Bắc Ninh, Bắc Giang sau những ngày vượt qua tâm dịch

09/07/2021 - 07:31

PNO - Các địa phương đang thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Song, tại nhiều khu dân cư của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, các hoạt động của đời sống vẫn đang trong tinh thần cảnh giác, đề phòng cao độ.

Trong hai tháng Năm và Sáu, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh là tâm dịch COVID-19 của cả nước với những ca nhiễm liên tục được phát hiện trong cộng đồng và các khu công nghiệp, nhà máy. Đến nay, lệnh giãn cách tại nhiều địa phương của hai tỉnh đã được nới lỏng; nơi theo Chỉ thị 19, nơi theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương đang thực hiện nhiệm vụ kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Song, tại nhiều khu dân cư của tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, các hoạt động của đời sống vẫn đang trong tinh thần cảnh giác, đề phòng cao độ.

Kinh doanh, buôn bán dè chừng

TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) từng là điểm nóng về dịch COVID-19 trong đợt bùng phát dịch thứ tư. P. Vân Dương của thành phố nằm kề khu công nghiệp, dân số của phường chỉ 8.000 nhân khẩu nhưng có đến 30.000 công nhân thuê trọ. Đợt bùng dịch lần thứ tư, P. Vân Dương có hơn 400 người phải cách ly y tế và hơn 17.000 công nhân phải tự cách ly tại nhà trọ.

Lực lượng chức năng vẫn đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở xã Nghĩa Trung - địa phận giáp ranh giữa TP.Bắc Giang và H.Tân Yên
Lực lượng chức năng vẫn đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở xã Nghĩa Trung - địa phận giáp ranh giữa TP. Bắc Giang và H.Tân Yên

Đến nay, song song với việc tiếp tục phát triển kinh tế của phường là đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho hàng vạn công nhân đang thuê trọ tại đây. Sau hai tháng tập trung nguồn lực ứng phó với dịch bệnh, đến nay TP. Bắc Ninh đã chuyển sang trạng thái giãn cách theo Chỉ thị 19. Nhiều hoạt động đã trở lại sau những ngày dài phong tỏa.

Sau hơn một tháng vượt cạn, chị Nguyễn Thị Huyên (37 tuổi) mới có thể đi làm thủ tục khai sinh cho con. Chị Huyên sinh con đúng những ngày COVID-19 xuất hiện ở khu Lãm Làng - nơi gia đình chị đang sinh sống. Chị buộc phải chờ dịch bệnh tạm lắng mới đi làm khai sinh được cho con. Chị Huyên cười bảo: Tình hình COVID-19 ở TP. Bắc Ninh được đẩy lùi đã là mừng lắm. Đăng ký khai sinh muộn cho con, nhưng bù lại, mẹ con chị được ở cữ trọn vẹn, con khỏe, mẹ cũng hồi phục nhanh hơn.

Dãy phố khu Lãm Trại đã hoạt động trở lại, song các cửa hàng còn khá dè dặt. Gian photocopy, in ấn, chụp ảnh của vợ chồng anh Tĩnh, chị Hiền; cửa hàng sửa chữa xe máy, xe điện Bình An; cửa hàng điện thoại của anh Tuấn Phúc đều không kéo hết cửa xếp. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết bán đồ ăn sáng, nhưng phải đóng cửa hai tháng qua để phòng dịch COVID-19. Khi thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 19, quán ăn sáng đã chuyển sang bán nông sản và nước mía. Các biện pháp giãn cách đã được nới dần nhưng chị vẫn chưa thấy an toàn để tính đến việc hoạt động lại hàng ăn sáng. Vợ chồng vẫn xoay xở với sạp rau khiêm tốn và chiếc máy ép nước mía để sinh nhai qua ngày. 

Chị Nguyễn Thị Thanh, công nhân trọ tại khu Lãm Làng rất phấn khởi vì đã được trở lại nhà máy làm việc. Qua điện thoại, giọng chị hồ hởi: “Những ngày chống dịch, tình nguyện viên là các đoàn viên thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… của P. Vân Dương vẫn giúp chúng tôi mua nhu yếu phẩm. Gia đình nào, phòng trọ nào cần gì thì viết ra giấy đưa cho các tổ COVID cộng đồng rồi nhận đồ ngay tại phòng trọ. Tôi chuyển hẳn vào nhà máy, sản xuất và ăn ngủ tại chỗ. Được đi làm lại sau những ngày dài tự cách ly tại nhà trọ, các chị em trong tổ của tôi đều vui lắm”.

Tâm dịch Quang Châu vẫn đề cao cảnh giác

H. Việt Yên (tỉnh Bắc Giang) nói chung và xã Quang Châu nói riêng đã chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID-19 từ cách ly xã hội sang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Quang Châu trở thành tâm dịch. Quang Châu rộng khoảng 9km2, có đến 10.000 nhân khẩu và 20.000 công nhân thuê trọ.

Nhịp sống của người dân P.Vân Dương, TP.Bắc Ninh khi thực hiện Chỉ thị 19
Nhịp sống của người dân P. Vân Dương, TP. Bắc Ninh khi thực hiện Chỉ thị 19

Một tuần sau khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, hầu hết các thôn Quang Biểu, Nam Ngạn, Núi Hiểu… của xã vẫn đang “án binh bất động”; ngõ xóm im lìm, nhà nhà đóng cửa; nhiều hộ gia đình ở thôn Nam Ngạn vẫn còn căng dây hạn chế ra vào. Các điểm trường trước đây phải trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 đang dần thu hẹp lại - dồn về điểm cách ly tập trung tại Trường tiểu học Quang Châu ở thôn Đạo Ngạn.

Nhà ở ngay trục đường chính thôn Nam Ngạn, mặt tiền lớn, diện tích rộng nên gia đình anh Trường, chị Hương vừa bán tạp hóa, vừa bán hàng ăn, lại vừa cho thuê phòng trọ khép kín. Song đã hai tháng nay, toàn bộ hoạt động đều dừng lại để phòng, chống dịch. Cả khi nới lỏng giãn cách đã được một tuần, sáu cánh cửa vẫn hầu như đóng suốt. Ở thôn Quang Biểu, cửa hàng làm tóc của chị Quỳnh Chi cũng hoàn toàn đóng cửa suốt hai tháng nay. Qua điện thoại, chị Chi cho biết, dù nới lỏng, nhưng tinh thần phòng, chống dịch và sinh hoạt của bà con trong thôn vẫn cẩn trọng không khác khi thực hiện Chỉ thị 16. Ngay cả những hộ buôn bán, chạy chợ trong thôn, dù được hoạt động lại nhưng đại đa số vẫn ở nhà, hạn chế đi lại.

Anh Nguyễn Văn Công, Bí thư Đoàn xã Quang Châu, cho biết: “Tất cả thôn của xã đều đang cẩn trọng, cảnh giác để phòng, chống dịch COVID-19. Hiện nay, ngoài hoạt động của khối ủy ban, các cấp chính quyền; thì chỉ có việc thu dọn các điểm trường trước đây được trưng dụng làm khu vực cách ly tập trung để tiến hành vệ sinh, khử khuẩn chuẩn bị cho các cháu bước vào năm học mới”.

Tăng tốc thực hiện nhiệm vụ kép

Hơn hai tháng gồng mình chống dịch, H. Việt Yên đã chịu nhiều tác động về kinh tế - xã hội. Sau khi nới lỏng giãn cách, huyện đã thực hiện nhiệm vụ kép: vừa khôi phục sản xuất, vừa phòng, chống dịch. Thời điểm này, nhiều công trình xây dựng cơ bản phục vụ cả đời sống dân sinh và dự án tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng đã được tái khởi động. Dự án hạ tầng khu dân cư Dục Quang (thị trấn Bích Động) có diện tích 7,2ha đã bị chậm so với tiến độ. Giữa trưa nắng, ông Đặng Đình Tứ, đại diện đơn vị thi công vẫn đang kiểm tra các hoạt động ở công trường. Ông Tứ cho biết, công ty đã bố trí làm việc ba ca/ngày, các công nhân làm việc thay phiên để cố gắng bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng Chín. 

Tại xã Quang Châu, dự án khu đô thị Bắc Đồng Vân cũng đã hoạt động trở lại. Xe lu, máy ủi đang “cần mẫn” chạy đi chạy lại để sớm giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Văn Thuận, đại diện đơn vị thi công, cho biết hiện nay, công ty đang đẩy nhanh việc đắp nền, chờ lún, gia tải nền đường; hệ thống cống và hoàn thiện mặt đường cũng đang được tăng tốc. Ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng H.Việt Yên, nói: “Trong thời gian dịch bệnh, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các nhà thầu để bàn bạc, làm sao khi thi công trở lại sẽ có những giải pháp vừa đảm bảo được tiến độ như kế hoạch vừa đảm bảo được chất lượng kỹ thuật. Chúng tôi đã và đang huy động cả nhân lực, máy móc và vật liệu”.

Một tuần sau khi H. Việt Yên chuyển sang thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã làm việc với Ban Qquản lý các khu công nghiệp và H. Việt Yên về việc thực hiện mô hình nhà trọ an toàn. Lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp khảo sát tại khu vực từng là tâm dịch của tỉnh - Núi Hiểu, xã Quang Châu. Tại một doanh nghiệp ở xã Quang Châu có hơn 10.000 công nhân, nơi lưu trú tại chỗ cho công nhân và bếp ăn phục vụ công nhân đã được vận hành. Ký túc xá dã chiến của đơn vị này đang phục vụ cho hơn 40% lao động trở lại hoạt động. H. Việt Yên cũng đã rà soát khoảng 1.700 nhà trọ với gần 30.000 phòng trọ ở một số xã xung quanh khu công nghiệp. Hơn 270 nhà trọ với hơn 15.000 phòng trọ cũng đã được cơ quan chức năng thẩm định. 

Song, tỉnh Bắc Giang nói chung và H.Việt Yên nói riêng cũng đang gặp khó khăn khi cả huyện mới chỉ có khoảng mười doanh nghiệp ký hợp đồng thuê nhà trọ với trên 3.000 chỗ ở cho công nhân; trong khi những ngày tới, số lượng công nhân đi làm trở lại sẽ tăng nhanh. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI