Bác sĩ Đại học Y Harvard biểu tình kêu gọi Moderna chia sẻ công nghệ vắc xin cho thế giới

02/10/2021 - 18:43

PNO - Một nhóm các bác sĩ đến từ Trường đại học Y Harvard biểu tình trước nhà riêng của Tổng giám đốc công ty dược phẩm Moderna để kêu gọi chia sẻ công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19 cho thế giới.

Một nhóm gồm 15 bác sĩ đến từ Trường đại học Y Harvard đã tổ chức một cuộc tuần hành ngay bên ngoài nhà riêng của ông Stéphane Bancel, Tổng giám đốc công ty dược phẩm Moderna ở thành phố Boston, tiểu bang Massachusetts (Mỹ) nhằm thúc giục công ty này chia sẻ công nghệ sản xuất vắc xin của mình cho thế giới.

 

Tiến sĩ Joia Mukherjee thuộc trường Đại học Y Harvard phát biểu bên ngoài tư gia của Tổng giám đốc công ty Moderna - Ảnh: Independent
Tiến sĩ Joia Mukherjee thuộc Trường đại học Y Harvard phát biểu bên ngoài tư gia của Tổng giám đốc công ty Moderna - Ảnh: Independent

Trước đó, nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ngay tại trụ sở chính của công ty này, nhưng đây là lần đầu tiên những người biểu tình "viếng thăm" tư gia của lãnh đạo cao nhất Moderna.

Moderna từng tuyên bố sẽ không sẵn sàng thực hiện việc này khi đại dịch vẫn đang tiếp tục diễn ra.

“Chúng tôi đang kêu gọi mọi người cùng lên tiếng yêu cầu họ chia sẻ công nghệ cho những quốc gia có đủ điều kiện để sản xuất vắc xin”, Tiến sĩ Joia Mukherjee nói, đồng thời liệt kê tên một số nước mà bà cho là có thể sản xuất được vắc xin Moderna như: Nam Phi, Rwanda, Senegal và Peru.

Theo bà Mukherjee, Công ty Moderna phải có trách nhiệm chia sẻ công nghệ sản xuất vắc xin của mình cho các nước khác, bởi họ đã được “bơm” ngân sách từ chính tiền thuế của người dân Mỹ để phát triển vắc xin. Đây cũng là cơ sở để Tổng thống Joe Biden có thể yêu cầu Moderna thực hiện điều này nhằm thể hiện trách nhiệm của nước Mỹ với thế giới trong việc chống lại đại dịch.

Trong Hội nghị thượng đỉnh COVID-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức hôm 22/9, ông Biden tuyên bố sẽ tăng gấp đôi số lượng các liều vắc xin Pfizer để chia sẻ cho các nước nhằm góp phần thực hiện mục tiêu 70% dân số thế giới (khoảng 7.9 tỷ người) sẽ được tiêm vắc xin vào năm 2022.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ KJ Seung từ Trường đại học Y Harvard thì những cam kết trên của nhà lãnh đạo Mỹ “chỉ mang tính chất quảng cáo cho sản phẩm của nước Mỹ, hơn là đối mặt với thực tế khi đại dịch càn quét khắp toàn cầu”.

“Hàng triệu người đang phải chết vì dịch bệnh chỉ vì họ sống ở một nơi không phải là nước Mỹ”, các bác sĩ cảnh báo, “Chúng ta có công nghệ. Và việc chia sẻ công nghệ sẽ giúp cứu sống được nhiều người”.

Nguyễn Thuận (theo Independent, Newsweek)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI