Biến chủng của COVID-19 khiến đại dịch kéo dài

29/09/2021 - 08:12

PNO - Những biến chủng mới và mức nguy hiểm của SARS-CoV-2 trong những tháng gần đây đang đe dọa tốc độ tiêm chủng toàn cầu. Do đó, thế giới không thể lơ là việc giải mã trình tự gen của virus nhằm phát hiện và ứng phó kịp thời các biến thể mới.

Nhiều biến thể đáng lo ngại

Khi SARS-CoV-2 bắt đầu lan rộng toàn cầu vào đầu năm 2020, các nhà khoa học đã gấp rút điều tra cấu tạo sinh học của virus, phát triển các xét nghiệm chẩn đoán và thiết kế ứng viên vắc xin, đánh dấu một trong những giai đoạn nghiên cứu nhanh nhất trong lịch sử loài người. Bên cạnh nguồn gốc của virus, một câu hỏi cơ bản là nó sẽ đột biến như thế nào? May mắn, tỷ lệ đột biến của virus dường như ở mức thấp.

Sự xuất hiện của các biến thể mới, dễ lây lan hơn như Delta, đang được thúc đẩy bởi sự lây truyền không kiểm soát - ẢNH: REUTERS
Sự xuất hiện của các biến thể mới, dễ lây lan hơn như Delta, đang được thúc đẩy bởi sự lây truyền không kiểm soát - Ảnh: REUTERS

Bộ gen của SARS-CoV-2 được giải trình tự toàn diện vào tháng 3/2020, và các nhóm nghiên cứu phát hiện ra ngày càng nhiều đột biến trong gen cấu tạo protein gai bám của virus, nơi chịu trách nhiệm xâm nhập tế bào và sinh bệnh. Tuy nhiên, vì đột biến chỉ mang lại những cải thiện nhẹ về khả năng lây nhiễm, sự chú ý sớm quay trở lại các khía cạnh sinh học khác của SARS-CoV-2 và cuộc đua vắc xin.

Nhưng khi các ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng vọt vào cuối năm 2020, bộ gen virus trở nên đa dạng hơn, đỉnh điểm là vào tháng 12/2020, khi 3 biến thể mới cần quan tâm (VOC) được phát hiện: B.1.1.7 tại Anh (Alpha), B.1.351 ở Nam Phi (Beta) và B.1.1.24/P.1 ở Brazil (Gamma).

Điều khiến sự xuất hiện của các biến thể mới đáng chú ý là tất cả đều sở hữu một loạt đột biến rộng, chưa từng thấy trước đây. Nhiều quốc gia trên thế giới đã chứng kiến sự gia tăng về số trường hợp mắc biến chủng mới, dẫn đến việc thực hiện tái phong tỏa và hạn chế đi lại. Kể từ cuối năm 2020, thêm nhiều biến thể đáng lưu ý xuất hiện, bao gồm các biến thể B.1.429 tìm thấy tại California (Mỹ) và B.1.617 tại Ấn Độ (Delta).

Hiện tại, nhiều nước đang chứng kiến một cơn “đại hồng thủy” Delta. Tại Mỹ, biến thể Delta chiếm 99,1% số ca nhiễm vào cuối tháng 8. Nhà sinh vật học Lauren Ancel Meyers từ Đại học bang Texas, nhận xét: “Chúng tôi chứng kiến làn sóng Delta tiến đến trong nháy mắt. Nhưng điều đó có thể thay đổi”.

Vào tháng 7, giới khoa học lưu ý một biến thể khác - Mu. Biến thể Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia, nơi nó chiếm 69% số ca nhiễm mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố Mu là một biến thể đáng quan tâm (VOI). Mu mang đột biến E484K có khả năng vượt qua hàng rào phòng vệ từ vắc xin SARS-CoV-2 và miễn dịch tự nhiên.

Cải thiện vắc xin và tìm thuốc điều trị

Nhiều người băn khoăn liệu vắc xin COVID-19 có đang dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể né tránh vắc xin hay không. Nhưng thực tiễn, chưa đến 40% người dân trên thế giới đã tiêm một liều vắc xin (con số này chỉ vào khoảng 2% ở các nước thu nhập thấp) và có gần một triệu ca nhiễm mới trên toàn cầu mỗi ngày, sự xuất hiện của các biến thể mới, dễ lây lan hơn, như Delta, đang thúc đẩy sự lây truyền không kiểm soát chứ không phải vắc xin.

Mặc dù những người được tiêm chủng vẫn có thể bị nhiễm biến thể Delta nhưng thường bệnh ngắn hơn, nhẹ hơn những người chưa tiêm chủng. Điều này làm giảm đáng kể cơ hội lây nhiễm từ người này sang người khác.

Nhà khoa học tại Mỹ Erica Ollmann Saphire đã dành một năm rưỡi qua để lập hồ sơ về COVID-19, tạo ra những hình ảnh ba chiều phức tạp trong phòng thí nghiệm để hiểu được những đặc điểm di truyền và cấu tạo quan trọng nhất của virus, giúp tiết lộ điểm yếu của mầm bệnh và cách khai thác chúng. Công trình của Erica tại Viện Miễn dịch học La Jolla đã cung cấp bản đồ chi tiết nhất, được sản xuất với sự hợp tác của 56 nhóm nghiên cứu trên bốn lục địa, cho phép các nhà khoa học đưa ra bản thiết kế cho các loại vắc xin và phương pháp điều trị tốt hơn để ngăn chặn chủng Delta siêu lây nhiễm. 

Chủ tịch và Giám đốc điều hành tại Viện La Jolla, cho biết: “Hiện chúng tôi có một khuôn mẫu để lựa chọn các loại kháng thể bền vững giúp điều trị COVID-19. Mục đích chính là tìm ra hai kháng thể mạnh có thể được kết hợp thành một liệu pháp giá rẻ cho những bệnh nhân COVID-19 chưa được chủng ngừa, không thể chủng ngừa hoặc gặp nhiễm trùng đột phá sau tiêm vắc xin”. 

Hôm 24/9, WHO khuyến nghị sự kết hợp của các kháng thể đơn dòng trung hòa - casirivimab và imdevimab - được phát triển bởi Regeneron Pharmaceuticals Inc. để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng cao nhất, đồng thời kêu gọi các nhà sản xuất và chính phủ giải quyết tình trạng giá cao, nút thắt trong nguồn cung. 

Tấn Vĩ (theo Native Antigen, WHO, Science)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI