Ai cũng giành xin lỗi

07/09/2021 - 10:23

PNO - Ai đó từng nói rằng, hãy nói ít đi một lời xin lỗi và nhiều hơn một lời cảm ơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Hôm nọ, tôi xem một đoạn clip chương trình Quà tặng cuộc sống trên YouTube. Câu chuyện mở đầu bằng cuộc cãi vã của đôi vợ chồng trẻ. Sau một hồi “tranh công đổ lỗi” căng thẳng, người chồng tức giận bỏ ra ngoài. 

Đi ngang nhà hàng xóm, anh nghe rôm rả tiếng nói cười. Đúng lúc ấy, trong nhà bỗng vang lên tiếng đổ vỡ, do bà mẹ chồng trong lúc soạn bát đũa chuẩn bị dọn cơm thì tuột tay làm rơi chiếc chén. 

Người con dâu đang bày biện thức ăn liền chạy tới hỏi han. Bà mẹ vội vàng xin lỗi, nói do bà không cẩn thận. Con dâu dịu dàng đáp lại, rằng đó là lỗi của cô, đáng ra cô phải giúp bà. Cùng lúc đó, anh con trai bước vào nhận lỗi là do anh đặt kệ bát cao quá. Gia đình họ ai cũng nhận lỗi, nên cuối cùng thì không một ai có lỗi. 

Xem video, tôi đồng cảm sâu sắc, bởi chuyện nhà mình cũng đáng yêu y chang vậy.

Ngày mới về làm dâu, tôi gặp một sự cố dở khóc dở cười. Nhà chồng có mấy cây vú sữa lâu năm đang vào mùa sai trĩu quả, bố mẹ chồng ngày nào cũng hái để sẵn cho con cháu ăn. Bữa đó, mẹ chồng dậy sớm trẩy một rổ vú sữa to đều, có cuống lá rất đẹp, rồi bà tranh thủ đi chợ. Tôi trở dậy, thấy quả ngon liền ăn một lúc hai, ba quả. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Chị hàng xóm đi ra đồng đổ rọ được mớ cá rô, vào nhà tôi bán, tôi hào phóng mời chị ăn, lại còn cho thêm một ít mang về cho sắp nhỏ. 

Mẹ chồng đi chợ về, tôi mới hay rổ trái cây đó là bà chuẩn bị để cúng rằm. Tôi bối rối, cuống quýt xin lỗi. Bố chồng liền phân trần, nhận lỗi sai là ở ông, vì mẹ có dặn lại, mà ông quên không nói lại cho tôi. Nghe thế mẹ chồng cười xòa, bảo tại bà sơ ý, đồ cúng đáng lý phải mang lên nhà trên. 

Lần khác, mẹ chồng tôi kỳ công làm món chả tôm. Khâu xử lý nguyên liệu nào bóc vỏ, ướp, xay… mất cả tiếng đồng hồ. Trong lúc xay tôm, mẹ chỉ chỗ, nhờ bố lấy hộ gói bột mì múc bỏ vào một lượng nhất định.

Mọi thứ xong xuôi, chuẩn bị chiên chả, mẹ chợt ngớ người khi thấy túi bột mì không nằm ở chỗ ban nãy chỉ cho bố. Hốt hoảng tìm xem thứ vừa đem bỏ vào tôm khi nãy, hóa ra là… bột nếp. Thấy mẹ có phần bực bội, bố rối rít xin lỗi vì sự vô ý của mình. Lẽ ra khi mở túi bột, bố phải nhìn kỹ bao bì xem có đúng là thứ mình cần không, đằng này…

Mẹ tôi, rất nhanh đã điều chỉnh lại tâm trạng, bà bảo: “Trong lỗi của anh có lỗi của em. Em là người “chỉ điểm” cho anh lấy bột, em cũng sai khi không để tâm mà”. Nói xong, mẹ vui vẻ tạo hình chả, bố căn lửa chiên, chẳng ai nhắc hay chê trách gì về sai sót của ai nữa. 

Gần ba năm trước, chồng tôi hào hứng bày tỏ mong muốn mở quán ăn. Mặt bằng được người quen hỗ trợ với giá rẻ, có đầu bếp “xịn” hợp tác, anh lại nhiều mối quan hệ bằng hữu, anh tự tin việc làm ăn sẽ tốt. Tuy có chút nghi ngại, vì chồng tôi quá thật thà.

Song tôi nghĩ, cũng nên tạo cơ hội để anh thực hiện niềm đam mê ấp ủ bấy lâu. Thà là cứ vừa đi vừa sợ, còn hơn chỉ đứng một chỗ và sợ. Tiền tiết kiệm cộng với khoản vay ngân hàng gần 300 triệu, là toàn bộ vốn liếng tôi gom góp đưa hết cho chồng… khởi nghiệp. 

Khai trương quán xong, hai tháng đầu khách tới ủng hộ đều, thu đủ chi, có lãi. Nhưng rồi đầu bếp vì một vài mâu thuẫn nhỏ mà bỏ ngang, không làm nữa. Thời gian đó lại đúng dịp cơ quan chồng có nhiều đầu việc lớn, anh bận túi bụi nên không quán xuyến được.

Mỗi lần tìm thay đầu bếp là lại điều chỉnh món theo sở trường của họ, khẩu vị thay đổi, quán dần mất khách. Hoạt động cầm chừng và phải bù lỗ để trả lương nhân viên cả nửa năm trời. Rồi dịch COVID-19 bùng phát khiến việc làm ăn ngày càng khó khăn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chồng tôi tiếc công sức, tiền bạc đã đầu tư, nên cứ cố. Hậu quả là thêm khoản nợ hơn trăm triệu đồng nữa. Tôi thuyết phục chồng đóng quán, vì nếu cứ tiếp tục thì nợ càng chồng nợ, khó lòng cứu vãn. 

Anh buồn bã và tự trách mình cả tháng trời. Tôi nói với chồng: “Thất bại nào cũng có giá trị. Chí ít thì anh đã biết rằng, việc kinh doanh không hề dễ dàng. Điều quan trọng nhất là anh đã dám nghĩ, dám nỗ lực thực hiện, để sau này không phải trăn trở, tiếc nuối vì không được làm điều mình muốn nữa”. 

Sống với cha mẹ chồng, chứng kiến cách ông bà xử lý tình huống mềm mỏng, khéo léo, tôi cũng dần học được cách điều chỉnh hành vi, cảm xúc của chính mình để giữ hòa khí gia đình. Bây giờ, hằng tháng vẫn đang góp tiền trả nợ, nhưng không khi nào vợ chồng tôi nặng lời với nhau.

Ai đó từng nói rằng, hãy nói ít đi một lời xin lỗi và nhiều hơn một lời cảm ơn, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn.

Nhưng với gia đình tôi, những lời nhận (xin) lỗi không chỉ là nhận trách nhiệm, mà còn thể hiện sự bao dung, thấu hiểu, cùng nhau học cách chấp nhận. Việc không ai tranh công đổ lỗi khiến cả nhà chúng tôi luôn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm vui sống. 

Mai Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI