350 "ông đồ", "bà đồ" 3 miền hội ngộ

23/11/2024 - 13:01

PNO - Họ không ngại đường xa đến TPHCM để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau, cho chữ nhân dịp kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Ông đồ cho chữ tại sự kiện vào sáng 23/11, tại quận 8, TPHCM
"Ông đồ" cho chữ tại sự kiện vào sáng 23/11, tại quận 8, TPHCM

Sáng 23/11, chương trình kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XIX (23/11/2005 - 23/11/2024) diễn ra tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 8, TPHCM.

Tại đây đã diễn ra triển lãm thư pháp với hàng trăm tác phẩm được 350 nghệ nhân thư pháp ở 3 miền mang đến.

Anh Trần Hồng Lĩnh - Chủ nhiệm CLB Nghệ thuật dân gian thư pháp quận 8 (thành viên Ban tổ chức) - cho biết việc quy tụ 350 người cũng không hề dễ dàng, phải chuẩn bị từ cách đây 3 tháng.

5 "ông đồ": Phạm Hà Linh (Hà Nội), Ngọc Dũng (Gia Lai), Nguyên Tiêu (TPHCM), Cung Trường (An Giang), Hoàng Phong (Nha Trang) đã cùng biểu diễn trên sân khấu mang đến bức thư pháp khổ lớn với dòng chữ “nét bút đồng tâm” ngụ ý về sự đồng lòng, đoàn kết để đưa nghệ thuật thư pháp ngày càng phát triển.

Họ không có thời gian tập luyện trước đó nhưng vẫn phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý. Thông qua sự kiện này, Ban tổ chức mong muốn tiếp tục lan tỏa vẻ đẹp, giá trị của nghệ thuật thư pháp nhằm giữ gìn, phát huy trong tương lai.

Bức thư pháp khổ lớn do 5 ông đồ của 3 miền thực hiện
Bức thư pháp khổ lớn do 5 "ông đồ" của 3 miền thực hiện

* 5 "ông đồ" biểu diễn thư pháp:

Tại đây, các "ông đồ" cũng cho chữ cho người dân tham gia sự kiện, với ngụ ý về những điều tốt lành, may mắn trong cuộc sống. "Ông đồ" Cung Trường cho biết anh đã theo đuổi thư pháp được 12 năm, sinh sống bằng công việc này. Anh có thu nhập ổn định nhờ bán tranh qua mạng xã hội, mở lớp đào tạo, đến nay có hơn 400 học trò.

Anh cho biết thời gian đầu theo đuổi môn này khá khó khăn, nhưng vì đam mê nên cố gắng. Anh chủ động đi truyền dạy ở trường, cho chữ ở các chùa nên dần được mọi người biết, yêu mến. Đặc biệt, Cung Trường đã từng tham gia biểu diễn thư pháp trên sân khấu với nhiều nghệ sĩ lớn.

Còn "ông đồ" Nguyên Tiêu gắn bó với thư pháp 20 năm, xem đây là niềm vui trong cuộc sống, bởi anh làm công việc chính là thiết kế. Anh nói thấy vui mừng vì được cộng đồng yêu mến, học thư pháp ngày càng đông đảo, trong đó có nhiều người trẻ để tiếp tục giữ gìn nét văn hoá đặc sắc này.

Nghệ nhân thư pháp Trần Hồng Lĩnh chuẩn bị cho việc khai ấn
Nghệ nhân thư pháp Trần Hồng Lĩnh chuẩn bị cho việc khai ấn

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín - Trưởng Bộ môn Việt Nam học, Trường đại học Tôn Đức Thắng - nhận định thư pháp có ý nghĩa quan trọng trong văn hoá nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh chữ Hán thì sau này thư pháp Việt Nam phát triển mạnh với chữ quốc ngữ.

Trong cuộc triển lãm, giao lưu thư pháp Việt Nam - Nhật Bản diễn ra cách đây không lâu, phía nước bạn đánh giá rất cao thư pháp chữ Latin, mang lại sự thích thú cho họ. Qua giai đoạn thoái trào, nghệ thuật thư pháp đang có sự khởi sắc trở lại.

Trong sự kiện này còn có biểu diễn đờn ca tài tử, âm nhạc truyền thống.

Sự kiện thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ
Sự kiện thu hút quan tâm của các bạn trẻ
Cận cảnh một vài tác phẩm thư pháp ấn tượng
Cận cảnh một vài tác phẩm thư pháp ấn tượng trung bày tại triển lãm
Ông đồ Mai Đức Cường đang cho chữ cho một vị khách
"Ông đồ" Mai Đức Cường đang cho chữ cho một vị khách

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI