Công ty trong nước sẽ sớm nhập khẩu vắc xin COVID-19 của thế giới?

13/08/2020 - 13:37

PNO - Sau khi Nga thông tin đã sản xuất thành công vắc xin COVID-19, đơn vị nhập khẩu trong nước cho biết đã tiếp cận với các đơn vị thương mại trên thế giới với hy vọng đưa vắc xin ngừa COVID-19 về Việt Nam nhanh nhất.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH - Bộ Y tế) - đã chia sẻ về kế hoạch nhập khẩu vắc xin này về Việt Nam.

Cụ thể, bên cạnh việc nghiên cứu sản xuất vắc xin "made in Việt Nam", VABIOTECH cũng là đơn vị nhập khẩu vắc xin và đã có các ‘‘mối’’ tìm nguồn nhập khẩu vắc xin COVID-19. Công ty đã tiếp cận với các đơn vị thương mại trên thế giới để sớm đưa vắc xin này về Việt Nam nhanh nhất. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều nước cũng liên hệ mua vắc xin của những đơn vị này với giá cao, số lượng lớn, đặt hàng ngay từ khi vắc xin chưa được thương mại hoá.

Mặt khác, công ty sản xuất vắc xin phản hồi hãy ‘‘chờ đợi’’, vì trước tiên, họ cũng đáp ứng cho nhu cầu của người dân bản địa, sau đó mới ưu tiên đến các đơn hàng lớn.

Thông tin về kết quả nghiên cứu vắc xin COVID-19 của VABIOTECH, tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt cho biết, hiện vắc xin "made in Việt Nam" đã tiến hành thử nghiệm trên động vật và cho kết quả ban đầu khả quan. Theo đó, kháng nguyên của vắc xin cho đáp ứng miễn dịch trên động vật, đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, phòng được COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang trong giai đoạn tối ưu hóa quy trình sản xuất để hướng tới mục tiêu có thể sản xuất được với số lượng lớn trong một thời gian ngắn.

“Ở nhiều loại vắc xin khác, quy mô sản xuất thường khoảng mấy triệu liều/năm hoặc 20-30 triệu liều/năm. Nhưng với vắc xin ngừa COVID-19, chúng ta mong muốn mỗi năm có thể cần hàng trăm triệu liều, có những quốc gia còn muốn nhiều hơn nữa” - tiến sĩ Đạt nói.

Thực tế, nhóm nghiên cứu của VAIBIOTECH đang sử dụng công nghệ vector virus. Lợi thế của công nghệ này là có thể nâng được công suất lên nhanh chóng trong thời gian ngắn. Nếu sử dụng công nghệ cũ thì năng suất và hiệu suất thấp hơn vì phải trải qua nhiều bước để nhân chủng, tinh chế, thời gian có vắc xin lâu hơn...

Tuy nhiên, khi nâng công suất lên ở mức độ lớn tới hàng trăm triệu, thậm chí đến cả tỷ liều vắc xin thì đòi hỏi các đánh giá phải rất kỹ. Đó là bài toán khó trong tình huống khẩn cấp như hiện nay, cần tới các nhà cung cấp những thiết bị, kỹ thuật khá mới để nâng quy mô sản xuất.

Tới nay, ông Đạt cũng khẳng định, việc nghiên cứu vắc xin đang đi đúng hướng. “Chúng ta đã đúng khi lựa chọn vùng kháng nguyên của virus. Lựa chọn này là yếu tố gần như quyết định, là nguyên liệu ‘cốt lõi’ cho sản xuất vắc xin, để tạo đáp ứng miễn dịch”.

Theo ông Đạt, bản chất của virus SARS-CoV-2 có khả năng biến đổi. Mức độ lây lan mạnh của đại dịch càng làm tăng mức độ biến đổi của virus. Nhưng đối với vắc xin COVID-19, VABIOTECH đã chọn những vùng gen (kháng nguyên cho sản xuất vắc xin) là những vùng ít biến đổi nhất, khả năng biến đổi ít nhất. Nhờ bản chất di truyền ổn định đó nên vắc xin khi lưu hành cũng có tính ổn định, đảm bảo hiệu quả phòng bệnh. 

“Chúng ta vẫn cùng lúc cả hai tay: nghiên cứu sản xuất để chủ động và tìm kiếm nguồn vắc xin thương mại, với mong muốn có được vắc xin COVID-19 sớm nhất cho người Việt” - ông Đỗ Tuấn Đạt cho hay.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI