Buông tay vì ba mẹ hay cạn tình?

11/11/2014 - 11:01

PNO - PN - Kính gửi chị Hạnh Dung!Tôi lớn hơn em bốn tuổi, quen nhau lúc học đại học, yêu nhau gần bảy năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buong tay vi ba me hay can tinh?

Chúng tôi cùng quê và có quan hệ họ hàng cách nhau năm đời. Nhờ đi học xa nhà nên chúng tôi lén lút yêu nhau, đến năm thứ năm, gia đình hai bên mới phát hiện và ngăn cản quyết liệt. Giờ thì em đã về quê làm việc ổn định, tôi cũng công khai tình cảm với em bất chấp sự phản đối của gia đình. Trước đây, em vẫn cùng tôi đấu tranh với hai gia đình nhưng giờ tôi thấy em đã khác, có vẻ như muốn buông tay. Em xác nhận với tôi là nhiều người đã nói ra nói vào là em có công việc tốt, không ít người đeo đuổi, gắn bó mãi với tôi sẽ không có tương lai. Em còn nói, giữa tôi và gia đình thì em sẽ chọn gia đình, dù những lúc hiếm hoi gặp nhau, em vẫn khóc nhiều và nói không biết phải làm sao để vừa lòng gia đình và có được tôi. Tôi hiểu, lúc này nếu tôi buông tay, mọi chuyện sẽ chấm dứt. Em là con gái lớn trong gia đình, ba má em dọa chết nên em sợ. Tôi không biết phải làm gì lúc này, có nên ra đi để em được vui? Nếu tôi cứ cố liên lạc, liệu tôi có ích kỷ với em? Mong chị tư vấn giúp.

Hải (Trà Vinh)

Em Hải mến,

Đấu tranh và nỗ lực hết mình để bảo vệ tình yêu không phải là ích kỷ. Em cố giữ liên lạc, cố níu kéo là việc làm đúng. Tuy nhiên, dù có yêu đến mấy, cũng nên biết lúc nào cần giữ, lúc nào phải buông, bởi nếu đã đến mức không thể giữ được thì biết buông tay mới thật sự là lối thoát.

Trước hết, Hạnh Dung muốn nhắc em, theo Luật Hôn nhân gia đình thì chỉ cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời. Em và người yêu có họ đến năm đời thì hoàn toàn có thể đến được với nhau theo đúng pháp luật. Quyền tự do kết hôn cũng không ai được phép ngăn cản. Do vậy, nếu quyết tâm, hai em vẫn đến được với nhau. Đây cũng là cơ sở để hai em thuyết phục hai bên gia đình thay đổi suy nghĩ. Tự do kết hôn là đương nhiên, nhưng nếu hai gia đình không chấp nhận thì cũng rất khó và rất buồn. Vì thế, kiên trì thuyết phục, cố gắng chứng minh tình yêu của mình là việc đầu tiên và thường xuyên phải làm, làm đến kỳ được mới thôi.

Tuy nhiên, trong cuộc “đấu tranh” này, hai người phải luôn chung vai sát cánh cùng một “chiến hào”. Khi một người giữ, một người buông thì “thảm bại” là chuyện thấy ngay trước mắt. Hiện người yêu của em đã có chiều hướng buông tay thì việc em cần làm trước mắt là khuyên giải cô ấy nỗ lực kiên trì thêm. Bảy năm yêu nhau, không thể dễ dàng thả trôi như thế được. Yêu em, có thể cô ấy sẽ có những chuyển biến tích cực hơn. Hãy tùy vào cô ấy mà quyết định. Có khi phải mạnh mẽ hơn để tự đến với nhau, không cần sự chấp nhận của gia đình; dần dần thuyết phục thêm. Theo thời gian, chắc chẳng cha mẹ nào giận con mãi.

Trong trường hợp cô ấy đã cạn sức chịu đựng, không còn muốn đấu tranh nữa thì em buộc phải xem lại. Lúc này, dù có yêu đến mấy cũng đành chấp nhận buông tay thôi. Níu kéo chỉ thêm khổ vì chẳng có giải pháp nào có thể thay đổi được tình hình. Một người đã chùn chân thì người còn lại chẳng thể làm gì hơn được. Khi tình yêu đã không đủ mạnh thì dù có đau đến mấy, em cũng phải nhìn thẳng vào thực tế mà chấp nhận mất nhau.

Hạnh Dung 
(hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI