Bản sắc đô thị và sự kỳ vọng từ chuyên gia

07/11/2022 - 06:28

PNO - Diện mạo khu trung tâm của TPHCM đã và đang thay đổi. Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM có cuộc trao đổi với phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM; bà Lê Tú Cẩm - Ủy viên Ban Thường vụ Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa TPHCM - và tiến sĩ Quách Thu Nguyệt - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - về những cảm nhận và kỳ vọng trước những đổi thay này.

 

Phóng viên: 8 năm sau ngày khởi công xây dựng nhà ga tuyến tàu điện ngầm (metro), khi đường Lê Lợi được tháo dỡ rào chắn, dáng vẻ hiện tại của tuyến đường này có được như quý ông bà kỳ vọng?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa: Mới đó mà đã 8 năm. Trong 8 năm đó, người dân ở TP.HCM chịu một số bất tiện, du khách mất đi trải nghiệm trọn vẹn khi đường Lê Lợi chỉ toàn rào chắn. Đến nay, khi mọi thứ được mở ra, đầu tiên, tôi thấy vui vì quang cảnh sạch đẹp, thông thoáng. Nhưng với một con đường Lê Lợi còn trơ trọi như hiện giờ, tôi nghĩ cần phải “cấy” thêm nhiều thứ vào đó mới xứng với tầm quan trọng của tuyến đường, ví như đặt thêm hệ thống tượng, ghế ngồi, thiết kế lan can phù hợp, thêm các tiểu cảnh. 

Bà Lê Tú Cẩm: Nhiều lần đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, có lẽ do chưa đứng thật lâu để nhìn ngắm đường Lê Lợi nên tôi chưa thấy gì đặc biệt giữa cái cũ và cái mới. Tôi xin lỗi khi phải nói rằng, tôi chưa có được cảm xúc vui mừng bởi lẽ tôi còn chờ đợi vào tương lai, khi việc chỉnh trang tiếp tục được hoàn thiện. Khi đó, một người lớn lên ở Sài Gòn, cả tuổi thơ gắn với khu vực đường Hàm Nghi, Tôn Đức Thắng như tôi mới biết vui hay buồn.

* Thưa bà Lê Tú Cẩm, cụ thể là bà còn chờ đợi điều gì? 

- Tôi thấy không riêng tuyến đường Lê Lợi mà toàn bộ khu trung tâm của thành phố vẫn còn dang dở, chưa nói lên được đặc thù kiến trúc đô thị của TPHCM. Bây giờ, khi một du khách đến TPHCM, họ khó thấy được điểm nào là đặc trưng, ấn tượng. 

Đường Lê Lợi giờ đây được định hướng như một quảng trường của thành phố và tôi nhớ lại nhiều quảng trường trên thế giới mà mình đã từng đi. Quy hoạch của họ khác với TPHCM. Ở Pháp, Nga, 4 mặt quanh quảng trường được phân định chức năng rõ ràng với một mặt là trung tâm hành chính, một mặt là trung tâm thương mại, còn lại là hai mặt biểu trưng cho hai thiết chế văn hóa như bảo tàng hay nhà hát. Một thành phố bất kỳ bao giờ cũng có những kiến trúc cơ bản, đặc trưng của thành phố đó, tôi rất mong thấy điều này ở khu trung tâm của TPHCM. 

* Thưa ông Nguyễn Minh Hòa, chúng ta cần “cấy” thêm những gì vào quang cảnh hiện có và cần bỏ đi điều gì?

- Tôi đồng ý rằng phải “cấy” nhiều thứ lên con đường Lê Lợi hiện tại, nhưng muốn “cấy” gì vào thì cần phải tính kỹ. Ví như, ngành văn hóa đang có chủ trương đưa tượng Trần Nguyên Hãn về lại trước khu vực chợ Bến Thành sau nhiều năm dời sang công viên Phú Lâm nhưng khu vực này sắp tới sẽ có hàng ngàn người qua lại mỗi ngày để đi tàu điện ngầm. Chưa kể, khu vực chợ Bến Thành lại bị nhiều tòa nhà cao tầng che khuất tầm nhìn nên nếu không suy xét thận trọng, tượng Trần Nguyên Hãn nguyên bản sẽ dễ lọt thỏm giữa không gian công cộng. Khi đó, tượng không những không được tôn vinh mà còn trở nên bé nhỏ, bị khuất lấp. 

Ngành giao thông cũng có chủ trương tái lập bùng binh Cây Liễu trên đường Nguyễn Huệ. Công trình đó cũng phải tính kỹ, bởi nếu xây dựng lớn quá, sẽ trở thành vật cản, che tượng đài Bác Hồ và mặt tiền UBND thành phố, nhưng nếu nhỏ quá thì bị “nuốt” mất. Đó là những bài toán vô cùng khó. 

Theo tôi, nên có một cuộc thi thiết kế tổng thể phố đi bộ khu trung tâm của TPHCM. Không nên chỉ mang tượng về đặt xuống hoặc tái hiện nguyên trạng bùng binh Cây Liễu trong quá khứ mà không xem xét đến việc cảnh quan hiện tại không còn giống ngày xưa. Kiến trúc tổng thể cần sự hài hòa.

* Còn về chủ trương biến khu trung tâm của quận 1 thành đường đi bộ, theo ông, diện mạo vỉa hè, đường sá ở khu vực này đã tương xứng để chuyển đổi mục đích chưa?

- Nếu muốn biến đường Lê Lợi thành đường đi bộ, phải cân nhắc bởi với đường đi bộ, vỉa hè và mặt đường gần như bằng nhau. Do đó, chính quyền phải đưa ra quy định chặt chẽ về việc trưng bày hàng hóa như thế nào để đừng lấn chiếm đường đi của người đi bộ, đừng phô trương và đừng trưng bày quá xấu. 

Còn riêng trục đường đi bộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, kéo đến nhà thờ Đức Bà và dự kiến điểm cuối là khu vực hồ Con Rùa, nếu quyết tâm thực hiện thì cần có sự đồng bộ để có sự liền lạc. Nên có các loại tượng trang trí đặt giữa lòng đường để vừa làm đẹp cảnh quan, vừa giúp phân tách làn đường. Ở nhiều phố đi bộ trên thế giới, họ đặt tượng bằng đồng, bằng đá vô cùng đẹp mắt. Tôi ủng hộ việc dùng tượng trang trí nhưng yêu cầu tượng phải có độ thẩm mỹ. 

Tôi cũng muốn gửi gắm một đề xuất là, nên có công viên được đặt tên liên quan đến Nhật Bản, chẳng hạn như quảng trường Việt - Nhật. Người Nhật đóng góp rất nhiều cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng. 

* Thưa bà, tuyến đường Lê Lợi và diện mạo khu trung tâm hiện tại có cho bà cảm giác thân quen?

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt: Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Dù không phải lúc nào thành phố cũng cho tôi ký ức đẹp nhưng khi thấy đường sá sạch sẽ, tôi luôn vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, tôi vẫn mong, bằng một cách nào đó, hãy biến con đường này thành một phần di sản của thành phố với nhiều trầm tích văn hóa.   

Nói về khái niệm di sản với một con đường thì có vẻ mơ hồ, nhưng thứ làm nên hồn cốt của con đường chính là những công trình hiện hữu, cảnh quan xung quanh. Việc của chúng ta bây giờ là phục hồi những gì đã từng có trên con đường thân thuộc. Hiện ngành chức năng có chủ trương tái lập bùng binh Cây Liễu và vòng xoay Quách Thị Trang. Là một công dân lớn lên ở đây, tôi thấy việc này xác đáng, bởi đó là ký ức của đô thị bao nhiêu năm qua.

Nhìn diện mạo thành phố ngày nay, tôi mừng thầm nhưng vẫn cứ đau đáu câu hỏi làm sao giữ được hồn cốt Sài Gòn - TPHCM nguyên bản nhất? Làm sao kết hợp hài hòa truyền thống và hiện đại để đi trên con đường rộng và đẹp này, người dân thấy sự thân quen, còn du khách nhìn ra được bản sắc? 

Tôi thấy không chỉ lãnh đạo thành phố mà người dân cũng cần chung tay để giữ gìn những gì đã có và hướng đến sự hiện đại, văn minh. 

Diễm Mi (thực hiện)
 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu