Xét nghiệm âm tính có thể làm giảm sự phòng bị với COVID-19

16/04/2020 - 11:46

PNO - Một bài viết công bố trên tạp chí Mayo Clinic Proceedings (Mỹ) kêu gọi sự chú ý đến rủi ro do sự phụ thuộc vào xét nghiệm COVID-19, trong việc đưa ra các quyết định về lâm sàng và sức khỏe cộng đồng.

 

Lý do, độ nhạy của xét nghiệm phản ứng chuỗi transcriptase-polymerase ngược (RT-PCR) và đặc điểm hiệu suất xét nghiệm tổng thể hiện chưa rõ ràng hoặc nhất quán trong tài liệu y khoa.

Priya Sampathkumar, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mayo Clinic và đồng tác giả nghiên cứu, cảnh báo các cơ quan chăm sóc sức khỏe nên chuẩn bị cho “làn sóng lây nhiễm thứ hai ít rõ ràng hơn từ những người có kết quả xét nghiệm âm tính giả”. 

Ngay cả khi giá trị độ nhạy xét nghiệm cao tới 90%, mức độ rủi ro từ kết quả xét nghiệm sai sẽ rất đáng kể khi số người được xét nghiệm tăng. Chẳng hạn tại bang California, ước tính tỷ lệ nhiễm COVID-19 có thể vượt quá 50% vào giữa tháng 5/2020. Với dân số 40 triệu người, sẽ có 2 triệu kết quả âm tính giả ở California nếu xét nghiệm toàn diện. Ngay cả khi chỉ có 1% dân số bang được xét nghiệm, 20.000 kết quả âm tính giả là điều đáng quan tâm.

Tiến sĩ Colin West, tác giả chính của nghiên cứu, nhận định: “Hiện tại, hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho nhân viên chăm sóc sức khỏe không có triệu chứng, với xét nghiệm âm tính có thể dẫn đến việc họ ngay lập tức trở lại làm việc thường xuyên trong môi trường lâm sàng, từ đó tạo ra nguy cơ lây lan bệnh”. Do đó, bài viết kết luận, người thực sự có nguy cơ thấp, kết quả xét nghiệm âm tính đủ để tạo mức tin cậy.

Riêng những người có nguy cơ cao, ngay cả không có triệu chứng, nguy cơ kết quả xét nghiệm âm tính giả đòi hỏi các biện pháp bổ sung, chẳng hạn như tự cách ly kéo dài.

 Tấn Vĩ (theo Science Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI