Chàng trai trẻ và niềm đam mê tranh in khắc gỗ

21/01/2021 - 13:01

PNO - Với Jack Clayton (35 tuổi, đến từ nước Anh), hành trình hơn 10 năm với tranh in khắc gỗ luôn khiến anh tự hào vì sự độc đáo của nó.

Việt Nam giúp khơi dậy đam mê

Từng tốt nghiệp Đại học Leeds (Anh) ngành thiết kế đồ họa nhưng đến với tranh in khắc gỗ là một sự tình cờ của Jack Clayton. Được thầy giáo hướng dẫn khuyến khích tìm đến những môn nghệ thuật độc đáo, Jack và tranh in khắc gỗ đã "gặp nhau" trong cái ngách chật hẹp của nghệ thuật.

“Ban đầu, tôi chỉ sử dụng nghệ thuật của mình để khám phá những điều mới lạ. Tôi từng thực hiện một vài bức tranh khắc gỗ lấy cảm hứng từ Jabiru – phần lãnh thổ phía bắc của Úc. Tuy nhiên, điều kiện sống ở đây khiến tôi không có nhiều cảm hứng để sáng tác”.

Jack Clayton và tác tác phẩm của anh.
Jack Clayton và tác tác phẩm của anh.

Đến Sài Gòn từ năm 2012, trước đó từng sinh sống và làm việc ở Úc, với chàng trai đến từ London, Sài Gòn đã khiến anh phải lòng. Tuy bắt đầu với công việc dạy tiếng Anh ở Sài Gòn nhưng tận dụng những khoảng thời gian rảnh rỗi, anh lại làm tranh khắc gỗ. Có thể nói, Việt Nam là nơi khơi dậy niềm đam mê của anh.

“Tôi tìm một nơi trong số những nơi mà tôi từng ghé thăm thì Việt Nam là lựa chọn nổi bật nhất. Tôi yêu mọi thứ nơi này và đặc biệt, đất nước của các bạn nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật tranh in khắc gỗ của tôi”, anh kể.

Nghiên cứu và làm tranh in khắc gỗ từ năm thứ ba đại học, Jack cho rằng khắc gỗ hay tranh in khắc gỗ ở các nước trên thế giới đều khác nhau. Ở Nhật, họ có các bản in nổi tiếng Ukiyo-e với những chi tiết sắc sảo đến mức khiến người xem bất ngờ.

Trong khi đó, ở châu Âu, các bản in nổi tiếng xuất phát từ Đức vì chất lượng và tính thẩm mỹ. Còn ở Việt Nam, điểm đặc biệt chính là nguyên liệu làm tranh đều hoàn toàn tự nhiên. Các câu chuyện dân gian được minh họa thú vị và những cách điệu rất tinh tế.

Theo chàng trai đến từ Anh quốc, ưu điểm của tranh khắc gỗ là bạn có thể tạo ra nhiều bản gốc. Kết cấu của gỗ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh. Tuy nhiên, nhược điểm của tranh in khắc gỗ chính là việc tô màu khi in. Hiệu ứng màu sắc nhiều lúc sẽ không được như ý muốn. Cho nên, phong cách làm tranh của Jack thường đơn giản, không quá nhiều chi tiết cầu kỳ, phức tạp như tranh in khắc gỗ Nhật hay châu Âu.

Yêu thích công việc của mình

Từng ghé thăm làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), chàng họa sĩ trẻ cho biết kỹ thuật làm tranh ở đây rất độc đáo. Nếu được, anh muốn quay lại và học cách làm tranh từ các nghệ nhân của làng tranh Đông Hồ.

“Sẽ thật tuyệt nếu tôi được tham gia một lớp học để tìm hiểu thêm về kỹ thuật làm tranh ở Đông Hồ. Những bản in ở đây sắc sảo giống như những bức phù điêu mà chẳng cần đến máy móc. Trong khi tôi chỉ sử dụng một tấm gỗ cho mỗi bức tranh thì người làm tranh ở Đông Hồ lại sử dụng nhiều bản in để tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Tôi mong muốn được học hỏi để dung hòa những nghệ thuật ấy trong tranh của mình”, anh kể.

Một trong những điểm đặc biệt khiến Jack hào hứng khi kể về làng tranh Đông Hồ chính là giấy dó. Anh cho biết mình cũng đang sử dụng loại giấy này vào những sản phẩm tiếp theo.

Năm 2019, với tranh in khắc gỗ của mình, Jack đã tổ chức một triển lãm tại Hội An lấy cảm hứng từ phố cổ. Sau đó, một triển lãm tranh in khắc gỗ lấy cảm hứng từ đường phố Sài Gòn cũng được giới thiệu đến mọi người. Như bao nghệ sĩ nước ngoài sinh sống và làm việc ở Việt Nam, Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ cho những cảm hứng nghệ thuật mang tinh thần phóng khoáng và mới lạ.

Dù theo đuổi một bộ môn kén người chọn nhưng với Jack, nó không khiến anh nản lòng. Anh vui khi người xem nghệ thuật nhận ra sự độc đáo trong từng bức tranh in khắc gỗ của anh.

“Tôi rất vui khi mọi người coi nghệ thuật của tôi là bảo tồn di sản. Hy vọng hành trình này của tôi và đặc biệt là nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam ở làng tranh Đông Hồ có thể truyền cảm hứng đến nhiều người”, anh chia sẻ.

Jack cho rằng hiện nay, hầu hết các tác phẩm nghệ thuật (đặc biệt là sử dụng cho mục đích thương mại) đều bị kỹ thuật chi phối. Thế nhưng, cũng vì lẽ đó, người làm nghệ thuật mới bắt đầu quay lại với các thiết kế hữu cơ, nguyên bản và thuần thủ công. Anh cho rằng mình hài lòng với sự lựa chọn này và dù có bị gọi là người hoài cổ thì anh vẫn sẽ gắn bó với nó.

Đa số tranh in khắc gỗ của Jack đều lấy cảm hứng đường phố Sài Gòn.
Đa số tranh in khắc gỗ của Jack đều lấy cảm hứng đường phố Sài Gòn.

Ngoài ra, Jack còn cho biết thêm rằng trên thế giới, các công việc truyền thống như thế này thực sự không được bảo tồn nhiều mà chỉ có những người đam mê tiếp tục với chúng. Vì vậy, anh đã lập ra một cộng đồng “Các lớp học chế tác tranh in khắc gỗ” trên Facebook, quy tụ nhiều người đam mê khắp thế giới như anh từ Anh, Mỹ, Ấn Độ và châu Âu.

“Cuộc sống hiện đại với internet sẽ giúp các nền văn hóa kết nối với nhau dễ dàng hơn. Tôi cảm nhận được chúng tôi đã và đang giúp những bộ môn nghệ thuật thủ công này tồn tại”, anh bộc bạch.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Jack từng có kế hoạch mang những tác phẩm của mình trở về quê hương London. Tuy không thể thực hiện được nhưng đó cũng là lý do anh đến với bộ tranh “Phố Brick Lane” của mình. Kết hợp cùng bộ tranh lấy cảm hứng về đường phố Sài Gòn, triển lãm “From Brick Lane to Saigon” sẽ tái hiện ký ức của chàng trai trẻ xuyên châu lục từ Anh đến Việt Nam.

Một vài tác phẩm trong triển lãm From Brick Lane to Saigon sắp tới của Jack.
Một số tác phẩm trong triển lãm "From Brick Lane to Saigon" của Jack 

*Triển lãm "From Brick Lane to Saigon" đang diễn ra tại BLOQ Lifestyle Village (19 Trần Ngọc Điện, phường Thảo Điền, Q.2)


Một vài tác phẩm khác của Jack:

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI