Ba chết nhát, mẹ liều mạng?

21/08/2020 - 05:49

PNO - Tóm lại, con cái ngoài nhiệm vụ học hành và làm việc nhà, thì còn phải thêm việc hòa giải, dập lửa...

Chú Ti Vi ơi,
Nhà cháu đang rất “nóng” chú ơi. Cách đây một tuần, mẹ cháu và em cháu đi du lịch về bị ba cháu mắng thậm tệ. Ba nói mẹ cháu “ngu”, mùa dịch ham giá rẻ, ham chơi… có khi mang vi-rút về nhà.

Mẹ cháu đi chơi Phú Yên, nhưng ba cháu vẫn khăng khăng không thể nào biết dịch ở đâu cả, nhỡ F0 ở Phú Yên thì sao.

Ba cháu rất có trách nhiệm với gia đình, thu nhập phần lớn là từ ba cháu nên ba cháu phản ứng dữ dội; ba đã can mẹ không đi du lịch mà mẹ vẫn đi, đúng lúc mẹ về thì dịch bùng phát, ba lại càng phát điên. 

Giờ ba cháu không nói chuyện với mẹ cháu, cấm không cho mẹ tiếp xúc với bà nội già yếu, việc ăn uống của bà đã có cô giúp việc lo.

Mẹ cháu thì nói ba cháu chết nhát, có khi không chết vì COVID-19 mà chết vì sợ.
Cháu học năm nhất đại học chẳng biết hòa giải ba mẹ thế nào cho gia đình ấm êm cùng chung tay phòng, chống dịch. 

Chú giúp cháu nhé! 

Cháu Hoang mang 

Ảnh minh họa
Mẹ cháu vẫn cùng em cháu đi du lịch. Ảnh minh họa

Cháu Hoang mang thân mến,
Thú thật với cháu là chú hiện rất chán khi phải bàn về dịch COVID-19, vì ai cũng nói về nó một ngày ít nhất ba lần. Khi nói về COVID-19 lại cũng lắm phe ý kiến, hệt như nhà cháu ấy.

Người thì bảo chơi cả đời rồi, giờ nhịn một tí cho dịch nó qua đi không được sao, rắc rối do COVID-19 gây ra là rắc rối liên lụy đến cả gia đình, khu phố, rồi có khi lại còn lên báo.

Người thì nói, ôi giời ơi, sợ thế thì cũng ngang với việc đi xe máy vì đi xe thì có tỷ lệ gặp tai nạn/gây tai nạn, cũng ảnh hưởng liên lụy người khác, rồi có khi cũng bị lên báo, và ngồi tù.

Một luồng nữa trung tính hơn, bảo thôi thì cũng phải sống chứ, kẻo chưa chết vì bệnh đã chết vì ngưng trệ, vì đói; vả lại người lao động vẫn phải bươn bả kiếm sống thì ta cũng nên chung tay giúp họ, chứ cứ thu lu lại với cái tủ lạnh tích trữ đủ cho cả tháng không phải ra ngoài thì người lao động lấy gì mà sống?

Ai nói cũng có phần lý phải không cháu? Nhưng quay về với gia đình cháu, vấn đề nổi bật ở đây là thái độ gia trưởng của ba cháu đối với mẹ cháu cũng như thái độ “thiếu hợp tác” của mẹ cháu đối với ba cháu. Cả hai người trong cư xử vụ này đều có phần quá đáng, giá bớt đi, nhường nhau một chút thì người muốn an toàn vẫn được an tâm, người muốn đi chơi vẫn không hậm hực khi phải ngồi nhà.

Và nổi lên trên hết là thái độ của cháu. Năm thứ nhất đại học nghĩa là 18 tuổi rồi, bằng tuổi ấy nhiều bạn đã phải bươn chải ra đời, ngày ngày buôn bán đối diện với hàng trăm cá tính người dưng mà vẫn xoay xở được. Còn cháu sống trong nhà suốt chừng đó năm với ba mẹ, tính ai thế nào mình cũng biết cả, mình lại có thế mạnh là con, có bị mắng lúc này thì lúc sau đã được tha ngay.

Ba cháu rất lo lắng, trong khi mẹ cháu lại chủ quan. Ảnh minh họa
Ba cháu rất lo lắng, trong khi mẹ cháu lại lạc quan. Ảnh minh họa

Nên cháu đừng ngại gọi ba ra tâm sự riêng, rằng ba nên độ lượng mà bỏ qua chuyện này, đừng làm gia đình thêm căng thẳng, mà ba cũng mang tiếng là người chuyên bắt nạt.

Cháu cũng nên gọi mẹ ra riêng nói thôi mẹ đừng “chấp” ba, đừng nói ba nhát không ba lại cáu, không khí trong nhà nặng nề hơn. Nếu ba lo quá thì cháu cứ đưa mẹ đi xét nghiệm, có kết quả âm tính rồi thì ba chắc cũng đỡ cằn nhằn.

Tóm lại, con cái ngoài nhiệm vụ học hành và làm việc nhà, thì còn phải thêm việc hòa giải, dập lửa. Nhiều khi mình phải xông pha chịu “ăn đạn” chút, để bố mẹ có cớ mà xuống nước với nhau. 

Xong hết rồi, nếu mẹ đã “âm tính”, đã không mua thêm tour mới, đã lại chăm cho bà nội già yếu, đã không giễu ba là “chết nhát” nữa mà ba vẫn giận mẹ thì sao? À, thì đó lại là một câu chuyện khác nghiêm trọng hơn, khi đó chú cháu mình bàn tiếp.

Chú Ti Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI