Câu chuyện nát lòng sau bão lũ

05/11/2020 - 22:03

PNO - Khi đang đi nhận đồ cứu trợ ở nơi tập kết, chị Phiêu đuối sức, bị động thai. Dù đã đến Trung tâm y tế huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để cấp cứu, chị vẫn không giữ được đứa con trong bụng.

Người dân trong xã đã thay nhau khiên chị Phiên vượt 20km đường núi để đến trạm y tế cấp cứu
Người dân trong xã đã thay nhau khiêng chị Phiêu vượt 20km đường núi để đến trạm y tế cấp cứu

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) cho biết, sự việc đau lòng trên diễn ra vào ngày 4/11. Lúc này, chị Hồ Thị Phiêu (20 tuổi, dân tộc Bh'nong, trú thôn 4, xã Phước Thành) cùng người dân trong xã vượt núi ra tới nơi tập kết hàng cứu trợ để cõng gạo và nhu yếu phẩm về cho gia đình.

“Trong cơn bão vừa rồi, nhà chị Phiêu bị trôi hết lương thực, thực phẩm nên khi nghe có hàng cứu trợ, tất cả mọi người đều cố gắng ra đến nơi để gùi gạo chống đói. Khi đó, chồng chị Phiêu là Hồ Văn Luông, thuộc lực lượng dân quân của địa phương, cũng đang lo giúp người dân khắc phục thiệt hại sau lũ. Do phải vượt qua nhiều ngọn đồi dựng đứng, lại cõng hàng trên lưng nên chị Phiêu bị động thai” - ông Phức cho hay.

Nhận được tin báo, dân quân của xã và người dân địa phương đã để chị Phiêu nằm lên võng rồi gánh đi, qua 4 tiếng đồng hồ, băng 20km đường rừng đến trạm xá cấp cứu. Chị Phiêu đang mang thai tháng thứ 4, là đứa con đầu tiên của hai vợ chồng. Anh Hồ Văn Luông (26 tuổi, chồng chị Phiêu) khi đó cũng nhận được hung tin, vội xin dừng công việc để đến với vợ.

Mất hơn 4 tiếng đồng hồ, vượt núi và suối, người dân mới đưa được chị phiêu đến Tràm y tế
Mất hơn 4 tiếng đồng hồ, vượt núi và suối, người dân mới đưa được chị Phiêu đến trạm y tế

Đến trạm xá ở xã Phước Kim (nơi vừa được thông đường), chị Phiêu được chẩn đoán bị động thai, nguy hiểm nên cán bộ y tế đã gọi khẩn cấp xe cấp cứu đưa chị ra Trung tâm y tế huyện để chữa trị. Tuy nhiên, do quãng đường quá dài, thời gian lâu nên dù đã cố gắng nhưng vẫn không cứu được thai nhi.

Gặp chúng tôi, anh Luông phờ phạc hẳn sau những ngày dài vừa lo giúp dân khắc phục bão lũ, vừa gùi hàng đến nơi tập kết. “Khi đang cùng mọi người dọn dẹp lại đống đổ nát sau lũ thì tôi nghe tin báo vợ mình bị động thai. Có kịp lấy áo quần, tiền bạc gì mang theo đâu, cứ thế chạy theo thôi. May mà có mấy anh em trong xã đi theo cho mượn ít tiền để trang trải ban đầu” - anh Luông bần thần.

Đứa con chưa kịp chào đời đã phải lìa xa vợ chồng anh Luông. Các bác sĩ tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn cũng nhắn nhau, ngầm hiểu là chưa vội thông báo tin xấu cho chị Phiêu, đợi khi sức khỏe chị hồi phục hẵng báo.

Anh Luông, đứng cạnh đó, quay vội đi. Người đàn ông rắn rỏi, dầm mình trong mưa lũ những ngày qua, chỉ chực đổ quỵ khi nghe các bác sĩ nói không giữ được đứa con, nhưng vẫn gắng gượng, làm chỗ dựa cho Phiêu.

“Hai vợ chồng mới cưới, tách ra ở riêng nên ngôi nhà tuềnh toàng lắm. Thuộc hộ nghèo của xã mà. Vì sợ thiếu ăn trong những ngày bị cô lập, rồi những ngày tiếp theo của mùa mưa bão nên vợ mình cương quyết đòi đi cõng hàng cứu trợ. Mình thương lắm nhưng giờ cũng chịu. Cố cho qua cơn lũ này thôi” - anh Luông nói.

Dù vậy, đứa con trong bụng chị Phiêu vẫn không giữ được do phải di chuyển một thời gian quá lâu
Chị Phiêu không giữ được con do phải di chuyển quá lâu

Theo ông Hồ Văn Phức, trước mắt chính quyền xã đã hỗ trợ cho hai vợ chồng tạm vượt qua được sự cố buồn này. “Giờ có gì thì giúp nấy thôi. Trong bão lũ như thế này, người dân khổ quá. Xảy ra chuyện này, chẳng ai muốn cả” - ông Phức thở dài.

Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của chị Phiêu đã dần ổn định. Nhưng hung tin về đứa con bị mất khiến chị suốt ngày úp mặt vào gối. Bên cạnh, anh Luông ngồi lặng, đưa tay bóp bóp vào đôi chân sưng phù của chị, như cố an ủi vợ, dù chính anh cũng nát lòng.

Nguyễn Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI