Cái giá khủng khiếp của biến đổi khí hậu đối với nước Mỹ

24/11/2018 - 13:49

PNO - Một báo cáo mới của chính phủ Mỹ đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về biến đổi khí hậu (BĐKH) và kịch bản xấu nhất về tác hại của nó đến cuối thế kỷ này, nếu nước Mỹ không bắt tay vào đối phó với BĐKH.

Theo báo cáo này, cái giá nước Mỹ phải trả là hơn 10% GDP và mạng sống của hàng ngàn người Mỹ.

Nghiên cứu thuộc thẩm quyền của liên bang và dự kiến công bố vào tháng 12, nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã công bố từ hôm 23/11- đúng vào thời điểm nhiều người Mỹ đang trong kỳ nghỉ cuối tuần kéo dài và bị phân tâm bởi gia đình cũng như hoạt động mua sắm.

Cai gia khung khiep cua bien doi khi hau doi voi nuoc My
 

David Easterling, giám đốc Đơn vị Hỗ trợ Kỹ thuật (TSU) tại Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia của NOAA, nhấn mạnh: "không có sự can thiệp nào từ bên ngoài vào bản báo cáo". Ông nói thêm, sự BĐKH Trái đất đang trải qua chưa từng có trong lịch sử, và xu hướng nóng lên toàn cầu “chỉ có thể là do hoạt động của con người".

Báo cáo do nhóm nghiên cứu trực thuộc Chương trình Nghiên cứu BĐKH Toàn cầu của Hoa Kỳ thực hiện, bao gồm 13 cơ quan liên bang, với sự tham gia của 1.000 người (khoảng một nửa không phải nhân viên chính phủ), trong đó có 300 nhà khoa học hàng đầu.

Các phát hiện của báo cáo trái ngược lại với quan điểm của Tổng thống Donald Trump rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp.

Hôm thứ 21/11, ông Trump viết trên trang Twitter của mình: "Có chuyện gì xảy ra với sự nóng lên toàn cầu”, trong khi một số người Mỹ phải đối mặt với lễ Tạ ơn lạnh nhất trong hơn một thế kỷ?

Cai gia khung khiep cua bien doi khi hau doi voi nuoc My
 

Nhưng các nhà khoa học đã giải thích rất rõ ràng trong báo cáo năm nay cũng như báo cáo trước đó của chính phủ liên bang: BĐKH không phải là khí hậu cực đoan của một ngày hay một tuần, nó là một khuynh hướng dài hạn, và con người đang sống với mức nhiệt độ cao nhất trong lịch sử hiện đại.

Báo cáo cũng cho biết, không một nước G20 riêng lẻ nào đáp ứng các mục tiêu chống BĐKH thông qua các nỗ lực giảm phát thải tạo ra hiệu ứng nhà kính. Báo cáo khẳng định, nếu không giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nhiệt độ trung bình toàn cầu hàng năm có thể tăng 5°C trở lên vào cuối thế kỷ này, so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.

Cái giá của BĐKH

Chi phí BĐKH gây ra hàng năm có thể đạt hàng trăm tỷ đô la, riêng khu vực Đông Nam (Mỹ) sẽ mất hơn nửa tỷ giờ công lao động vào năm 2100 do nhiệt độ cực cao.

Nông dân sẽ phải đối mặt với thời kỳ cực kỳ khó khăn. Chất lượng và sản lượng cây trồng sẽ giảm trên toàn quốc do nhiệt độ cao, hạn hán và lũ lụt. Ở nhiều nơi vùng Trung Tây, các nông trại sẽ có thể giảm sản lượng ngô đến 75% so với hiện tại, riêng phần phía nam của khu vực này có thể giảm 25% sản lượng đậu tương.

Cai gia khung khiep cua bien doi khi hau doi voi nuoc My
 

Nhiệt độ cao có thể khiến sản lượng sữa bình quân giảm từ 0,60% đến 1,35% trong vòng 12 năm tới, trong khi đã khiến cho ngành này thiệt hại 1,2 tỷ USD do trời nóng trong năm 2010.

Tình trạng axit hóa đại dương và thủy triều đỏ sẽ gây thiệt hại lớn đến sinh vật biển và làm thiệt hại đến ngành khai thác hải sản của Mỹ.

Tác động đến sức khỏe

Nhiệt độ cao hơn cũng sẽ cướp đi mạng sống của nhiều người hơn, đặc biệt ở vùng Trung Tây, nơi phải chịu tác động lớn nhất của nhiệt. Sẽ có thêm nhiều căn bệnh do muỗi và bọ ve như Zika, sốt xuất huyết và chikungunya. Các trường hợp mắc bệnh West Nile dự kiến ​​tăng hơn gấp đôi vào năm 2050 do nhiệt độ tăng.

Nắng nóng và lũ lụt

Cai gia khung khiep cua bien doi khi hau doi voi nuoc My
 

Mùa cháy rừng – kéo dài và gây tác hại lớn hơn trước đây - có thể thiêu cháy nhiều hơn sáu lần diện tích rừng mỗi năm vào năm 2050. Nhiệt độ cao cũng đe dọa các vùng biển vốn an toàn về sinh thái như Hawaii, Caribbean và những vùng biển khác.

Nước biển dâng cao, lũ lụt và bão biển đe dọa các công trình công cộng và 1 ngàn tỷ USD tài sản quốc gia dọc theo các vùng duyên hải nước Mỹ.

Có thể làm gì để đối phó với BĐKH

Báo cáo được lập để thông báo tình hình cho các nhà hoạch định chính sách nhưng không đưa ra các khuyến nghị cụ thể về cách khắc phục vấn đề. Tuy nhiên, nó cho thấy nếu Hoa Kỳ ngay lập tức giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính, động thái này có thể cứu được hàng ngàn mạng sống và tạo ra hàng tỷ đô la lợi nhuận cho đất nước.

Trên phạm vi toàn cầu, một báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi tháng 10 đã kêu gọi tất cả các chính phủ phải thực hiện "những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội" để tránh thảm họa do BBĐKH. Báo cáo dự đoán rằng Trái đất sẽ đạt ngưỡng quan trọng 1,5°C (2,7°F) vào khoảng năm 2030, so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo cũng cho rằng thế giới phải đối mặt với nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt và thiếu lương thực đối với hàng trăm triệu người.

Thời gian hành động

Cộng đồng khoa học có phản ứng mạnh mẽ đối với báo cáo BBĐKH của liên bang.

Robert Bullard, chuyên gia môi trường Đại học Southern Texas, cho biết: “Nếu chúng ta sẽ điều hành đất nước này như một doanh nghiệp, thì đây là thời gian để nhìn nhận (biến đổi) khí hậu như một tác nhân đe dọa mà chúng ta biết, trước khi nó cướp đi nhiều sinh mạng hơn”.

Các nhà khoa học từng gióng lên hồi chuông báo động về những hậu quả tiêu cực của BBĐKH trong nhiều năm qua rất hoan nghênh những phát hiện này.

Ông Beverly Wright, giáo sư tại Đại học Dillard kiêm giám đốc sáng lập Trung tâm Công lý môi trường Deep South nói: "Chúng tôi thách chính quyền bắt đầu sử dụng thông tin này để tái thiết và củng cố cộng đồng khi đất nước bị tác động của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và hàng thập kỷ các chính sách nghèo nàn đã bỏ qua những lo ngại của chúng tôi. Khoa học không thể bác bỏ được, hãy sửa chữa sai lầm”.

Thiện Đạo (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI