"Báo động đỏ" nạn bạo hành nhân viên y tế ở Ấn Độ

14/08/2022 - 07:06

PNO - Tình trạng bạo lực nhân viên y tế ngay tại nơi làm việc ngày càng gia tăng đang khiến các y bác sĩ Ấn Độ lo lắng.

 

Y bác sĩ biểu tình kêu gọi chính phủ có các giải pháp bảo vệ sự an toàn sau hàng loạt vụ tấn công bằng bạo lực nhắm vào đội ngũ nhân viên y tế - Ảnh: Assam Tribune
Y bác sĩ biểu tình kêu gọi chính phủ có các giải pháp bảo vệ an toàn sau hàng loạt vụ tấn công bạo lực nhắm vào nhân viên y tế - Ảnh: Assam Tribune

Ngày 29/3/2022, cô Archana Sharma, bác sĩ phụ khoa tại một bệnh viện tư ở thành phố Dausa (bang Rajasthan) đã treo cổ tự tử sau cái chết của một bệnh nhân khiến người nhà biểu tình phản đối. Trong thư tuyệt mệnh, bác sĩ Sharma còn đề cập đến những lời đe dọa sẽ “xử lý” cô, trong khi bệnh nhân được xác định tử vong do không thể cứu chữa chứ không phải do sai sót của bác sĩ.

Ngày 8/4/2022, một bác sĩ trực ở bang Maharashtra bị người thân của một sản phụ hành hung vì cho rằng, kíp trực đã không đáp ứng các yêu cầu của gia đình cô.

Năm 2021, Seuj Kumar Senapati, một bác sĩ làm việc tại Trung tâm chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở quận Hojai (bang Assam) đã bị người nhà bệnh nhân tấn công dã man sau khi anh không giải quyết việc chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện khác theo yêu cầu của họ. Một đoạn video kinh hoàng về vụ tấn công được lan truyền trên mạng xã hội với cảnh tượng bác sĩ bị xô đẩy, đấm đá và bị tấn công vào đầu bằng gậy gộc.

Gần đây nhất, tháng 6/2022, các bác sĩ nội trú tại Trường cao đẳng Y tế Lady Hardinge đã đình công kêu gọi được bảo vệ sau khi người nhà của một sản phụ kéo đến hành hung các nhân viên y tế công tác tại Bệnh viện nhi Kalawati Saran ở New Delhi vì cho rằng họ đã gây ra cái chết cho cháu bé 5 tháng tuổi.

Các vụ tấn công nhân viên y tế xảy ra trên khắp Ấn Độ ngày càng gia tăng đã khiến Hiệp hội Y tế Thế giới (WMA) phải viết thư cho Thủ tướng Narendra Modi, yêu cầu ông tìm giải pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế của Ấn Độ.

Theo TS. Rajas Deshpande, chuyên gia thần kinh học của Ấn Độ, sự thiếu quan tâm của các thành viên chính phủ là một trong những lý do chính khiến các cuộc tấn công bằng bạo lực nhằm vào nhân viên y tế ngày càng gia tăng.

“Chúng ta cần đảm bảo việc thực thi pháp luật cũng như các chế tài phải được thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ hơn để bảo vệ nhân viên y tế”, TS. Rajas nói.

Các y bác sĩ cho rằng, họ không hề được bảo vệ dù các ca bạo hành nhắm vào họ vẫn không ngừng gia tăng - Ảnh: Jayanta Dey/Reuters
Các y bác sĩ cho rằng họ không hề được bảo vệ và các vụ bạo hành nhắm vào họ vẫn không ngừng gia tăng - Ảnh: Jayanta Dey/Reuters

Mới đây, một yêu cầu được đệ trình lên Tòa án Tối cao nhằm thúc đẩy việc ban hành các đạo luật ngăn chặn các cuộc tấn công vào nhân viên y tế, đảm bảo an toàn và an ninh đầy đủ cho các bác sĩ, bệnh viện và trung tâm y tế trên khắp đất nước. Đây là điều cấp thiết bởi từ lâu nay, Ấn Độ vẫn chưa có luật thống nhất để bảo vệ y bác sĩ.

Cho đến nay, quốc gia Nam Á này vẫn chưa có hệ thống dữ liệu tập trung về số liệu thống kê liên quan đến các vụ bạo hành đối với nhân viên y tế. Theo nhà vận động xã hội Sneha Kalita, một số tổ chức đã cố gắng tổng hợp thông tin về vấn đề này nhưng họ gặp rất nhiều khó khăn do thiếu số liệu thống kê cụ thể từ các cơ quan chính phủ liên quan

Theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hệ thống bệnh viện phải có cơ chế báo cáo các vụ bạo hành liên quan đến đội ngũ nhân viên y tế. Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA) đã nhiều lần yêu cầu chính phủ xem xét giải quyết vấn đề bạo hành y bác sĩ bằng các điều luật cụ thể.

Thế nhưng tình hình vẫn không mấy chuyển biến do Dự luật Y tế Công cộng đã được giới thiệu từ năm 2009, nhưng mãi vẫn không được thông qua vì có nhiều bang phản đối. Chưa kể, dự luật này cũng không phải là một phần của Bộ luật Hình sự Ấn Độ, và vì mỗi bang lại có các điều luật khác nhau dẫn đến sự thiếu thống nhất trong thực thi càng khiến cho tình trạng bạo hành nhân viên y tế không được xử lý và ngăn chặn.

Theo tiến sĩ GS Jaiya, một cựu quan chức y tế Ấn Độ và là chuyên gia từng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, trong đó có cả WHO, thì vấn đề bạo hành nhân viên y tế xảy ra là do một số nguyên nhân như: kỳ vọng của bệnh nhân đối với bác sĩ ngày càng cao, số lượng cơ sở y tế và bác sĩ trong nước không đủ để xử lý số lượng bệnh nhân ngày càng tăng, tình trạng quá tải ở cả bệnh viện công lẫn tư…

Nhân viên y tế là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công cả về thể chất lẫn tinh thần - Ảnh: PTI
Nhân viên y tế là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương do thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công cả về thể chất lẫn tinh thần - Ảnh: PTI

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2019 về chủ đề bạo lực đối với bác sĩ được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Ấn Độ cho thấy, đội ngũ y bác sĩ ở Ấn Độ và các quốc gia châu Á khác phải đối mặt với bạo lực nhiều hơn so với các đồng nghiệp phương Tây.

Theo một cuộc khảo sát do Hiệp hội Y khoa Ấn Độ thực hiện, hơn 75% bác sĩ đã phải đối mặt với bạo lực ngay tại nơi làm việc, và tình hình sẽ vẫn tiếp tục trở nên nghiêm trọng hơn nếu chính phủ không có các giải pháp hữu hiệu để giải quyết.

Nguyễn Thuận (theo Probe, JURIST Legal News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI