2 bóng hồng trên chính trường Nhật Bản

27/09/2020 - 06:08

PNO - Lọt thỏm giữa một tập thể lãnh đạo quốc gia toàn đàn ông, thế nhưng hai bóng hồng này không hề bị lép vế hay trở nên yếu thế trước các đồng nghiệp nam của mình.

Trong danh sách 20 thành viên nội các mới được tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga công bố ngày 16/9, nam giới áp đảo với 18 chiếc ghế Bộ trưởng.

Chỉ có 2 bóng hồng được bổ nhiệm nắm giữ các vị trí quan trọng của đất nước có dân số đứng thứ 11 trên thế giới với hơn 126 triệu người. Thế nhưng, họ đã, đang và sẽ thể hiện vai trò và đóng góp của mình cho đất nước không hề thua kém các đồng sự nam giới.

Các thành viên nội các mới của tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga với chỉ 2 người là phụ nữ - Ảnh: Sankei News
Tập thể thành viên nội các mới của tân thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga với chỉ 2 người là phụ nữ - Ảnh: Sankei News

1. Bà Yoko Kamikawa - Bộ trưởng Bộ Tư pháp 

Đây là lần thứ 3 liên tiếp bà Kamikawa được tín nhiệm giao nắm giữ chiếc ghế quan trọng thuộc ngành tư pháp Nhật Bản.

Bà Kamikawa sinh năm 1953 tại thành phố Shizuoka. Bà tốt nghiệp đại học Tokyo năm 1977, sau đó đến Mỹ học thạc sỹ ngành Quản trị hành chính công tại Trường chính sách John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard và tốt nghiệp năm 1988.

Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa phát biểu tại buổi lễ ra mắt nội các mới của Nhật bản hôm 16/9 - Ảnh: Charly Triballeau/AFP
Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa phát biểu tại buổi lễ ra mắt nội các mới của Nhật Bản hôm 16/9 - Ảnh: Charly Triballeau/AFP

Trước khi bước chân vào chính trường Nhật Bản, bà Yoko sáng lập và làm chủ tịch một công ty tư vấn chính sách công mang tên Globalink Research Institute, Inc cho đến năm 2000.

Trong suốt thời gian phụ trách lĩnh vực tư pháp, bà Kamikawa đã gây dấu ấn bằng lệnh tử hình tất cả 13 thành viên thuộc giáo phái Aum Shinrikyo, bao gồm cả giáo chủ Shoko Asahara do hành vi gây ra vụ thảm sát bằng khí độc thần kinh sarin trên hệ thống tàu điện ngầm Tokyo năm 1995.

Là một nhân vật nữ dày dặn trên chính trường với thái độ cứng rắn và mạnh mẽ, thế nhưng ngoài đời thường, người phụ nữ 67 tuổi này lại rất gần gũi và thân thiện. Sở thích đặc biệt của bà mẹ có 2 người con gái là luyện tập môn võ thuật Nhật Bản hiện đại aikido và đắm mình trong những điệu múa truyền thống.

2. Bà Seiko Hashimoto -  Bộ trưởng phụ trách Thế vận hội Olympic và Paralympic 

Vốn được cựu thủ tướng Shinzo Abe bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng phụ trách các thế vận hội Olympics và Paralympics Tokyo 2020 như là một nỗ lực thúc đẩy chính sách trao quyền cho phụ nữ, lần này, bà Hashimoto tiếp tục được tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tái bổ nhiệm đảm trách vị trí cũ trong bối cảnh nhiều thách thức mới đối với công tác tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic 2020 đã bị hoãn do đại dịch COVID-19.

Bà Seiko Hashimoto đang đặt ưu tiên cao nhất cho việc tổ chức Thế vận hội đã được lên lịch vào mùa Hè 2021 - Ảnh: Nikkan Sports
Bà Seiko Hashimoto đang đặt ưu tiên cao nhất cho việc tổ chức Thế vận hội đã được lên lịch vào mùa Hè 2021 - Ảnh: Ashahi

Là nữ vận động viên đầu tiên của Nhật Bản dành được huy chương Olympic cho bộ môn trượt băng tốc độ tại Thế vận hội mùa Đông 1992 tổ chức tại Pháp, người phụ nữ 55 tuổi có nguyên quán ở Hokkaido tiếp tục được kỳ vọng sẽ đóng vai trò tích cực cho việc tổ chức thành công sự kiện thể thao quan trọng mà lần thứ 2 Nhật Bản được vinh dự đăng cai.

Bà Hashimoto gây ấn tượng với kỷ lục 7 lần là vận động viên thi đấu tại các kỳ Thế vận hội Olympic. Bà bắt đầu tham gia con đường chính trị từ năm 1995 với vai trò là thành viên của Thượng viện thuộc Quốc hội Nhật Bản.

Năm 2000, bà Hashimoto thêm một lần nữa tạo nên “kỳ tích” mới, đó là trở thành nữ chính trị gia đầu tiên của Nhật Bản gần sinh con mà vẫn làm việc tại văn phòng. Bà chỉ kịp rời cơ quan đến bệnh viện và sinh hạ em bé 2 tiếng đồng hồ sau đó.

Bà mẹ của 6 người con này đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực giáo dục và phát triển trẻ em trong suốt thời gian tham chính của mình bằng các chính sách ưu tiên và thúc đẩy việc thực thi trong thực tế. Bà cũng được đánh giá cao trên vai trò Bộ trưởng kiêm nhiệm phụ trách bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với các mục tiêu như cải thiện tình trạng sức khỏe cho phụ nữ, chống lại nạn bạo hành giới, cũng như giải quyết có hiệu quả vấn đề sụt giảm tỷ suất sinh con, vốn là "căn bệnh trầm kha" của xã hội Nhật Bản thời hiện đại.

Không chỉ là một vận động viên chuyên nghiệp, bà Seiko Hashimoto còn được biết đến như là nữ chính khách có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản - Ảnh:
Không chỉ là một vận động viên chuyên nghiệp, bà Seiko Hashimoto còn được biết đến như là nữ chính khách có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Nhật Bản - Ảnh tư liệu

Với sự tín nhiệm và ủng hộ của Thủ tướng Suga, bà Hashimoto đang thể hiện quyết tâm sẽ tổ chức thành công Thế vận hội mùa Hè vào năm 2021 “bằng mọi giá” cho dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Nguyễn Thuận

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI