Bắt một người Trung Quốc tham gia lừa đảo qua điện thoại

24/08/2014 - 23:34

PNO - PN - Chiều 24/8, Đội 8 Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) - Công an (CA) TP.HCM đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Li Shi Min (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Việc thi hành lệnh khám xét...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chiều cùng ngày, Đội 8 PC46 - CA TP.HCM cũng thi hành lệnh bắt khẩn cấp, lệnh khám xét khẩn cấp đối với Huỳnh Thị Như Mai.

Theo kết quả điều tra ban đầu, trong thời gian sinh sống tại Trung Quốc, Li Shi Min tham gia vào đường dây giả danh các cơ quan pháp luật do một số đối tượng tổ chức nhằm mục đích lừa tiền người Việt Nam.

Theo sự phân công của đường dây, Li Shi Min cùng một đối tượng tên Sán (người Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch) sang Việt Nam gặp gỡ Huỳnh Thị Như Mai (30 tuổi, ngụ TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) để mua hơn 80 thẻ ATM từ nhiều ngân hàng khác nhau. Sau đó, Li Shi Min cung cấp những thẻ này cho đồng bọn để chuyển tiền lừa đảo.

Ngày 20/8/2014, đồng bọn của Li Shi Min gọi điện thoại cho bà T.T.T.C. (47 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) dọa rằng bà liên quan đến đường dây tội phạm do CA và Viện KSND TP.Hà Nội đang điều tra; yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản cơ quan CA để xác minh, nếu xác minh tiền không có nguồn gốc phạm tội sẽ trả lại.

Tin lời, bà C. chuyển 300 triệu đồng vào tài khoản số 19028174839010 mang tên Huỳnh Thanh Phong mở tại Techcombank. Ngay lập tức, các đối tượng lừa đảo rút số tiền này. Quá trình điều tra mở rộng cho thấy số tiền chuyển vào tài khoản số 19028174839010 do ông Huỳnh Thanh Phong đứng tên từ bà C. và những người bị hại khác lên đến hơn 500 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT - CA TP.HCM cũng cho biết đã ra quyết định khởi tố hai vụ án lừa đảo chiếm đoạt tiền qua chiêu thức công nghệ cao.

Theo nội dung vụ án, ngày 19/8, bà L.T.K.N. (49 tuổi, ngụ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh) nhận được điện thoại của một người thông báo, bà nợ tiền cước điện thoại. Người này tiếp tục nối máy để bà N. nói qua điện thoại với một người tự xưng là cán bộ điều tra.

Vị “cán bộ điều tra” này thông báo tài khoản ngân hàng của bà N. có liên quan đến đường dây tội phạm quốc tế, yêu cầu bà N. chuyển tiền trong tài khoản của bà sang tài khoản của cơ quan điều tra để xem xét nguồn gốc số tiền. Chiều cùng ngày, bà N. đã ba lần chuyển với tổng số tiền là 870 triệu đồng vào ba tài khoản mà “cán bộ điều tra” cung cấp. Sau một ngày không thấy tiền được chuyển trả về, phát hiện bị lừa đảo, bà N. đã đến CA địa phương trình báo vụ việc.

Cũng với thủ đoạn tương tự, giữa tháng Tám vừa qua, bà T.T.D.N. (40 tuổi, ngụ đường Phan Tây Hồ, P.7, Q.Phú Nhuận) cũng trình báo CA bị chiếm đoạt 500 triệu đồng. Theo bà N., trong lúc trao đổi với “cán bộ điều tra”, người này nói như thật khiến bà tin tưởng là CA nên đã nhiều lần chuyển tổng số 500 triệu đồng vào bốn tài khoản mà người gọi điện cung cấp.

Thiếu tá Nguyễn Quang Thắng - Phó chánh văn phòng CA TP.HCM cho biết, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo bằng hình thức gọi điện báo nợ cước điện thoại, sau đó chuyển qua cho một người khác tự xưng là cán bộ điều tra, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đã diễn ra nhiều lần tại TP.HCM. CA TP.HCM và CA các quận, huyện đã phát đi nhiều thông báo đến người dân về tình trạng lừa đảo này, nhưng một số người nhẹ dạ vẫn mắc lừa.

 Hải Lăng - Hải Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI