Chẳng biết có phải nhà mình hay không

01/05/2021 - 05:59

PNO - Nhà hai vợ chồng hai đứa con đã đủ mệt, lại thêm hai đứa cháu gái, nay lại thêm em dâu và cháu trai, ra vào đụng chạm vướng víu.

Vừa mở cửa, tôi đã thấy chị Khuyên hàng xóm đứng đó với vẻ mặt buồn buồn. Chị vào nhà tôi, tự rót một ly nước to, uống một hơi rồi dừng lại thở. Nhìn chị, tôi biết lại có rắc rối từ mấy đứa cháu.

Gia đình đông khách thì vui đấy, nhưng... mệt lắm - Ảnh minh họa
Gia đình đông khách thì vui đấy, nhưng... mệt lắm - Ảnh minh họa

Chồng chị Khuyên là người vui vẻ, dễ tính. Anh tốt bụng với tất cả mọi người trong họ trong làng. Dù nhà ở chung cư chỉ có hai phòng cho hai vợ chồng với hai đứa con, anh vẫn vui vẻ đón thêm hai đứa cháu con chị gái ở quê vào học đại học.

Trường có ký túc xá nhưng anh nói cháu gái, ở quê mới vào sợ bị... dụ dỗ. Anh cho hai đứa cháu ở, giao cái xe của chị cho cháu đi. Buổi sáng bốn người chất nhau lên xe anh, chiều chị về sớm thì chị đi xe buýt hoặc đặt Grab.

Chị bàn với anh để các cháu đi xe buýt. Anh không đồng ý, nói rằng bố mẹ chúng nó mua xe cho con đi anh cũng không chịu vì sợ lạ đường xá. 

Có hai đứa cháu gái trong nhà, những tưởng chúng sẽ giúp chị cơm nước, dọn dẹp, nhưng không. Hai cô gái sáng đi chiều về, quần áo thay ra ném vào máy giặt, cơm thì đến bữa gọi ra ăn, hai cô chỉ biết rửa mấy cái chén rồi lại rút vào phòng với lý do học bài. 

Nhà chị gái không mấy khá giả nên anh "miễn" luôn tiền sinh hoạt phí của cháu. Hai cháu cũng vô tư như cậu, cứ về đến nhà là mở máy lạnh dù nhà ở chung cư cao tầng mát mẻ, tiền điện mấy tháng mùa khô lên tới gần hai triệu đồng.

Hai năm nay, chị Khuyên nín nhịn nhiều chuyện. Nhưng chiều nay, chị mất bình tĩnh khi nghe chồng tính toán mua tấm bình phong, ngăn phòng khách thành phòng nhỏ cho đứa cháu trai chuẩn bị vào ôn thi đại học.

Mà đâu phải mình cháu trai, mẹ thằng bé, là em dâu anh, vì lo lắng cho con nên cũng vào theo để... chăm sóc. Chị sang nhà tôi ngao ngán than: “Đi thì thôi, về đến nhà là ức chế. Chẳng biết đó là cái nhà mình hay không. Riết rồi không muốn về!”.

Chị buồn bực cũng có lý do, chăm hai đứa con đã đủ mệt, lại thêm hai đứa cháu gái, nay lại thêm em dâu và cháu trai, ra vào đụng chạm vướng víu. Lâu nay, lúc nào cũng luôn tay luôn chân dọn dẹp, thu vén. Mà anh chị đâu phải khá giả để lo hết cho người nọ đến người kia, chưa kể việc ăn uống mỗi người mỗi nết. 

Nghe chị Khuyên than mà tôi thở dài. Nhà tôi có khác gì, cả dòng họ có mình chồng tôi vào Nam lập nghiệp nên bố mẹ chồng vui lắm. Mấy năm gần đây, cứ thấy họ hàng chuẩn bị đi Sài Gòn là ông bà mời họ đến thăm chúng tôi cho bằng được.

Tất nhiên, sau đó thì tôi phải đủ lễ nghĩa, cơm nước tiếp khách. Một vài lần đầu tôi nhịn, nhưng đến lần thứ năm bảy thì tôi... biểu tình.

Có lần nghe nói có ông chú họ vào chơi. Tôi thu dọn quần áo của ba mẹ con và “trốn" ra khách sạn ngủ sau khi cho hai con ăn cơm tiệm.

Chồng đưa chú về, đinh ninh là cơm canh nóng sốt, ai dè chỉ là căn nhà vắng teo lạnh ngắt. Tôi gọi điện báo chồng nói nay tôi hơi mệt, chồng một mình tiếp chú.

Bữa đó, anh phải đưa chú ra quán và nói chú ở tạm ngoài nhà trọ vì "vợ con đưa hai đứa nhỏ đi du lịch cùng công ty, nhà con lôi thôi bừa bộn quá!"

Chú về, chồng trách móc tôi làm anh quê độ. Lâu lâu nhà mới có khách mà tôi cư xử quá đáng.

Tôi nhắc lại cho anh nhớ tháng này nhà mình đón ai, tháng trước hay tháng trước nữa là ai. "Lâu lâu" là trung bình hai tháng một lần khách. Mỗi khách ở chơi sơ sơ ba ngày đến một tuần. Trong những ngày đó, ngày nào ăn uống cũng tươm tất, vì có khách ở quê ra mà, đâu thể xuề xòa.

Trong những ngày đó, ngày nào bàn ăn cũng phải có đủ rượu thịt... Ảnh minh họa
Trong những ngày đó, cơm nước ăn uống đâu thể xuề xòa... - Ảnh minh họa

Thấy chồng nhăn trán, tôi cười cười: "Nhà mình còn cả hai chục năm trả nợ ngân hàng kìa anh. Con xin mua cái váy mà em còn đắn đo mãi kìa... "

Thấy tôi than thở... ngọt ngào, chồng ừ à nói: "Tội nghiệp vợ". Anh hứa sẽ trình bày thẳng với bố mẹ những bất cập khi họ hàng đến ở nhà chúng tôi với những chi phí tốn kém khi vợ chồng tôi đang nai lưng trả góp. 

Tôi "bày mưu" cho chị Khuyên, nói chị nhỏ nhẹ thủ thỉ với chồng có khi anh sẽ hiểu ra. Chị thở dài: "Không biết ông nhà này có nghe không, nhưng chị cũng phải thử một lần. Mấy năm nay, chị chưa có một ngày thảnh thơi. Cả nhà cũng không có chuyến du lịch nào với nhau!"

Tiễn chị Khuyên về, tôi hy vọng chị sẽ thay đổi được chồng để gia đình thật sự là chốn đi về riêng tư đầm ấm.

Anh Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI