Chấp nhận ngôi nhà

21/05/2015 - 06:44

PNO - PN - Những ngôi nhà có thể giống nhau, nhưng trong những ngôi nhà ấy chẳng bao giờ giống nhau y hệt, kể cả hai gia đình trong cuộc đời của một người đàn bà. Và cũng chẳng ai cảm nhận rõ những thay đổi khác biệt tinh tế trong gia đình mình hơn những người đàn bà trong gia đình ấy, kể cả những “người đàn bà bé con”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi là một đứa trẻ lớn lên trong một ngôi nhà có năm người vốn đã từng thuộc về ba gia đình khác nhau. Mẹ tôi ly hôn khi tôi vào lớp 1, cha tôi lấy vợ khác ngay sau đó, còn tôi đến năm chín tuổi mới có thêm một thằng anh trai trời ơi đất hỡi từ đâu đổ ụp xuống đầu cùng với một ông cha dượng. Hai năm sau mẹ tôi có em bé. Thằng anh là “con anh”, tôi là “con em” và thằng bé út là “con chúng ta”.

Đó là mãi sau này khi lớn lên tôi mới nghe người ta nói vậy, chứ thời tiểu học tôi chỉ có thể cảm nhận được mình bị bắt nạt, bị thằng anh đấm đá và cấm không được khóc, không được mách, bị người lớn xử ép, bị mẹ gào lên “tôi đã khổ lắm rồi!” để bắt tôi nín nhịn cho qua hết những chuyện gây gổ ồn ào. Tuổi thơ tôi đau đáu một câu hỏi to tướng: tại sao mẹ tự làm mẹ khổ rồi mẹ lại đổ cho tôi?

Hai mẹ con sống với nhau sung sướng biết bao nhiêu trong ngôi nhà mà cha tôi nhường lại, tôi hưởng được mẹ trọn vẹn, nhàn nhã trong ba năm, rồi tự nhiên mẹ rước hai cha con ông này về, để làm gì vậy?

Chap nhan ngoi nha

Trẻ con chẳng bao giờ chia sẻ được với người lớn những điều đó. Chỉ có người lớn tự ảo tưởng về sự chia sẻ đó mà thôi. Có thể mẹ tôi đã từng hạnh phúc khi tái hôn, nhưng hạnh phúc ấy không thấm xuống, không chạm đến tôi. Trong mỗi một đứa trẻ bị ghép vào gia đình bất đắc dĩ theo kiểu này, có một hàng rào đã được dựng lên một cách tự nhiên, kháng lại tất cả những yếu tố của môi trường mới. Những đứa trẻ con riêng thường co mình lại như một phản xạ tự vệ, càng cố tấn công vào nó, cho dù bằng quà tặng lấy lòng, bằng yêu thương săn sóc hay bằng đe dọa vũ lực, đứa trẻ ấy càng co rút mình lại, càng tự củng cố vỏ bọc của mình chắc hơn, dày hơn.

Tôi nghĩ, nếu ngày ấy mẹ tôi và cha dượng cứ để tôi tự đương đầu với những thay đổi trong cuộc sống của mình, tôi đã có thể khác. Nhưng họ không làm vậy. Họ đều là những người có học và có ý thức cố gắng xây dựng gia đình mới từ những mảnh vỡ của mỗi người. Mẹ tôi cố gắng tỏ ra quan tâm đến “con anh” nhiều hơn, còn cha dượng thì ngược lại gắng chăm sóc “con em” nhiều hơn. Dường như họ nghĩ những cố gắng này sẽ làm cho những đứa trẻ cảm thấy dễ hòa hợp với gia đình mới. Nhưng sự thật không hoàn toàn vậy.

Tôi cảm thấy mẹ bất công khi chia sẻ tình thương với "cái thằng anh kia", cái thằng chuyên đánh tôi những khi không có người lớn, xé vở tôi, vẽ bậy vào sách của tôi, và trấn lột những món đồ học của tôi. Còn cha dượng, ông ta thật lố bịch khi mua cho tôi những cái áo đầm hồng diêm dúa, khi cố ép tôi phải ăn những thứ ông ta mang về, càng đáng ghét hơn khi dạy tôi phải thế này thế nọ trong khi thằng con của ông ta phá làng phá xóm và đi chơi rông tối ngày. Mẹ tự hào vì tôi ngoan, mẹ càng nghiêm khắc với tôi và càng tỏ ra từ tâm bao dung đối với thằng “con anh” nghịch tử.

Ôi những người lớn! Họ cứ tưởng giáo dục được tất cả. Tôi không phải là trường hợp cá biệt. Bạn tôi cũng có đứa bố mẹ ly hôn phải sống với ông bà hay sống chung với vợ mới, chồng mới của bố mẹ. Những đứa trẻ vùng vằng phản kháng, cãi hỗn, thậm chí bỏ nhà đi, trông vậy thôi nhưng còn đỡ, thái độ của chúng còn là cái gì đó để người lớn nhận biết. Còn những đứa trẻ “ngoan”, im lặng nghe tất cả những lời dạy dỗ, im lặng vâng lời, có khi lại hàm chứa trong lòng những nỗi giận hờn, oán trách không bao giờ nguôi đối với mẹ, với cha…

Chap nhan ngoi nha

Năm thi đại học, dù không thích ngành môi trường, nhưng tôi khăng khăng chọn, vì một lý do: trường đại học ở thành phố, rất xa quê nhà, tôi muốn đi xa, muốn ra khỏi gia đình. Ngôi nhà rộng, nhưng không có chỗ cho tôi, và cho dù có, cũng không phải là chỗ tôi có thể đứng ngồi yên ổn. Tôi muốn đi. Đi để còn thương mẹ, đi để biến ngôi nhà ấy thành một kỷ niệm thỉnh thoảng nhớ về. Thế thôi.

Giờ thì tôi đã lập gia đình. Đứa em “con chúng ta” cũng đã lấy vợ, tháng trước vừa ly hôn, cháu nhỏ do mẹ nó nuôi. Từ những tháng năm này nhìn lại, tôi nghĩ người đàn bà, hay người đàn ông khi đã tái hôn phải biết chấp nhận ngôi nhà hôn nhân thứ hai của mình không giống như ngôi nhà hôn nhân thứ nhất.

Những người lớn hay lấy con trẻ ra để biện minh cho việc tái hôn, cho việc mình chọn người nào yêu thương cả mình và con mình, cho việc muốn đứa trẻ lớn lên bình thường trong một gia đình đầy đủ mẹ cha. Nhưng đừng cố bình thường hóa mọi chuyện trong cuộc hôn nhân thứ hai, như chưa từng có sự đổ vỡ.

Ngôi nhà thứ hai, đối với những đứa “con anh, con em và con chúng ta”, có thể chỉ là một ngôi nhà ghép tạm gồm những con người khác nhau và phải chịu đựng nhau. Đừng bắt tất cả những thành viên trong ngôi nhà ấy phải tỏ ra yêu thương nhau. Hãy để bọn trẻ được tự do sống theo cách của chúng, theo tình cảm của chúng, và chấp nhận sự xộc xệch, sự phản kháng ấy như một phản ứng tích cực có thể kiểm soát. Đó cũng là những khác biệt của ngôi nhà hôn nhân thứ hai so với ngôi nhà cũ. Chẳng bao giờ có được hai hạnh phúc bằng nhau, nói chi đến những hạnh phúc giống nhau…

 LIÊN ANH

Những người lớn hay lấy con trẻ ra để biện minh cho việc tái hôn, cho việc mình chọn người nào yêu thương cả mình và con mình, cho việc muốn đứa trẻ lớn lên bình thường trong một gia đình đầy đủ mẹ cha. Nhưng đừng cố bình thường hóa mọi chuyện trong cuộc hôn nhân thứ hai, như chưa từng có sự đổ vỡ. Thực sự đây chẳng bao giờ là một điều bình thường.
Trẻ con chẳng bao giờ chia sẻ được với người lớn những điều đó. Chỉ có người lớn tự ảo tưởng về sự chia sẻ đó mà thôi. Có thể mẹ tôi đã từng hạnh phúc khi tái hôn, nhưng hạnh phúc ấy không thấm xuống, không chạm đến tôi.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI