Báo động tình trạng mua bán giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin giả

13/08/2021 - 07:11

PNO - Sau làn sóng mua bán các bộ xét nghiệm và vắc xin COVID-19 giả, giới tội phạm đang chuyển sang bán giấy chứng nhận tiêm chủng giả, cho phép khách hàng gian dối về tình trạng tiêm chủng nhằm đi học, du lịch nước ngoài hoặc làm việc.

COVID-19 đã làm tê liệt thế giới theo nhiều cách nhưng theo các nhà khoa học, vắc xin là cách để ngăn chặn và chấm dứt đại dịch. Tuy nhiên, khi thế giới dần phân chia thành hai nửa, “đã” và “chưa” tiêm chủng, vấn đề giấy chứng nhận tiêm chủng giả cũng dần trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia. 

Theo công ty nghiên cứu an ninh mạng Check Point (Israel), thị trường chứng nhận vắc xin giả đã có sự tăng trưởng trong vài tháng qua. Đáng chú ý, việc giao dịch trái phép này không còn diễn ra một cách bí ẩn, mà công khai trên các ứng dụng, mạng xã hội. Dường như người bán coi Telegram là phương tiện hiệu quả hơn nhiều để phân phối sản phẩm và tiếp cận khách hàng ở quy mô rộng lớn. 

Tình trạng buôn bán thẻ chứng nhận tiêm chủng giả trên thị trường chợ đen quốc tế được cảnh báo đang gia tăng - ẢNH: DOF
Tình trạng buôn bán thẻ chứng nhận tiêm chủng giả trên thị trường chợ đen quốc tế được cảnh báo đang gia tăng - Ảnh: DOF

Bên cạnh đó, phần lớn các chứng chỉ giả đang được bán từ các nước châu Âu, Mỹ, hoặc Anh chỉ vào khoảng 100 USD/chứng chỉ. Các giấy xác nhận xét nghiệm PCR COVID-19 giả cũng được bán tràn lan. Để tìm kiếm khách hàng, những kẻ lừa đảo sử dụng các quảng cáo nhắm đến những người không muốn chủng ngừa, ví dụ như nội dung “chúng tôi ở đây để cứu thế giới khỏi các loại vắc xin độc hại”. Các quảng cáo cũng nêu bật khả năng đi lại và làm việc tự do nhờ sản phẩm giả, cam kết rằng thẻ tiêm chủng này đã được đăng ký và xác minh trong hệ thống giám sát trực tuyến nhiều nước.

Chuyên gia an ninh mạng Carlos Ramirez, hiện làm việc tại Nhật Bản, cho biết, kẻ giả mạo phải có trình độ công nghệ nhất định để giúp chuyển hướng mã QR đến một trang web chính phủ giả. Về lý thuyết, theo dữ liệu mà khách hàng yêu cầu, mỗi sản phẩm giả có thể sở hữu mã QR và thông tin riêng, một nhiệm vụ đầy thách thức nhưng không phải là bất khả thi đối với tội phạm mạng. Để dễ dàng cho người mua, bên bán chấp nhận thanh toán qua PayPal và tiền điện tử (Bitcoin, Monero, Dogecoin, Litecoin, Ethereum…). Trong một số trường hợp, thẻ quà tặng Steam, Amazon và eBay cũng được chấp nhận.

Liad Mizrachi, chuyên gia bảo mật tại Check Point, cho biết, sự bùng nổ của giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 giả được thúc đẩy bởi những chính sách bắt buộc tiêm chủng ở nhiều quốc gia. Việc chuyển sang các nền tảng nhắn tin cho thấy người bán đang cố tình nhắm đến những người mua chưa có kinh nghiệm, ít có kiến thức nhận biết lừa đảo. Hơn nữa, bản chất an ninh kém ở hầu hết các quốc gia và sự thiếu hợp tác quốc tế đã tạo ra thị trường rộng mở cho kẻ gian lợi dụng. Nhiều chứng nhận tiêm chủng vẫn chỉ là tấm giấy in và dễ dàng bị làm giả. Trong nhiều trường hợp, cơ quan kiểm soát biên giới không được trang bị máy quét mã hoặc thậm chí là hạn chế về khả năng đọc hiểu hộ chiếu và chứng chỉ từ các quốc gia khác.

Tại thành phố Mexico City, thủ đô của Mexico, chứng chỉ giả xuất hiện sau chưa đầy một tuần từ lúc chính phủ công bố chương trình phát hành giấy chứng nhận tiêm chủng vào ngày 6/7.

Giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 giả dường như phục vụ cho hai rào cản khác nhau của việc tiêm chủng toàn cầu: sự ngờ vực và thiếu khả năng tiếp cận. Một mặt, những người chưa được tiêm phòng, hoặc những người đã tiêm liều đầu tiên, có thể sử dụng chứng chỉ giả để nhập cảnh vào các quốc gia yêu cầu tiêm đủ hai liều. Mặt khác, họ dễ dàng thay đổi loại vắc xin được liệt kê trên giấy chứng nhận tùy theo yêu cầu của quốc gia nơi đến. Ví dụ, châu Âu chỉ chấp nhận du khách đã tiêm vắc xin Pfizer, Moderna, AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson.

Tại Mỹ, khi biến thể Delta lan rộng, ngày càng nhiều trường cao đẳng, đại học yêu cầu bằng chứng tiêm chủng COVID-19 đối với sinh viên tham gia các lớp học trực tiếp. Dù vậy, cả giảng viên và sinh viên đều bày tỏ lo ngại về thẻ tiêm chủng vắc xin giả. Riêng một số sinh viên chọn Twitter và TikTok làm nơi bày tỏ sự phẫn nộ đối với những sinh viên chọn trả tiền để sở hữu thẻ tiêm chủng giả trong khi họ có thể tiêm vắc xin miễn phí. 

Tấn Vĩ (theo Fortune, ABC, AFP, AP, InSight Crime)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI