Bệnh nhân tái nhiễm COVID-19 có khiến vắc-xin thất bại?

26/08/2020 - 11:00

PNO - Một bệnh nhân trẻ tái nhiễm COVID-19 sau 4 tháng, cho thấy khả năng miễn dịch đối với SARS-CoV-2 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đặt ra nhiều câu hỏi về vắc-xin chống lại căn bệnh này.

Ca tái nhiễm đầu tiên

Bệnh nhân nam ở Hồng Kông là ca tái nhiễm đầu tiên được xác nhận bởi phòng thí nghiệm. Dù vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng hệ thống miễn dịch của bệnh nhân vẫn nhận diện và chống lại vi-rút.

Ca tái nhiễm ở Hồng Kông cho thấy hệ miễn dịch vẫn duy trì phản ứng với SARR-CoV-2 dù không còn kháng thể - Ảnh: Getty Images
Ca tái nhiễm ở Hồng Kông cho thấy hệ miễn dịch vẫn duy trì phản ứng với SARR-CoV-2 dù không còn kháng thể - Ảnh: Getty Images

Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Kelvin Kai-Wang To - và các đồng nghiệp nói, thế giới không nên lầm tưởng những người hồi phục sau khi mắc COVID-19 là miễn dịch hoàn toàn. Họ vẫn nên được tiêm phòng khi có vắc-xin và cần tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, giãn cách xã hội. Theo báo cáo, người đàn ông 33 tuổi hoàn toàn không biết mình đã nhiễm COVID-19 lần thứ hai. Bệnh nhân này trở về Hồng Kông từ Tây Ban Nha trên một chuyến bay quá cảnh tại Anh. Bệnh nhân có kết quả dương tính khi nhập cảnh tại sân bay Hồng Kông vào ngày 15/8 và được đưa đến bệnh viện để điều trị cho đến khi không còn dấu vết vi-rút. Đáng chú ý, suốt quá trình này bệnh nhân không hề biểu hiện triệu chứng bệnh. Riêng ở lần phát bệnh đầu tiên vào tháng Ba, bệnh nhân bị sốt, ho, đau họng và đau đầu trong ba ngày trước khi hồi phục nhanh chóng.

Trong bài viết chuẩn bị xuất bản trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm lâm sàng của Mỹ, các nhà nghiên cứu khẳng định đây là một trường hợp tái nhiễm chứ không phải do vi-rút còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt là vì chuỗi gen của vi-rút ở lần nhiễm đầu tiên thuộc về một dòng đột biến khác với chuỗi gen ghi nhận ở lần nhiễm thứ hai. 

Tái nhiễm có làm suy yếu khả năng của vắc-xin?

Maria Van Kerkhove - trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới về ứng phó với COVID-19, cho biết trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm 24/8: "Đến nay, thế giới đã có hơn 24 triệu ca nhiễm, và cần xem xét vấn đề tái nhiễm ở cấp độ dân số, bởi ngay cả khi đây là trường hợp tái nhiễm đầu tiên được ghi nhận, mọi thứ đều có thể xảy ra. Với kinh nghiệm từ các căn bệnh hô hấp tương tự ở người trước đây như MERS và SARS-CoV-1, chúng tôi biết rằng bệnh nhân chỉ duy trì phản ứng kháng thể trong một thời gian ngắn và dần suy yếu".

Akiko Iwasaki - nữ giáo sư miễn dịch học tại Đại học Yale (Mỹ) - đưa ra nhận xét về báo cáo trên Twitter: "Bệnh nhân không có kháng thể lúc nhiễm bệnh lần đầu, nhưng dễ dàng phát triển kháng thể ở lần thứ hai. Đồng thời tại lần nhiễm thứ hai, bệnh nhân không có triệu chứng. Điều này cho thấy mặc dù khả năng miễn dịch không đủ để ngăn chặn sự tái nhiễm, nhưng nó đã bảo vệ cơ thể khỏi chuyển biến nặng. Do đó, kết quả này rất đáng khích lệ bởi đó là cách hệ miễn dịch hoạt động (tương tự như nguyên tắc phòng bệnh của vắc-xin)”. Bà Iwasaki nói thêm rằng vì bệnh nhân có thể tái nhiễm, khả năng miễn dịch cộng đồng thông qua con đường lây nhiễm tự nhiên không đủ khả năng loại bỏ COVID-19.

Hầu hết bệnh nhân COVID-19 đều tự sản sinh ra kháng thể để bảo vệ chống lại vi-rút. Kháng thể này là các protein bám vào mầm bệnh và ngăn chúng lây nhiễm sang tế bào, nhưng lượng kháng thể sẽ giảm dần trong vài tháng sau khi nhiễm bệnh, đặc biệt ở ca bệnh nhẹ. Các nhà nghiên cứu cho biết, họ không loại trừ khả năng ở một số người, tiếp xúc vi-rút lần thứ hai sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. 

Tấn Vĩ (theo NY Times, Guardian, Vox)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI