92% cư dân Hàn Quốc không muốn người ngoại quốc trở thành người nhà

19/07/2025 - 09:29

PNO - Phần lớn người dân Hàn Quốc sẵn sàng đón nhận người nhập cư làm hàng xóm, bạn bè, nhưng lại không muốn họ trở thành người nhà.

Người nước ngoài dạo phố ở Busan, Hàn Quốc trong ngày 8/7 - Ảnh: Yonhap
Người nước ngoài dạo phố ở Busan, Hàn Quốc trong ngày 8/7 - Ảnh: Yonhap

Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc (KIHASA) đã khảo sát hơn 3.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi 19 - 74 về mức độ cởi mở của họ đối với người nhập cư, được định nghĩa là những người từ các quốc gia khác đến sống tại Hàn Quốc bằng thị thực dài hạn.

Kết quả, 38,7% số người được hỏi cho biết sẵn sàng chấp nhận người nhập cư làm hàng xóm. 30,51% cho biết đồng ý với việc có người nhập cư làm đồng nghiệp, 18,35% cho biết người nhập cư có thể trở thành bạn thân.

Tuy nhiên, chỉ có 8,37% nói rằng họ sẵn sàng để người nhập cư trở thành vợ/chồng hoặc thành viên gia đình.

Cuộc khảo sát này là một phần trong báo cáo của KIHASA về sự khác biệt giữa các thế hệ trong việc chấp nhận người nhập cư và định hướng cho những chính sách liên quan.

Nhóm thanh niên (19 - 34 tuổi) nhìn chung ít phản đối người nhập cư hơn các nhóm tuổi khác: chỉ 2,59% cho biết không thể chấp nhận người nhập cư trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Con số này thấp hơn đáng kể so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác, bao gồm 7,49% ở người cao tuổi (65 tuổi trở lên), và mức trung bình chung là 4,07%.

Thế nhưng đại đa số, ngay cả nhóm trẻ tuổi hơn, cũng tỏ ra miễn cưỡng khi kết hôn với người nhập cư hoặc để người đó gia nhập gia đình mình - chỉ 8,61% người trẻ cho biết sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này.

Người trung niên (35 - 64 tuổi) cởi mở hơn một chút với việc kết hôn với người nhập cư (9,13%).

Trong khi hơn một nửa số người cao tuổi (57,89%) cho biết họ hoàn toàn ổn với việc có hàng xóm là người nhập cư, chỉ 5,05% sẵn sàng chấp nhận người nhập cư bước vào gia đình.

"Nhóm người cao tuổi thể hiện thái độ kép đối với người nhập cư: cởi mở với họ trong cuộc sống hàng ngày cùng sự tiếp xúc hạn chế, nhưng từ chối xây dựng các mối quan hệ thân thiết hoặc gần gũi về mặt tình cảm" - các nhà nghiên cứu nhận xét.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy người Hàn Quốc cởi mở hơn nhiều với người nhập cư lưu trú tại đây bằng thị thực dài hạn thông thường so với người tị nạn.

Chưa đến 2% số người được hỏi ở các nhóm tuổi thể hiện sự phản đối người nhập cư có thường trú, nhưng sự bất đồng tăng lên khi họ trả lời cùng một câu hỏi về người tị nạn.

Khoảng 29,57% người cao tuổi cho biết không muốn chấp nhận người tị nạn, tiếp theo là 19,27% người trung niên và 15,86% trong nhóm thanh niên.

Tỉ lệ những người sẵn sàng coi người tị nạn là thành viên gia đình hoặc vợ/chồng là dưới 3% ở tất cả các nhóm tuổi, 10,88% nhóm thanh niên cho biết có thể chấp nhận người tị nạn là bạn thân - cao nhất trong cả 3 nhóm tuổi.

Linh La (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI