3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân COVID-19 đã âm tính nay dương tính trở lại

25/04/2020 - 14:43

PNO - Tại sao có những người lành mang virus SARS-CoV-2 nhưng không biểu hiện gì; còn người bệnh đã âm tính nay dương tính trở lại? Điều này có gì bí ẩn?

Nhân viên y tế thực hiện khai báo và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Nhân viên y tế thực hiện khai báo và lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus SARS-CoV-2 vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.

Thứ 2, nhiều người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải còn thấy xác virus nhưng ở dạng bất hoạt. Khi làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng virus không hoạt động được nữa.

Thứ 3, trường hợp người lành - người không có biểu hiện bệnh nhưng cơ thể đang mang virus (hiện có một trường hợp). Điều này có thể xảy ra khi cơ thể người đó chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này. 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: “Chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở y tế, với tất cả trường hợp có xét nghiệm âm tính nhưng sau đó xét nghiệm lại thì cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, phải giao cho phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh”.

Thời gian tới, ngành y tế sẽ tiến hành lấy mẫu tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa, với mục đích xem kháng thể đó có khả năng tiêu diệt được virus gây bệnh hay không.

“Có trường hợp, chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy, virus sẽ tồn tại một thời gian rất dài trong cơ thể” - Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói thêm.

Công việc này phải làm trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3. Hiện Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM thực hiện, để từ đó sớm có câu trả lời khoa học

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI