rửa, vệ sinh, rồi ăn uống. Mới bốn, năm giờ sáng, anh đã phải dậy nấu đồ ăn cho con, rồi đưa đón, kiểm tra việc học hành… Ngần ấy năm là cả chặng đường nhọc nhằn anh đã đi qua.

Nhà anh sát vách nhà mẹ tôi. Mẹ kể, có những khuya giật mình, ngó ra sân, thấy bóng anh bên kia đứng yên lặng như pho tượng, lặng lẽ hút thuốc, đến sáng. Anh dang tay che chắn cho hai đứa con, ấp con vào lòng mình, anh nghĩ như thế là đủ, không cho các con kết nối với mẹ. Anh không bao giờ nói về mẹ chúng khi con hỏi - khi vui, anh im lặng; lúc buồn, anh giận dữ. Các con anh co rúm trong ý nghĩ sai lệch về đàn bà con gái.

Để chấp nhận sự khác biệt của chính mình so với những người xung quanh đã là việc khó. Để mọi người chấp nhận rằng, mình khác biệt lại còn khó khăn hơn bội phần.

Con trai anh lớn lên ít nói, sống khép kín. Cháu vẫn chăm chỉ học hành, không bạn bè nhiều, không chơi bời lêu lổng. Anh vẫn an tâm về con cho đến năm nay, khi con đang học năm thứ hai đại học, vô tình anh biết cháu có tình cảm yêu thương với người bạn trai từ thuở còn học phổ thông - thằng bé hay đến nhà anh, thậm chí ngủ lại với con trai anh. Cháu biết đã bị anh phát hiện, giờ muốn dọn ra ở riêng. Anh chới với: “Lần thứ hai trong đời, hơn lần trước nhiều, anh như thấy đất lở dưới chân”.

Hai anh em ngồi lặng lẽ. Tôi không nói, để anh được yên tĩnh. Gần 50 tuổi, cái gì anh cũng đã đi qua. Khi nào lòng anh yên tĩnh hơn, tôi chắc anh sẽ nhớ chuyện nhà mình. Mẹ anh thứ hai, theo cách gọi của người miền Nam, mẹ tôi thứ ba, chúng tôi còn có sáu dì và bốn cậu nữa. Trong số các dì, dì thứ tám, năm nay cũng ngoài 50 tuổi. Các cháu và con tôi vẫn gọi dì là ông Tám.

Dì yêu và sống với một người đàn bà được hơn 20 năm rồi. Hai người chăm chỉ buôn bán, nuôi gà, nuôi heo, làm vườn. Năm ngoái dì còn xây được một ngôi nhà khang trang. Mẹ tôi, dì Hai cùng với bà ngoại, đã từng đi bắt dì về, nhốt trong phòng, đánh mắng, ngọt nhạt, có cả nước mắt. Chắc anh vẫn còn nhớ lúc hai anh em len lén đi mua bánh mì về cho dì, vì sợ dì chết đói. Ngày ấy, ông ngoại tôi thề bỏ đói, thề không nhìn mặt dì, thề không cho dì đặt chân vào nhà…

Chap nhan su khac biet
Ảnh minh họa

Con trai lớn của tôi đang học lớp Mười. Cháu học không giỏi. Có lần, cháu nhìn tôi thật lâu, rồi hỏi: “Nếu như mai mốt con không học đại học hay gì đó mà đi chạy xe ôm chẳng hạn, bà nội là cô giáo, mẹ cũng là cô giáo, nhà mình các dì ai cũng học giỏi, cả em cũng học giỏi hơn con, mẹ sẽ buồn lắm phải không?”. Tự nhiên tôi thấy thương con quá. Tôi hiểu được những giằng xé, khát khao, kể cả cảm giác có lỗi của con, trước áp lực sao cho giống, cho bằng người, ít nhất là những người trong họ tộc. Có lẽ con đã cô đơn lắm, mệt mỏi và thất vọng lắm khi phát hiện khả năng mình chỉ có vậy.

Tôi nhớ mình không còn ôm được cậu con trai đã cao hơn mẹ một cái đầu như hồi còn bé, nên chỉ nhìn vào mắt con, vỗ vỗ bàn tay hãy còn múp múp thơ trẻ của con, cố gắng kìm nước mắt: “Con có như thế nào, con vẫn là con của mẹ. Miễn con vui, con sống tốt, con có làm gì mẹ cũng tự hào về con”.

Chừng như tôi thoáng thấy ánh mắt rớm nước của con trai mình và có thể mai đây là của con anh. Tôi biết, anh tôi rồi sẽ nói như thế với cháu. Anh đủ yêu thương con để chấp nhận mọi thứ, miễn con mình hạnh phúc, như anh đã từng chấp nhận một quãng đời chòng chành lái chiếc thuyền hôn nhân chỉ bằng một tay. Khi đủ yêu thương không có cái gì là không thể. 

Loan Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI