Cảm ơn bạn đời cả những điều chưa tốt đẹp

18/04/2021 - 06:06

PNO - Tôi nhận ra một điều, hôn nhân tốt đẹp là hôn nhân biết cảm ơn bạn đời bằng cả điều tốt đẹp và điều chưa tốt đẹp!

“Cậu thế nào? Lâu ngày không gặp? Hôn nhân ra sao rồi?”, “Hai người thế nào? Vẫn chung sống một nhà chứ?”. Đó là những câu người ta thường hỏi tôi. Ngày tôi cưới, mọi người lo lắng dù đều chúc phúc cho chúng tôi. Và hôm nay, đã 20 năm trôi qua, nhìn lại, tôi tự tin nói, cuộc hôn nhân của tôi khá tốt. 

Tác giả và chồng sau 20 năm bên nhau
Tác giả và chồng sau 20 năm bên nhau

Học hỏi từ cha mẹ

Có được điều “khá tốt” ấy một phần là nhờ tôi lắng nghe và học hỏi từ bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng. Những gì mà hôn nhân của ông bà hai bên đã đúc kết, trở thành kinh nghiệm vô cùng quý giá, làm nền tảng cho những điều tốt đẹp trong hôn nhân của tôi. 

Bố mẹ tôi hạnh phúc đến phút cuối đời. Khi nằm trên giường bệnh, bố tôi (khi ấy 76 tuổi) viết thư cho mẹ, dặn khi nào “anh nhắm mắt xuôi tay thì em mở ra đọc nhé”.

Trong thư có đoạn: “Anh biết, em luôn là người bao dung kể từ khi chúng ta gặp nhau. Nhà anh nghèo mà em không chê. Cuộc sống khó khăn đến mấy em cũng không than thở. Em tần tảo cùng anh nuôi dạy sáu đứa con. Đứa nào cũng ngoan, thành đạt… Em đừng buồn vì anh không ở lại lâu hơn, bởi chúng ta đi hết cuộc đời vẫn có nhau đó thôi…”.

Tôi và chồng là cặp đôi mà ban đầu cả hai bên gia đình đều không đồng ý, bởi nhiều lý do. Hai bên gia đình ra sức cản ngăn, đến nỗi chúng tôi phải mất bảy năm trời vừa thuyết phục, vừa chứng tỏ tình yêu đủ lớn với hai gia đình.

Kết quả là một đám cưới, nhưng hai họ rất lo lắng. 

Khó khăn chồng chất khó khăn, những cuộc xung đột, cũng khóc cũng cười, nhưng mỗi lúc có chuyện, tôi luôn lắng nghe lời khuyên của bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ một cách đúng mực. Nhờ bài học kinh nghiệm của bố mẹ, chúng tôi tránh được nhiều mâu thuẫn, từ đó tránh được sóng gió, cơm cháo luôn có nhau và cả nhà vui vẻ. 

Chúng tôi cùng xác định mục tiêu của hôn nhân. Cả hai thống nhất: “Hôn nhân chẳng phải màu hồng tự có, mà phải tạo dựng từ hai phía”.

Tôi và chồng xác định: Mỗi người tình nguyện chung sống cùng với người không cùng huyết thống thì phải cho nhau điểm tựa, sưởi ấm cho nhau, cùng nhau vượt qua giông bão. Bước vào thế giới của hôn nhân, cần rũ bỏ lối sống trước đó mình từng sống nhưng không còn phù hợp. 

Tôi thưa dần các cuộc mua sắm vô độ. Anh ít dần cuộc vui chơi vô bổ. Tôi giảm dần quần áo gợi cảm. Anh giảm bù khú bạn bè. Cứ thế, mỗi người biết thế giới của kẻ độc thân khác với thế giới của hai người trong một không gian hẹp.

Thấu hiểu

Nhiều cặp đôi phải nói lời chia tay chẳng phải vì hết tình cảm mà đơn giản chỉ vì không thực sự hiểu nhau. Vì thiếu thấu hiểu nên mâu thuẫn cứ thế nảy sinh. Ban đầu mâu thuẫn nhỏ, rồi đến mâu thuẫn lớn hơn, lớn mãi đến mức không thể vượt qua. Tần suất xung đột cứ thế ngày một gia tăng - như một gánh nặng buồn phiền, mệt mỏi. Kéo theo là một hệ lụy chán nản, không muốn nói chuyện, không muốn bên nhau, bất lực nhìn nhau rời xa. 

Chồng tôi là giảng viên một trường đại học và anh được nhiều sinh viên quý mến, ngưỡng mộ. Những cuộc gặp gỡ giữa thầy và trò tại quán xá là điều có thể xảy ra. Thậm chí ngay cả sự thân mật quá trớn của một số nữ sinh với thầy cũng không hiếm.

Nhiều lần tôi tận mắt chứng kiến cảnh đó, mà nếu không có cái nhìn thấu hiểu thì cứ “bé xé ra to” thành chuyện lớn.

Khi hôn nhân gặp trắc trở, thậm chí lạc lối, chệch hướng, lúc này sự thấu hiểu lên ngôi, mà nếu thiếu vắng thấu hiểu, hôn nhân khó thể bước tiếp. Bởi có “hiểu” mới có cảm thông. Từ cảm thông mới có thương. Từ thương mới có bao dung. Từ bao dung mới có thể tồn tại. 

Bỏ qua lỗi lầm

Chồng tôi có cách nói không mấy nhẹ nhàng mỗi khi gặp chuyện bực mình ở đâu đó rồi mang về nhà. Anh ấy từng có lúc làm tôi buồn rất nhiều, thậm chí đã làm tôi đau lòng về mặt tình cảm. Nhưng sau đó, anh nhận ra sai lầm, thực sự thiện chí nên tôi đã nghiêm túc nhìn nhận, kể cả xem lại bản thân để có cái nhìn công tâm.

Mẹ tôi thường nói: “Không phải lỗi lầm nào cũng có thể được tha thứ, nhưng nếu lỗi lầm đó không gây tổn hại đến nhiều phương diện thì có nghĩa, lỗi lầm ấy nên được thứ tha”. 

Bố tôi thì căn dặn: “Một trong những món quà tốt nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào là khả năng bỏ qua lỗi lầm thông thường. Nếu con cứ khăng khăng không tha thứ, cứ cho rằng chuyện ấy là lỗi của một mình chồng, thì làm sao nhìn ra điểm tốt khác trong con người anh ta? Làm sao nhìn ra được chồng con vẫn là người trụ cột, người cha tốt, người con hiếu thảo mà các con của con sau này nhìn vào mà noi theo?”.

Từ đó tôi nghiêm túc nhìn nhận mọi khía cạnh, không còn khăng khăng và cay nghiệt đổ lỗi hết lên anh ấy nữa. Mẹ tôi còn phân tích: “Đừng chỉ biết dằn vặt, bởi sống trong dằn vặt là tiêu cực vì phẫn nộ vây quanh, dẫn đến thiệt hại về mặt tình cảm về lâu về dài”. 

Từ đó, tôi đã có thể rộng lượng hơn. Tha thứ chính là học cách tự chữa lành vết thương khi nó rỉ máu. Tha thứ đồng nghĩa với dũng cảm không bỏ cuộc. Không bỏ cuộc có nghĩa là nắm chắc phần thắng, tự tin về bản thân. 

Viết ra những điều tốt đẹp của nhau

Một thời gian tôi cũng có suy nghĩ sai lệch. Ban đầu, tôi từng mãn nguyện có người chồng như anh, khi gia đình đồng ý thì tôi đã thấy hạnh phúc lắm rồi. Thế mà, cuộc sống thường ngày với bộn bề đủ thứ làm tôi thấy hình ảnh của anh thật mờ nhạt. 

Thói hư tật xấu của anh ngày càng lộ ra và có cả đặc tính tôi “dị ứng”. Cuộc sống ngột ngạt, chán nản. Trong một lần cãi vã lên đến đỉnh điểm, tôi uất ức và chỉ muốn tung hê. Khi tìm hộ chiếu để định bỏ đi đâu đó cho bõ ghét, thì vô tình chạm phải tập hình xưa cũ. 

Mọi kỷ niệm ùa về. Lòng chùng xuống, tôi ngồi xuống nhìn lại vấn đề một cách công bằng. Về cơ bản, anh là người tốt nhưng tôi lại chỉ chăm chăm nhìn vào mặt xấu là sao? Tôi tự nhủ phải học cách chế ngự con quỷ “cay nghiệt” làm lu mờ mặt tốt của anh ấy. 

Rồi tôi nhớ tới tấm gương của bố mẹ về học cách biết ơn. Bằng cách viết ra giấy mỗi ngày, tìm ra từng việc nhỏ tốt đẹp của nhau. Khi thức giấc, chồng bên cạnh, dẫu anh chẳng ôm ấp hay nói lời ngọt ngào, nhưng tôi thấy bình yên.

Như vậy là tốt rồi. Khi làm bữa sáng, nếu không có anh ăn cùng, hẳn là tôi chẳng muốn ăn, mà thế thì cơ thể tôi vốn dĩ thiếu chất sẽ lại càng tiều tụy. Thật tốt khi có anh nên tôi tự ép mình phải nấu và phải ăn. Các con có bố trong nhà đùa vui, không khí nhà cửa ấm áp. 

Viết ra những điều ấy, thì tôi đã thấy sự hiện diện của anh trong cuộc sống có ý nghĩa biết bao. Hóa ra, từ trước tới nay tôi là người thích phê phán và chính vì thế cảm thấy khó chịu bởi dường như chỉ nhìn thấy cái sự khó tính, cái mặt tiêu cực ở anh mà thôi.

Kể từ khi học được cách biết ơn, ấy chính là lúc bản thân tôi được cảm hóa. Kết quả là tôi bớt dần sự ác cảm với tính xấu của chồng. Cảm xúc tích cực tăng dần, rồi đến một ngày trở nên biết bao dung hơn, sống thiện hơn và tình hơn. 

Từ đó, tình cảm vợ chồng chúng tôi trở nên thân thiết một cách tự nhiên mà chính cả hai không hay. Bây giờ, chúng tôi muốn làm mọi việc cùng nhau, đi du lịch cùng nhau, cùng ngồi trong nhà thủ thỉ vu vơ mọi chuyện.

Đối với khuyết điểm của đối phương lúc trước, giờ đây tôi không thấy khó chịu hay ấm ức nữa. Tôi nhận ra một điều, hôn nhân tốt đẹp là hôn nhân biết cảm ơn bạn đời bằng cả điều tốt đẹp và điều chưa tốt đẹp! 

Khánh Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI